LTS: VietNamNet ghi lại những chia sẻ của Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam về sứ mệnh của báo chí trong phần tiếp theo của loạt bài "Báo chí chung tay làm sạch chính mình".
Nhà báo đừng coi mình trên mọi người
Tôi thấy rất buồn mỗi khi nghe tin có nhà báo bị thu thẻ. Việc này có nhiều lý do, đó là anh em chưa đủ bản lĩnh chính trị để đấu tranh với bản thân mình; do tác động của cuộc sống, anh chưa dám hi sinh cuộc sống của mình mà đi vào con đường lệch lạc. Lấy uy tín của nhà báo để đi viết bài rồi dọa người ta, ra giá bài này phải trả bao nhiêu, không trả sẽ đăng tiếp, vì vậy mà có chuyện “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
Hay như chuyện đánh hội đồng, chỉ một chuyện mà tất cả xào xáo ra thành một việc gì đó như vụ scandal làm cơ quan người ta điêu đứng, buộc cơ quan muốn thế này, thế nọ thì phải chạy tiền. Nhà báo không vững vàng về mặt chính trị, không phải bảo vệ cái đúng mà động cơ viết bài để kiếm tiền, không còn lương tâm, không có trách nhiệm của nhà báo.
Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin. |
Đáng lưu ý là ở các văn phòng đại diện, do đặc thù ở xa, chỉ có một vài người, tôi không nói là do lỏng lẻo, nhưng vì nó ít mà xa sự chỉ đạo của Ban biên tập, sinh hoạt đảng đoàn bị hạn chế, hoạt động cũng tự do nên rất dễ bị tác động bởi những mặt tiêu cực, chuyện về kinh tế. Những người lợi dụng là nhà báo, cộng tác viên, đại diện cơ quan này cơ quan kia đi làm tiền, đến dọa các DN để lấy tiền là không đúng với lương tâm nghề nghiệp làm báo.
Anh là phóng viên, nhưng cũng là một công dân. Vì vậy trước hết khi làm việc thì phải đặt mình là một công dân, các cơ quan báo chí cũng phải đặt mình là một cơ quan nhà nước, chịu sự quản lý của nhà nước. Anh đi làm chuyện bậy bạ tiêu cực vì cứ tưởng anh là nhà báo, nhà báo có quyền to lắm, không to đâu. To đấy là xã hội đánh giá về anh, còn anh thì vẫn là một công dân thôi. Họ tôn trọng nhà báo, cung cấp thông tin cho báo chí vì họ tôn trọng cơ quan báo chí của anh, nhưng không vì thế mà bảo anh hơn họ được.
Tôi mong rằng các nhà báo đừng coi mình trên mọi người. Họ càng tôn trọng cơ quan báo chí bao nhiêu thì cơ quan báo chí càng phải khiêm tốn bấy nhiêu; phóng viên được đón tiếp niềm nở, được cung cấp thông tin, thậm chí họ tin mình thì bản thân phải hết sức khiêm tốn, chứ không có nghĩa anh to hơn họ.
Phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo trước tiên là phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, không bao giờ có vết gì làm cho vẩn đục, sẵn sàng hi sinh, luôn bảo vệ lẽ phải.
Vì sao Đảng ta luôn nói phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng? Vì xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta trung thành với sự nghiệp của dân tộc. Phóng viên cũng vậy, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc thì “mắt mới luôn luôn sáng, lòng luôn trong, ngòi bút không bao giờ cong”.
Muốn làm báo tốt thì trước hết phải là người tốt, anh không bẻ cong ngòi bút thì trước hết tâm của anh không cong. Còn nếu anh bị tác động của cơ chế thị trường, có động cơ sai lệch, viết để “trưa gặp, chiều gỡ” thì họ không còn tin anh là nhà báo nữa.
Điều tôi tâm đắc nhất, đã là nhà báo thì phải trung thực, khách quan, luôn luôn bảo vệ lẽ phải. Mạng xã hội đầy rẫy tin tức đòi hỏi nhà báo phải tỉnh táo để chọn lựa tin nào đúng, nếu hùa vào đó thì thông tin sẽ sai sự thật.
Người được hưởng thông tin chính là nhân dân. Chức năng lớn nhất của báo chí là phải đưa tin trung thực, khách quan, kịp thời, chính xác và phải có tính định hướng. Nhân dân tin báo chí vì đưa tin trung thực, kịp thời và có định hướng rõ ràng.
Muốn cạnh tranh thì phải tận dụng tiến bộ của công nghệ số
Một đất nước muốn vươn lên để sánh vai cùng với các cường quốc thì trước hết phải có sức mạnh tinh thần. Bác Hồ đã nói phải có ý chí vươn lên, có tinh thần yêu nước, không có tinh thần yêu nước, tinh thần quật cường dân tộc thì không thể sánh vai được với năm châu bốn biển được. Tinh thần chính là lòng trung thành, yêu nước, ý chí quật cường.
Phóng viên tác nghiệp tại một cuộc họp báo. Ảnh: Đoàn Bổng |
Nghề nào cũng có khó khăn và nguy hiểm, nghề báo cũng vậy, không chỉ nguy hiểm trong chiến tranh mà cả khi hoà bình. Làm báo có vị trí được nhân dân tin thì phải sống với niềm tin đó, đam mê với nghề của mình thì đó là sự thành công của người làm báo.
Nói về sứ mệnh của báo chí, bản chất và nội hàm không bao giờ thay đổi đó là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Báo chí là động lực tinh thần, muốn phát triển thì phải ứng dụng công nghệ số để thu lượm thông tin nhanh nhất, chính xác, trung thực nhất để hướng người đọc đến cái mà xã hội đang hướng đến. Ngày xưa chụp được bức ảnh chiến trường gửi ra thì phải mất cả năm, đi bằng đường giao liên cực kỳ khó khăn. Bây giờ phóng viên có máy móc có thể gửi luôn thông tin về toà soạn.
Muốn cạnh tranh thì phải tận dụng tất cả tiến bộ của công nghệ số. Vì vậy, nếu báo chí không ứng dụng, lợi dụng những thế mạnh tiến bộ của kỹ thuật số thì không thể nào làm được nhiệm vụ của mình, đó là động lực tinh thần đưa đất nước ta thành một Việt Nam hùng cường.
Muốn trở thành một nhà báo chân chính không có cách nào khác là phải học tập, học nghiệp vụ báo chí, luôn luôn theo dõi sự biến đổi của công nghệ thông tin để ứng dụng vào nghiệp vụ báo chí. Đồng thời phải trau dồi về chính trị, có bản lĩnh chính trị mới đánh giá được sự việc đúng hay không đúng; luôn luôn tu dưỡng đạo đức, có như vậy mới thực hiện được sứ mệnh của báo chí.
Báo chí cần tạo sức mạnh tinh thần, năng lượng tích cực cho xã hội
Nhà báo phải thực sự chuyên nghiệp, giỏi tác nghiệp trong thế giới truyền thông hiện đại. Hơn hết báo chí và nhà báo phải rất mẫn cảm, kịp thời phản bác mạnh mẽ những thông tin độc hại.
Hương Quỳnh (ghi)