Thực hiện đường lối đối mới, nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Trong đó, nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho những “người yếu thế” và bảo đảm “quyền có chỗ ở” của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Đảng, Nhà nước đã đưa tiêu chí về nhà ở vào nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, có nhiều chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ người dân để có chỗ ở an toàn, phù hợp. Các chính sách phát triển nhà ở phù hợp với khu vực thành thị và nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới hải đảo. Trong đó, đặc biệt quan tâm nhà ở của các gia đình chính sách, hộ nghèo, người lao động trong các khu công nghiệp, người dân vùng thường xuyên bão lũ, thiên tai,...
Phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội.
Tại tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi” được tổ chức hôm 10/5, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, Luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt. Cùng với đó, cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội…
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành quỹ đất cho phát triển loại hình nhà ở này.
Trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt (bao gồm: quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại)...
Những quy định này thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tế - ông Hưng khẳng định.
Ngoài ra, các địa phương còn phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dành ngân sách để xây dựng dự án đầu tư nhà ở xã hội; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án để bảo đảm đồng bộ.
Một điểm mới khác là Luật Nhà ở 2023 bổ sung thêm một số hình thức phát triển nhà ở xã hội, đó là phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp (xây dựng nhà lưu trú cho công nhân) và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đồng thời, bổ sung chủ thể đầu tư nhà ở xã hội: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng có những điều chỉnh về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… Theo ông Hưng, đây đều là những yếu tố có tác động mạnh mẽ, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong tiếp cận nhà ở xã hội cũng như giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển loại hình nhà ở này…
Nhóm PV