Chiều ngày 26/6/2015, Báo Bưu điện Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày ra số báo đầu tiên (30/6/1990 – 30/6/2015). Tới dự có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và hơn 300 đại biểu.

Ngày 18/1/1990, Báo Bưu điện Việt Nam được khai sinh theo quyết định số 37/BTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin với tên gọi Báo Bưu chính Viễn thông cơ quan của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị đến ngày 30/6/1990, Báo Bưu chính Viễn thông đã chính thức xuất bản số đầu tiên, có 4 trang được in tại Trung tâm thông tin xuất bản và in Bưu điện, giá bán 200 đồng.

Hiện nay, Báo Bưu điện Việt Nam đã trở thành một tòa soạn đa phương tiện với: Báo Bưu điện Việt Nam bản giấy xuất bản 3 số/tuần, báo điện tử infonet.vn với các chuyên trang ictnews.vn, infogame.vn, thế giới trẻ, tài chính plus, đời sống…

Theo ông Nguyễn Đoàn, nguyên Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam (một trong những phóng viên đầu tiên của Báo thời kỳ mới thành lập) cho biết, cái khó khăn nhất lúc mới ra đời là Báo Bưu chính Viễn thông nhận trọng trách là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Bưu điện, là tiếng nói của khách hàng sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông, nhưng lúc đó Báo mới chỉ mang tầm của một trang tin.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cũng cho rằng, 25 năm trưởng thành, Báo Bưu điện Việt Nam khó khăn không ít và thuận lợi cũng nhiều, nhưng dù trong hoàn cảnh nào Báo Bưu điện Việt Nam cũng luôn bám sát và phản ánh đầy đủ những tin tức về sự phát triển của ngành.

Báo cáo tại lễ kỷ niệm, Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam Võ Đăng Thiên cho biết, đặc điểm nổi bật nhất trong sự hình thành, phát triển của Báo Bưu điện Việt Nam là sự gắn bó với sự phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam, nay là ngành TT&TT. 25 năm nhìn lại, những người làm Báo Bưu điện Việt Nam có quyền tự hào là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, từng bước phát triển, vươn lên cùng với sự phát triển của ngành. Bài học thành công quan trọng nhất mà Báo Bưu điện Việt Nam rút ra sau 25 xây dựng và phát triển là gắn bó với ngành, với các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành, phấn đấu hết sức mình để thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo, định hướng của Bộ TT&TT,  Ban Tuyên giáo Trung Ương.

Tổng biên tập Võ Đăng Thiên cho biết, trọng trách của Báo Bưu điện Việt Nam trong thời gian tới làm phải làm tiếp tục làm tốt cơ quan ngôn luận của Bộ. Báo sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu Báo Bưu điện Việt Nam, phát triển Infonet theo mô hình tòa soạn đa phương tiện, theo kịp xu hướng phát triển báo chí hiện đại.

Nhìn lại chặng đường 25 năm của Báo Bưu điện Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, Báo Bưu điện Việt Nam đã luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích,  hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của ngành Bưu điện, nay là ngành TT&TT. Báo đã góp phần đắc lực trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông, các hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông và nay là Bộ TT&TT,  thực tiễn phát triển sôi động, đa dạng, phong phú của các lĩnh vực thuộc ngành TT&TT, hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành. Báo còn là diễn đàn trao đổi thông tin, phản biện chính sách, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành với xã hội, cộng đồng, giúp xã hội hiểu và ủng hộ các hoạt động quản lý nhà nước, những chính sách, cơ chế được ban hành.

Đặc biệt, từ khi báo điện tử Infonet ra đời, Báo Bưu điện Việt Nam đã thực sự có một bước phát triển mới về chất với việc hình thành tòa soạn đa phương tiện hiện đại, vừa có báo in vừa có báo điện tử, vai trò, tầm ảnh hưởng của Báo nhờ thế cũng được tăng cường và mở rộng, vừa nâng cao hiệu quả việc thực hiện vai trò, chức năng cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT, vừa phát triển như một tòa soạn báo chính trị - xã hội, góp phần thông tin, tuyên truyền những vấn đề, sự kiện thời sự chung của đất nước và quốc tế. 

"25 năm gắn bó, đồng hành cùng ngành TT&TT, Báo Bưu điện Việt Nam đã thực sự trở thành người bạn thân thiết, tin cậy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành và đông đảo bạn đọc trong cả nước. Tôi cho rằng, đây mới chính phần thưởng quan trọng, quý giá nhất đối với một cơ quan báo chí mà những người làm báo", Bộ trưởng nói.

Chỉ đạo Báo Bưu điện Việt Nam phải chú trọng hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nêu rõ: Tiếp tục tập trung sức lực, trí tuệ thực hiện thật tốt nhiệm vụ chính trị  là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT. Đây luôn luôn là nhiệm vụ nhiệm vụ chính trị hàng đầu, quan trọng nhất của Báo Bưu điện Việt Nam. Báo Bưu điện Việt Nam phải luôn luôn là tờ báo, là tiếng nói của ngành TT&TT. Nhiệm vụ này cần được quán triệt một cách sâu sắc trên tất cả các ấn phẩm của tòa soạn.

Đồng thời, nỗ lực phát triển Infonet thành báo điện tử có uy tín và thương hiệu trong hệ thống báo chí cả nước, nâng cao chất lượng thông tin, đa dạng hóa các chuyên trang nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc; luôn bắt kịp những xu thế mới của báo chí và truyền thông hiện đại, xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện hiện đại, tiên tiến. Là báo điện tử của Bộ TT&TT, thông tin trên Infonet không chỉ cần bảo đảm tính nhanh nhạy, kịp thời, sắc sảo mà còn phải nghiêm túc, đáng tin cậy, luôn tuân thủ những quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son căn dặn, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Báo Bưu điện Việt Nam cần tăng cường công tác xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ song song với rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, đầy đủ năng lực và bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tòa soạn. Với sự phát triển của CNTT và Internet, người làm báo hiện nay có rất nhiều thuận lợi trong tác nghiệp. Tuy nhiên, người làm báo  cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức, cám dỗ và cả cạm bẫy mà nếu không có bản lĩnh vững vàng, ý thức đạo đức nghề nghiệp cao thì rất dễ bị sa ngã, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong buổi gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam được tổ chức tại Bộ TT&TT ngày 19/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh yêu cầu người làm báo cần phải đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Điều này cần phải được thể hiện ra trên từng tác phẩm báo chí, từng tin, từng bài được đăng phát. Những người làm báo trong tòa soạn Báo Bưu điện Việt Nam cần quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Những mốc son trong chặng đường 25 năm Báo Bưu điện Việt Nam

Ngày 30/6/1990, Báo Bưu chính Viễn thông đã chính thức xuất bản số đầu tiên, có 4 trang được in tại Trung tâm thông tin xuất bản và in Bưu điện, giá bán 200 đồng.

Đến ngày 16/5/2007, Báo Bưu điện Việt Nam đã chính thức ra mắt báo điện tử ICTnews tại địa chỉ ictnews.vn với tiêu chí hoạt động: Tin nhanh nhất về CNTT-TT, ngay sau khi ra đời ICTnews đã trở thành kênh thông tin quan trọng và phản ánh kịp thời về mọi hoạt động từ quản lý, điều hành, cập nhật sự phát triển của thị trường, tới những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực ICT.

Tháng 8/2007, Bộ TT&TT ra đời, Báo Bưu điện Việt Nam lại bước sang một giai đoạn phát triển mới với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT. Từ ngày 1/7/2008, Báo Bưu điện Việt Nam đã nâng kỳ xuất bản từ 2 kỳ tuần lên 3 kỳ/tuần để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng nhanh của ngành.

Ngày 11/11/2011, báo điện tử Infonet đã chính thức online lại một lần nữa ghi dấu son trong sự phát triển thần tốc của báo Bưu điện Việt Nam. Infonet là tờ báo điện tử chính trị - xã hội, cùng với Báo Bưu điện Việt Nam (bản in) là cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ TT&TT.