Các chuyên gia tại tọa đàm |
Trẻ em dễ lâm vào trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội
Trao đổi tại tọa đàm về bảo vệ thanh thiếu nhi trên môi trường mạng do TikTok Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững tổ chức ngày 28/2, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định với tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với vấn đề an toàn của trẻ em trên môi trường mạng.
“Hiện nay tỷ lệ người dùng Internet là trẻ em rất lớn, là những đối tượng chưa thành niên không có đủ hiểu biết về những rủi ro và tiêu cực của môi trường mạng, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nhóm này trở thành mục tiêu xâm hại”, ông Nam nói.
Còn theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tác động trong xã hội, đặc biệt trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Bà Linh dẫn thông tin từ một số nghiên cứu cho thấy, hơn 1/3 trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24.
Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%).
Đáng lo ngại, cứ 1 trong 4 trẻ đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội và ước tính cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng.
Cùng đó mỗi ngày có hàng trăm nghìn hình ảnh về xâm hại trẻ em được tung lên mạng.
“Đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, hiện không tìm thấy số liệu chính thức, sẵn có về mức độ phổ biến và quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng nhưng tại Việt Nam cũng rất đáng lo ngại”, bà Linh bày tỏ.
Trẻ em cũng chưa thể hiểu đầy đủ về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng Internet. Do công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng nên cha mẹ, người giám hộ có thể gặp khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.
Trong khi đó, đáng tiếc là hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng CNTT, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Trẻ bị bắt nạt trên mạng xã hội đang ở mức báo động |
Các tổ chức cần thắt chặt hợp tác, vào cuộc quyết liệt
Trao đổi thêm tại tọa đàm, bà Nguyễn Phương Linh cho rằng để giúp trẻ có được kỹ năng khi tham gia môi trường mạng, tránh bị lộ thông tin cá nhân, nghiện mạng xã hội, nghiện game, xem các ấn phẩm/chương trình không phù hợp, tránh bị bắt nạt trên mạng, xâm hại tình dục trên mạng, kết bạn xấu hay bị lừa đảo trên mạng…, cần đẩy mạnh cho trẻ em kiến thức và kỹ năng số để làm chủ công nghệ, tận dụng được những lợi ích của công nghệ và giảm thiểu rủi ro.
“Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng các em với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ. Riêng khối doanh nghiệp công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm và các tiêu chuẩn cộng đồng, cùng tham gia trong việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên - những khách hàng hiện tại và tương lai được an toàn và có những trải nghiệm ý nghĩa trên môi trường mạng đặc biệt quan trọng”, bà Linh nhấn mạnh.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam cho hay với nỗ lực hỗ trợ đảm bảo an toàn cho người dùng trên môi trường mạng, TikTok cũng tung ra một loạt video hướng dẫn an toàn hiển thị trên bảng tin của người dùng ứng dụng. Loạt video này được sản xuất theo phong cách đặc trưng của TikTok nhằm biến những kiến thức vè an toàn trực tuyến trở nên dễ hiểu và dễ nhớ.
Bên cạnh đó, TikTok cũng liên tục cải tiến và cập nhật các chính sách, công cụ và tài nguyên để thúc đẩy môi trường ứng dụng an toàn. Hiện TikTok đã có một số những biện phâp chống lại việc lạm dụng như chế độ hạn chế, bộ lọc, báo xấu trên ứng dụng và đội ngũ kiểm duyệt đảm nhiệm việc loại bỏ những nội dung không phù hợp và xóa các tài khoản vi phạm điều khoản dịch vụ.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Lâm Thanh bày tỏ TikTok đánh giá khung pháp lý của Việt Nam đã đầy đủ, nhưng việc truyền thông ra cộng đồng còn hạn chế. Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam hy vọng trong tương lai sẽ có những hợp tác thực chất, phối hợp chặt chẽ hơn để truyền thông những điều tốt đẹp đến với cộng đồng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cùng với kênh như Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cần đẩy mạnh sử dụng chính môi trường mạng Internet để lắng nghe, giải đáp các vấn đề giới trẻ quan tâm.
Đại diện Cục Trẻ em gợi ý có thể thông qua chính môi trường mạng để thực hiện khảo sát, tiếp nhận ý kiến. Hàng tuần có thể chọn ra một vấn đề giới trẻ quan tâm để lắng nghe, nắm bắt được quan điểm của giới trẻ, giúp cho việc quản lý, phối hợp đạt hiệu quả cao hơn.