Sáng 28/11, tại xã Hợp Nhất, Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị tọa đàm tuyên truyền thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Thời gian qua, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân được phát huy hiệu quả khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nhờ đó tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình NTM, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 76 xã đạt chuẩn NTM, đạt 166% kế hoạch, nâng tổng số xã đạt NTM là 95 xã (chưa sáp nhập là 122 xã). Tính đến 31/5/2022, toàn tỉnh có 122 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã, 1.459 khu dân cư NTM (tăng thêm 42 khu so với năm 2021), bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân được phát huy hiệu quả, nhờ đó tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Cùng với thu nhập, các tiêu chí về môi trường, bảo hiểm y tế, tiếp cận pháp luật, an ninh trật tự... cũng được đánh giá là khó thực hiện hay giữ vững bởi đây là tiêu chí dễ biến động, khoảng cách giữa đạt và không đạt khá “mong manh”, thiếu bền vững. Tiêu chí môi trường không phải đầu tư quá nhiều kinh phí nhưng để hoàn thành, duy trì, nâng cao đòi hỏi sự chung tay vào cuộc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, trong đó phụ thuộc phần nhiều vào ý thức của người dân.

Với các xã đạt tiêu chí môi trường, việc thu gom rác thải sinh hoạt hiện đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương, được xử lý tập trung hoặc chủ động xử lý theo hướng dẫn đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, công tác này có địa phương thực hiện chưa triệt để bởi thực tế nhiều hộ dân chưa chủ động sẵn sàng tham gia, chi trả phí dịch vụ thu gom rác thải. Môi trường nông thôn đang chịu sức ép ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp lực từ phát triển kinh tế và xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sản xuất của làng nghề… Không ít địa phương mới xử lý, thu gom chất thải rắn còn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi chưa được thu gom và xử lý, nhiều xã xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp đốt thô sơ nên không đảm bảo.

Bên cạnh đó, các địa phương đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia công tác giữ gìn vệ sinh chung tại các khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường một số nơi chưa cao, tình trạng vứt, xả rác bừa bãi ở những khu đất trống, ven đường, ven suối, kênh, mương vẫn còn nên việc giữ vững tiêu chí này cũng không phải đơn giản.

Vì vậy, việc giữ vững các tiêu chí “mềm” trong xây dựng NTM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bởi sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm, xây dựng NTM không dừng lại ở việc hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát triển thành quả đạt được, đồng thời đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống người dân. Các địa phương cần có ý thức gìn giữ thành quả xây dựng NTM đã đạt được, nâng cao chất lượng các tiêu chí để không bị tụt hậu và mất danh hiệu NTM.

Thu Hằng, và nhóm PV, BTV