Mỗi ngày, giờ tới lớp hay tan trường, những chiếc ô tô cũ nát, hết hạn đăng kiểm, nhồi nhét số học sinh gấp 2, gấp 3 lần số ghế, phóng ào ào trên đường.
Đây là những gì đang diễn ra tại nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, uy hiếp an toàn của hàng ngàn học sinh ngày ngày đến trường bằng xe đưa rước.
Coi thường an toàn của học sinh
11h trưa ngày 2/11, phóng viên VOV có mặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình, TP. Biên Hòa), lúc này là giờ tan học của các lớp buổi sáng. Hàng chục chiếc xe nhìn đã cũ nát, chủ yếu là loại 16 chỗ hoặc 25 chỗ, ào ạt phóng từ cổng trường ra đường Bùi Văn Hòa, nhả khói mù mịt – dấu hiệu của những chiếc xe lâu năm, xuống cấp. Trên xe, mấy chục học sinh tiểu học chen chúc đứng ngồi, những hàng ghế không có chỗ bám, tựa…
Chiếc xe rệu rã nhồi nhét hàng chục học sinh. Theo thông tin tại website Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe này đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 2/2016. |
Chiếc xe 16 chỗ biển số 60B-023.44 của tài xế Thương đang đón các cháu ngay trong sân trường. Tài xế này cho biết, xe của anh vừa hết đăng kiểm vài ngày nhưng vẫn đảm bảo an toàn và chỉ đi quãng đường ngắn nên không đáng ngại.
Tài xế Thương nói: “Thật sự là không phải là không đảm bảo mà mình chạy ở đây là chạy gần, và cũng đảm bảo cho các cháu ngồi, không thò tay chân ra ngoài. Còn đăng kiểm đăng ký thì cũng vừa mới hết, em cũng đang tính là đi đăng kiểm, chắc là chiều nay, trong ngày hôm nay là đăng kiểm xong xuôi hết”.
Nhưng thực ra, con tem đăng kiểm vẫn dán trên kính xe cho thấy chiếc xe này đã hết hạn từ tháng 8/2016. Có những chiếc xe thậm chí không còn tem đăng kiểm.
Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận ra tình trạng xuống cấp nặng của rất nhiều xe dùng để đưa rước học sinh: xe rệu rã, cũ kỹ và rỉ sét; những chiếc ghế không còn nguyên vẹn, tất cả đều bị cải hoán, gỡ chỗ này, gắn chỗ khác, làm sao để nhét được nhiều học sinh nhất. Một người trong nghề cho hay, một chiếc xe 16 chỗ thường chở hơn gấp đôi, tức 30, thậm chí 40 học sinh.
Một tài xế trong nghề tiết lộ, nhiều xe "quá đát” dùng để đưa rước học sinh có giá chỉ vài chục triệu đồng. Tài xế không dám cho xe đi đăng kiểm bởi đã hết niên hạn và cũng chẳng còn gì để mà đăng kiểm được, chỉ còn cách đi bán phế liệu. Tài xế này nói: “Xe quá cũ đâu có hoạt động được. Trốn đi đâu được! Có điều người ta không đăng kiểm nữa thôi. Chứ còn bây giờ xe đã hết đời rồi thì bên đăng kiểm người ta thu sổ lại, làm ăn gì nữa. Nó chỉ là cái xe chui, xe không giấy tờ, khi nào gặp công an thì người ta trốn".
Ngoài tài xế, không có người lớn nào khác trông chừng các em |
Thế nhưng thực tế, ở nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở ở các phường, xã như Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân… của thành phố Biên Hòa, vẫn có hàng chục chiếc xe “lẽ ra phải bán phế liệu” lại vô tư lưu thông trên đường, thách thức pháp luật. Nguy hiểm hơn chúng đang ngày ngày đưa rước hàng ngàn học sinh, uy hiếp sự an toàn của các em.
Anh Vũ Tiến Hải, ở phường Long Bình Tân, cho biết dù rất bận rộn nhưng anh cũng không dám cho con mình đi xe, mà vợ chồng phải chủ động sắp xếp thời gian đưa đón. Bởi anh không đủ can đảm cho con mình ngồi lên những chiếc xe nhìn như muốn rụng bánh bất cứ lúc nào. Anh Hải nói: “Tôi toàn phải đưa đón, toàn xe hết “đát”, hết đăng kiểm chạy vòng vòng ở đây có dám chạy ra đường đâu. Không đảm bảo an toàn đâu, lại toàn chở các cháu nhỏ, đường thì đông nghịt”.
Không ai giám sát
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện học sinh ở Biên Hòa đi học bằng xe đưa rước chủ yếu theo 2 hình thức: phụ huynh hợp đồng trực tiếp với tài xế hoặc là các giáo viên (thường là giáo viên tiểu học) nhận trông giữ học sinh tại nhà hợp đồng với nhà xe. Giá đưa rước mỗi tháng trung bình khoảng 400.000 đồng/học sinh, nếu xe tốt và rẻ hơn, chỉ 100.000 đến 200.000 đồng/học sinh, nếu xe “nát”.
Học sinh vô tư nô đùa, không biết rằng sự an toàn của chúng bị đe dọa khi ngồi trên những chiếc xe quá cũ nát |
Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh ở phường Long Bình có hơn 3.700 học sinh, chủ yếu đi học bằng xe đưa rước. Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc kiểm tra, giám sát thường được thực hiện vào đầu năm học, khi nhà trường yêu cầu những cá nhân, đơn vị cung cấp xe đưa rước chứng minh một số giấy tờ như: giấy đăng kiểm, giấy phép lái xe của tài xế... Nhưng sau đó ai lái xe, xe loại nào, hợp pháp hay không thì nhà trường không nắm.
Bà Nguyễn Thị Lạng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh nói: “Chúng tôi không quản lý những hệ thống xe đó vì do phụ huynh học sinh tự thuê mướn cho con em mình. Nhưng mà chúng tôi có yêu cầu là những xe đó phô tô đăng kiểm, giấy phép lái xe…, chỉ làm một lần đầu năm. Xe của họ tôi không để ý là có thay đổi nhiều hay không, nhưng những tài xế thường thì ít có thay đổi".
Khi phóng viên đặt vấn đề đối chiếu hồ sơ của các nhà xe đã lưu lại ở nhà trường với các xe thực tế đang chạy đưa rước học sinh thì nhà trường từ chối.
Đại diện Phòng GD–ĐT TP. Biên Hòa cũng thừa nhận, lâu nay đối với việc vận chuyển học sinh bằng xe đưa rước, Phòng và các trường chủ yếu vận động giáo viên, phụ huynh học sinh quan tâm đến các yếu tố đảm bảo an toàn, chứ chưa có một biện pháp cụ thể, mang tính ràng buộc nào cả. Những chiếc xe vi phạm có bị xử lý hay không thì phụ thuộc vào… công an giao thông.
Có thể nói, việc giám sát những xe hàng ngày đưa rước học sinh là không khó, thậm chí bằng mắt thường cũng có thể cơ bản đánh giá được một chiếc xe không đảm bảo an toàn nếu nó đã quá cũ nát; hoặc chỉ cần nhìn tem đăng kiểm là có thể biết tình trạng hợp pháp của chiếc xe. Thế nhưng, ngày ngày, những chiếc xe “nát” này vẫn nghênh ngang phóng ào ạt trên đường, mang theo sự an toàn tính mạng của các cháu học sinh mà không bị xử lý.
Theo Xuân Lượng/ VOV – TP.HCM