Rà soát mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến nay, thu nhập bình quân đầu người các xã vùng biên của tỉnh mới đạt 24,3 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 58% bình quân toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình tại 16 xã vùng biên với hơn 50,3%, gấp 7,5 lần bình quân chung toàn tỉnh.
Hiện các xã biên giới mới đạt bình quân 3,75 tiêu chí nông thôn mới/xã, bằng khoảng 1/4 so với bình quân chung toàn tỉnh. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, chương trình phát triển y tế, giáo dục và nhiều tiêu chí nông thôn mới còn nhiều bất cập...
Phân bố dọc đường biên giới Việt–Lào, cách thị trấn huyện Thường Xuân tới 70 km và khá biệt lập với trung tâm xã, bản Vịn là một trong những bản làng xa nhất xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân và là bản điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở vùng biên.
Từ năm 2019, bản Vịn đã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành bản đầu tiên của huyện Thường Xuân đạt danh hiệu này. Đường lên bản Vịn giờ đây được trải nhựa hoàn toàn. Việc đi lại tới bản Vịn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Du khách sẽ có một trải nghiệm quãng đường rừng tự nhiên.
Bản người Thái giáp huyện Sầm Tớ của nước bạn Lào từng nhiều khó khăn. Giờ đây Giữa bốn bề núi rừng, những khu nhà sàn san sát bên triền đồi, chạy quanh là hệ thống đường giao thông rộng rãi, được bê tông hóa, trồng hoa.
Phát huy lợi thế đất lâm nghiệp, 180 hộ đồng bào dân tộc Thái đều phát triển chăn nuôi gia súc, với tổng đàn trâu, bò hơn 400 con để xây dựng kinh tế hộ vững chắc. NTM đã mang lại “luồng gió mới”, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của từng gia đình nơi đây. Khi được vận động, sức dân đã biến những vườn hoang thành vườn cây ăn quả, những đàn lợn cỏ, gà đồi được nuôi đại trà hơn, tiềm năng của vùng rừng núi đã được khơi dậy. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã được huyện Thường Xuân xây dựng tại đây với 10 hộ gia đình được hỗ trợ để sửa chữa nhà sàn, xây dựng nhà vệ sinh khép kín để đón khách, phát triển du lịch cộng đồng.
Tại xã vùng biên Quang Chiểu, huyện Mường Lát tuy còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng có tới 5 trong tổng số 13 bản đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhờ xây dựng nông thôn mới, đồng bào 5 bản đã biết cải tạo vườn tạp, trồng cây lâu năm theo quy hoạch. Từ nguồn vốn và nguồn xi măng được hỗ trợ, Nhân dân các bản đã tích cực hiến đất, ngày công lao động... để xây dựng đường giao thông, thực hiện có hiệu quả các nguồn hỗ trợ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động đang trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở địa phương bởi những năm gần đây, xã luôn duy trì trên dưới 200 lao động đi làm việc tại nước ngoài, gửi nguồn ngoại tệ không nhỏ về xây dựng quê hương.
Nông thôn mới đã góp phần đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biên viễn nâng cao so với mặt bằng chung trong vùng. Những bản làng nông thôn mới ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa có được như ngày hôm nay là nhờ có sự quyết tâm lớn lao và chọn hướng đi đúng.
Thành công ở Bản người Thái giáp huyện Sầm Tớ, tại xã vùng biên Quang Chiểu là những minh chứng sống động cho thấy hoàn toàn có thể xây dựng nông thôn mới hiệu quả ở các bản, các xã vùng biên khó khăn nếu có sự đồng thuận của chính quyền và Nhân dân, sự hỗ trợ của cấp trên.
Minh Yến