- Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo tới 14 đầu việc mà ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông cần thực hiện trong thời gian tới tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2014 vào sáng ngày 7/7.

Sau khi nghe các Báo cáo Sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2014, Báo cáo Phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014 cũng như ý kiến của các Sở TT&TT các tỉnh, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, trong 6 tháng vừa qua, ngành công nghệ thông tin đã làm được một khối lượng công việc rất đồ sộ.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: L.V

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, nổi bật nhất phải kể đến việc tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành bản Tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 58 về Ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước các cấp. Tiếp đó là xây dựng dự thảo Luật An toàn thông tin và Quy hoạch Báo chí Việt Nam trình Bộ Chính trị vào 25/4 vừa qua.

Theo Bộ trưởng, việc quy hoạch báo chí toàn quốc động chạm rất lớn tới toàn bộ xã hội, các ban ngành. Vì vậy, mặc dù đã thành công bước đầu song song vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức.

Bộ trưởng cũng cho hay, vào tháng 8 tới, Bộ sẽ trình Quy hoạch Báo chí Việt Nam lần thứ 2 lên Bộ Chính trị và Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng để xem xét thông qua vào tháng 10 năm nay.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, trong 6 tháng vừa qua chính là thời gian sôi động nhất của ngành thông tin truyền thông kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

“Trong 6 tháng vừa qua, ngoài công tác chỉ đạo thông tin tuyên truyền như thường lệ, nổi bật nhất là chúng ta đã chỉ đạo khá tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo”, vị tư lệnh ngành thông tin truyền thông nói.

Bộ trưởng khẳng định, cùng với các nhà ngoại giao, cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân, báo chí là một trong những lực lượng quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về thực thi nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình hiện nay.

Thông qua báo chí, chúng ta tuyên truyền để người dân hiểu được những hoạt động kiểm ngư cũng như hoạt động của ngư dân ta hiện nay. Thông qua báo chí, chúng ta tuyên truyền để thấy được hoạt động ngang ngược của Trung Quốc đã dùng tàu của Trung Quốc húc tàu kiểm ngư, cảnh sát biển thậm chí húc chìm tàu của ngư dân.

“Những hình ảnh sống động đó giúp chúng ta có thêm tư liệu để đấu tranh làm cho quốc tế hiểu thêm chính nghĩa của chúng ta cũng như hành động sai trái của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, biển đảo của chúng ta trên Biển Đông”, Bộ trưởng nói.

“Báo chí trong thời gian qua đã góp phần rất tích cực trong việc nâng cao nhân cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các giải pháp đấu tranh không khoan nhượng của chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta”, Bộ trưởng khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, báo chí trong thời gian qua đã tích cực tuyên truyền để đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội. Vừa qua, khi một số thế lực thù địch đã nhân cơ hội tình hình căng thẳng trên Biển Đông để kích động nhân dân đập phá nhà máy xí nghiệp, có hành vi vi phạm pháp luật, báo chí đã có hành động kịp thời, giúp người dân hiểu được tình hình, thể hiện tình yêu nước đúng lúc đúng chỗ, không để bị kích động, bị lợi dụng, phương hại đến hình ảnh đất nước, cũng như an ninh xã hội.

Phê duyệt đề án tái cơ cấu VNPT

Một nhiệm vụ nổi bật của ngành công nghệ thông tin trong 6 tháng đầu năm vừa qua, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chính là việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ Cấu Tập đoàn VNPT thông qua Quyết định số 888/QD-TTg. Theo Bộ trưởng, mặc dù đây là quyết định trực tiếp đối với VNPT, song đây cũng là một cơ hội lớn để ngành thông tin truyền thông phát triển, tạo nên bước đột phá mới.

Bộ trưởng cho rằng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng là sự ghi nhận đối với sự cống hiến và phát triển của VNPT. Sự phát triển của VNPT phát triển như vậy nên đã góp phần cung cấp thêm một mạng viễn thông nữa cho thị trường, đảm bảo hình thành thị trường theo đúng luật và tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

“Khi chúng ta đã mặc cái áo quá chật rồi, chúng ta cần khoác một cái áo mới phù hợp hơn. Đó cũng chính là quy luật phát triển”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết, việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Quyết định số 888 của Thủ tướng Chính phủ là quyết định cuối cùng về tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, song nó đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ báo chí cũng như dư luận xã hội. Đó cũng là sự thể hiện đóng góp và cống hiến của Tập đoàn VNPT trong những năm qua.

Nhiều hạn chế

Mặc dù đạt được một số nội dung quan trọng, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, công tác ngành thông tin truyền thông trong 6 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục.

Đầu tiên, theo Bộ trưởng, công tác xây dựng văn bản pháp luật còn chậm tiến độ, thậm chí nhiều văn bản phải xin lùi thời điểm. Từ đây tạo áp lực khi trong 6 tháng cuối năm còn 33 thông tư liên tịch cần ban hành.

Một số cơ quan báo thông tin điện tử chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chạy theo đưa tin giật gân, câu khách, đưa tin không kiểm chứng dẫn đến có những khuyết điểm nhất định.

Bộ trưởng cho biết, trong 6 tháng vừa qua, Bộ TT&TT đã xử lý phạt tiền 9 cơ quan báo in, xử lý 2 cơ quan báo hình, báo nói, thu thẻ nhà báo của 3 nhà báo, xử lý kỷ luật 3 tổng biển tập, xử lý đình chỉ công tác của 1 trưởng Ban Biên tập. “Đó là điều không mong muốn nhưng để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, chúng ta phải thực hiện nghiêm”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, vấn đề tin nhắn rác, quản lý dịch vụ OTT chưa đạt được như mong muốn, một số dịch vụ doanh nghiệp cung cấp đầu số hoạt động không đúng quy định dẫn đến tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gây bức xúc cho xã hội.

Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng các cuộc tấn công mạng từ trong nước và nước ngoài diễn biến phức tạp đặc biệt là từ nước ngoài vào các trang  mạng, công thông tin của các cơ quan của chúng ta, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hiện tượng làm sách giả, sách lậu, in lậu vẫn diễn biến phức tạp và rất cần chấn chỉnh trong thời gian tới.

Nhiều việc cần làm

Về những công việc cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cần sớm hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật như việc sửa đổi Luật Báo chí, Quy hoạch Báo chí Việt Nam, Quy định Quản lý dịch vụ Phát thanh truyền hình, Luật An toàn thông tin cũng như các thông tư hướng dẫn Nghị định 72 còn thiếu…

Về công tác tuyên truyền, Bộ trưởng Son cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về biên giới, chủ quyền biển đảo cũng như các trương của Đảng và Nhà nước nói chung.

Về công tác tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, cần sớm xây dựng các cơ chế cho các đơn vị mới chuyển về Bộ như VMS, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương có thể hoạt động ổn định. Đồng thời, sơm ban hành hướng dẫn xây dựng các quy định về quyền hạn tổ chức các Sở TT&TT cũng như các Phòng Văn hóa Thông tin tại các cơ sở.

Một nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng nhấn mạnh đó là tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn VNPT theo Quyết định số 888 của Thủ tướng Chính phủ, thành lập các Tổng công ty VNPT Net, VNPT Media, VNPT VinaPhone và Tổng công ty MobiFone. Ngoài ra cần tiếp tục nhiệm vụ tái cơ cấu Tổng công ty VTC, sớm đưa ra các biện pháp tổ chức phần còn lại của VTC sau khi Đài truyền hình KTS VTC tách ra. Bộ trưởng khẳng định, đây là 2 nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT&TT trong 6 tháng cuối năm.

Về công tác quản lý thị trường viễn thông, Bộ trưởng khẳng định, cần tiếp tục ban hành những thực hiện những biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt là đối với thuê bao trả trước, tin nhắn rác, hạn chế lừa đảo trên mạng, quản lý tốt dịch vụ OTT cũng như dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp nội dung số.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Song cũng giao cho Cục Viễn thông chủ trì xây dựng văn bản quản lý dịch vụ OTT và đồng thời đề xuất biện pháp quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số để hạn chế những tiêu cực gây bức xúc trong xã hội như thời gian qua.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Bộ trưởng nhắc tới chính là khẩn trương cụ thể hóa cơ chế để các cơ quan nhà nước thuê dịch vụ CNTT theo kết luận của Thủ tướng Chính tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư soạn thảo, cụ thể hóa cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và ban hành nghị định trước 30/7 này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo các Sở TT&TT báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu quốc hội để có tiếng nói thống nhất cùng Bộ TT&TT về việc tách ngân sách phục vụ cho sự nghiệp thông tin truyền thông ra mục riêng.

Hiện nay ngân sách của ngành thông tin truyền thông vẫn lẫn trong mục Văn hóa thông tin. Trong khi đó, ngành chúng ta đóng góp rất lớn đối với kinh tế xã hội. Chúng ta có 3 doanh nghiệp viễn thông nhưng trong 6 tháng đầu năm đã đóng góp 10 ngàn tỷ. Trong năm ngoái, 2 mạng viễn thông VNPT và Viettel đã đóng góp trên 27 ngàn tỷ trong tổng số 174 ngàn tỷ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”

“Như vậy, ngành TT&TT không chỉ là ngành tiêu tiền, làm công tác thông tin truyên truyền, gián tiếp mang lại lợi ích xã hội mà còn là ngành trực tiếp mang lại lợi kích kinh tế cho xã hội, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Do vậy, chúng ta phải đối xử ngành này sao cho tương xứng”, Bộ trưởng khẳng định.

Lê Văn