Một nhà khoa học gây tranh cãi người Nga đã tự tiêm một loại vi khuẩn 3,5 triệu năm tuổi, vốn được tìm thấy trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia, vào cơ thể mình và tuyên bố ông hiện khỏe mạnh hơn cũng như không bao giờ bị ốm.
Anatoli Brouchkov, trưởng Khoa nghiên cứu đất đá đóng băng thuộc Đại học Moscow (Nga) quả quyết, ông đã không bị cúm suốt 2 năm sau khi tiêm vi khuẩn có tên Bacillus F vào cơ thể mình.
Bacillus F được tiến sĩ Brouchkov phát hiện lần đầu tiên năm 2009. Nó nằm mắc kẹt trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu cổ xưa, khoảng 3,5 triệu năm tuổi tại khu vực núi Mammoth ở Cộng hòa Sakha, hay còn được biết đến với tên gọi Yakutia, vùng lớn nhất thuộc Siberia, Nga.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm Bacillus F trên chuột và các tế bào máu của người. Tuy nhiên, ông Brouchkov đã có một quyết định táo bạo là lấy thân mình làm người thí nghiệm vi khuẩn cổ.
Tiến sĩ Anatoli Brouchkov tuyên bố, ông khỏe mạnh hơn và chưa hề bị ốm suốt 2 năm sau khi tự tiêm vi khuẩn Bacillus F vào cơ thể mình. Ảnh: The Siberian Times |
Báo Siberian Times dẫn lời ông Brouchkov cho biết: "Sau các thử nghiệm thành công trên chuột và ruồi giấm, tôi nghĩ sẽ thật thú vị khi được tự mình thử nghiệm mẻ vi khuẩn bất hoạt ...
Bacillus F thực tế còn tồn tại với lượng cực nhỏ trong nước của khu vực. Tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang tan và tôi đoán những vi khuẩn này đang xâm nhập vào môi trường, vào nước, nên cư dân địa phương - tộc người Yakut, suốt một thời gian dài đang hấp thu cả chúng cùng với nước và họ thậm chí có vẻ sống thọ hơn một số dân tộc khác.
Vì vậy, không có gì là nguy hiểm đối với tôi. Tôi đã bắt đầu làm việc lâu hơn và chưa bao giờ bị cúm trong suốt 2 năm qua".
Dẫu vậy, ông Brouchkov thừa nhận không hay biết về việc vi khuẩn Bacillus F đang tác động như thế nào đến cơ thể ông.
"Chúng tôi hiện không biết chính xác Bacillus F hoạt động như thế nào. Trong thực tế, chúng ta cũng không biết chính xác aspirin hoạt động ra sao, dù nó vẫn có ích cho sức khỏe con người. Có lẽ đã có một số tác dụng phụ, nhưng chúng ta cần phải có thiết bị y tế đặc biệt nào đó để phát hiện ra chúng.
Tất nhiên, các thí nghiệm như trên cần phải được tiến hành tại cơ sở y tế, với dụng cụ chuyên biệt và số liệu thống kê đầy đủ. Sau đó, chúng tôi mới có thể tuyên bố rõ ràng về tất cả các ảnh hưởng của vi khuẩn. Nếu chúng tôi có thể tìm ra cách vi khuẩn sống sót sau hàng triệu năm như thế nào, chúng tôi cũng có thể phát hiện công cụ giúp kéo dài tuổi thọ của con người", ông Brouchkov nhấn mạnh.
Ông Brouchkov và các cộng sự cũng cho rằng, Bacillus F còn có thể nắm giữ chìa khóa về khả năng sinh sản. Lí do vì, trong các thí nghiệm, nó cho phép các con chuột cái già bắt đầu vận động nhanh nhẹn hơn và tái sinh sản sau một thời gian dài chấm dứt khả năng đó.
Tiến sĩ Viktor Chernyavsky, chuyên gia nghiên cứu bệnh dịch ở Yakutsk, mô tả khám phá trên là một "đột phá khoa học". Theo ông, nếu Bacillus F được chứng minh sử dụng an toàn ở người, nó có thể giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của chúng ta, dẫn tới sự ra đời của một "tiên dược" giúp con người trường sinh, bất lão và thậm chí bất tử.
Tuấn Anh (theo RT, Daily Mail)