Cách Hà Nội khoảng 240km, đỉnh Sa Mu – U Bò (thường gọi là đỉnh Sa Mu, thuộc xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) là tọa độ trekking (đi bộ đường dài) thu hút những tín đồ ưa xê dịch suốt 2 năm nay.

Theo cổng thông tin điện tử huyện Bắc Yên, đỉnh Sa Mu nằm trên ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Yên Bái, thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa - một phần kéo dài của dãy Hoàng Liên Sơn về phía Nam.

chinh phuc dinh sa mu 2.jpg
Đỉnh Sa Mu là 1 trong những tọa độ trekking hút khách bậc nhất phía Bắc, đặc biệt là vào mùa đông

Đỉnh núi này nằm ở độ cao 2.756m so với mực nước biển và cũng là địa điểm săn mây nổi tiếng ở Tà Xùa.

Tuy mới được cắm chóp vào tháng 12/2022 và là cái tên còn mới mẻ trên bản đồ trekking phía Bắc nhưng đỉnh Sa Mu đã đón lượng lớn du khách đến khám phá nhờ cảnh quan đẹp hoang sơ với rừng nguyên sinh.

chinh phuc dinh sa mu 0.jpg
Ba Đình (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm bạn trekking đỉnh Sa Mu 

Cùng nhóm bạn đặt chân tới đỉnh Sa Mu hồi đầu tháng 12, Hoàng Ba Đình (SN 1999, ở Hà Nội) không khỏi ấn tượng trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở đây.

Ba Đình cho biết từng trekking hơn 10 đỉnh núi cao ở Việt Nam như Nam Kang Ho Tao, Bạch Mộc Lương Tử… và chinh phục thành công Annapurna base camp (trại nền Annapurna) tại Nepal. 

chinh phuc dinh sa mu 1.jpg
Lịch trình lý tưởng để hoàn thành cung leo tới đỉnh Sa Mu là 2 ngày 1 đêm

Chàng trai Hà Nội đánh giá cung leo đỉnh Sa Mu không quá khó, độ khó khoảng 6/10 với nhiều dốc dài nhưng không gắt.

“Đây là cung trekking đa dạng về hệ sinh thái. Cảnh quan ấn tượng với những khu rừng còn nguyên vẻ hoang sơ. Đặc biệt là rừng rêu quá đẹp.

Đỉnh Sa Mu cũng không quá dốc nên phù hợp với cả những du khách leo núi lần đầu”, Ba Đình chia sẻ.

Cung trekking đỉnh Sa Mu sẽ đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh mang nét đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới với thảm thực vật đa dạng như rêu, đỗ quyên, lá phong, rừng trúc và nhiều suối, thác.

Thảm thực vật trong rừng thay đổi theo độ cao và hướng sườn núi. Từ khoảng tháng 9 đến tháng 11, lá phong đổi màu vàng, đỏ tạo nên khung cảnh thơ mộng. Tháng 3 và 4 là mùa hoa đỗ quyên.

Trong rừng còn có nhiều cây cổ thụ to, hình dáng kỳ lạ, rêu phủ quanh năm và rừng trúc xanh bốn mùa.

Để đến được đỉnh Sa Mu, từ thị trấn Bắc Yên, Ba Đình cùng nhóm bạn đi sâu khoảng 40km vào điểm leo núi tại xã Xím Vàng. Sau 2 tiếng di chuyển, đoàn khách đến điểm tập kết dưới chân núi rồi tiếp tục tiến lên đỉnh.

Quãng đường từ chân núi tới đỉnh khoảng 10-12km, có lán nghỉ cách đỉnh khoảng 1km. Tuy nhiên, cung leo từ lán tới đỉnh có địa hình dốc nên du khách tốn chừng 1 tiếng mới đến đích.

Nếu xuất phát vào khoảng 4 - 5h, khi đến đỉnh có thể ngắm được biển mây và đón bình minh.

chinh phuc dinh sa mu 3.jpg
Có 2 cung trekking chính để lên đến đỉnh Sa Mu, đó là từ hướng Xím Vàng và hướng Háng Đồng

“Nhóm mình xuất phát từ Hà Nội lúc 20h, tới Tà Xùa lúc 2h. Sau đó, mọi người nghỉ ngơi và 7h bắt đầu di chuyển vào Xím Vàng để trekking.

16h, cả đoàn đến lán, tranh thủ ngắm hoàng hôn rồi ăn uống và nghỉ qua đêm tại đây. 4h30 hôm sau tiếp tục leo lên đỉnh núi để chiêm ngưỡng bình minh, rồi ngược xuống theo hướng Háng Đồng, rẽ vào Làng Chếu.

Tổng cung leo khoảng 26km (10km đi lên và 16km đi xuống)”, Ba Đình cho hay.

chinh phuc dinh sa mu.jpg

Vì ở trên cao nên vào mùa đông, thời tiết trên đỉnh Sa Mu khá khắc nghiệt, nhiệt độ đêm có thể xuống -2 độ C.

Du khách tới đây dịp này cần chuẩn bị trang phục giữ nhiệt, giày leo núi chuyên dụng hoặc ủng nhựa và các đồ dùng cá nhân cần thiết như thuốc, đồ ăn, nước uống. 

Ngoài ra, du khách khi leo núi cần lưu ý không được xả rác ở rừng, không tự ý bẻ cành, ngắt hoa để giữ gìn cảnh quan tự nhiên, góp phần phát triển du lịch địa phương một cách bền vững.

“Trong quá trình leo, cơ thể sinh nhiệt nên bạn sẽ cảm thấy nóng. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị áo thun mỏng, thêm chiếc áo gió để thuận tiện cho chuyến trekking. 

Bên cạnh đó, thời điểm chiều tà hay sáng sớm leo lên đỉnh sẽ lạnh hơn nên bạn cần mang cả áo giữ nhiệt, khăn, áo phao nhẹ… và trang bị sẵn áo mưa, găng tay đề phòng trường hợp gặp mưa trong rừng”, 9X gợi ý.

Ảnh: Hoàng Ba Đình