– Dù tâm bão chưa đổ bộ nhưng toàn bộ các tỉnh Đông Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa lớn, gió mạnh. Các sông ở miền Trung sẽ xuất hiện một đợt lũ do mưa lớn từ cơn bão này.

Đề phòng lũ quét do mưa lớn

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 30 – 60mm.

Một số nơi có mưa to hơn như Đô Lương (Nghệ An) 126mm; Hòn Ngư (Nghệ An) 190mm; Tp.Vinh 134mm; Tp.Hà Tĩnh 127mm….

{keywords}

Bão số 2 đang gây mưa lớn, gió mạnh cho các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, nguy cơ sạt lở đất cao (Ảnh: NCHMF)

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6; một số nơi có gió mạnh hơn như Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh 19m/s (cấp 8); đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 17m/s (cấp 7); giật 25m/s (cấp 10); ở Văn Lý (Nam Định) có gió giật 17m/s (cấp 7); Thái Bình giật 20m/s (cấp 8); Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật mạnh 18m/s (cấp 8).

Do ảnh hưởng tác động của bão số 2 và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ chiều tối 22/6, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.

Từ đêm 22/6, trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở mức BĐ1 và trên BĐ1.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum.

Đêm qua (22/6), Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các Bộ, ngành liên quan đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra.

Bão giật cấp 12, đổ vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lúc 4 giờ sáng nay (23/6), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ cách bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ khoảng 170km về phía Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc sau đó có khả năng lệch dần về hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Đến 4 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.

Mưa lớn, TP. Hà Tĩnh ngập nặng

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại Hà Tĩnh đã có mưa lớn. Đáng chú ý, mưa lớn liên tục từ chiều tối ngày 22/6 đến trưa ngày 23/6 đã khiến nhiều tuyến đường tại TP. Hà Tĩnh chìm trong biển nước, gây ách tắc cục bộ.

{keywords}
Nhiều điểm nước ngập sâu trên 50cm từ chiều tối 22/6 đến trưa 23/6.

Đây được xem là cơn mưa “giải nhiệt” lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Tại các tuyến đường “ngập truyền thống” như Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, nước dâng ngập có điểm sâu hơn 50cm khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn, nhiều xe chết máy.

Theo thống kê của Ban PCLB tỉnh, lượng mưa đo được tại TP. Hà Tĩnh trên 200mm, cao nhất trên toàn tỉnh trong đợt mưa này.

{keywords}
Hình ảnh ngập tại đường Nguyễn Du.

{keywords}
Đường ngập khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn.

{keywords}
Một chiếc ô tô phải quay đầu, không dám di chuyển tiếp.


{keywords}
 Trận mưa này được xem là lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Thanh Hóa: 20 tàu chưa về nơi trú tránh

6.067 phương tiện với 18.584 lao động hoạt động trên biển đã được thông tin về diễn biến của cơn bão số 2 để chủ động phòng tránh.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn còn 20 phương tiện với 80 lao động hoạt động trên biển.

Bội đội biên phòng Thanh Hóa cũng đã cử cán bộ xuống các bến hướng dẫn ngư dân neo giữ tàu thuyền và phối hợp chính quyền địa phương kiên quyết không để người dân ở lại lán bè vùng nuôi trồng thủy sản.

Thái Bình: Di dân tránh bão

Trước diễn biến cơn bão số 2, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy cấm tàu thuyền ra khơi.

Đến tối ngày 22/6, toàn tỉnh có 1.118 phương tiện với 2.582 lao động đang neo đậu tại các bến, hiện còn 68 phương tiện với 261 lao động đang hoạt động trên biển nhưng đã được thông báo và liên lạc kịp thời.

14 hộ dân sinh sống ở khu vực ngoài đê quốc gia xã Đông Long, huyện Tiền Hải hoàn tất di dời trong sáng 23/6 để đảm bảo an toàn.

Thừa Thiên-Huế: Bắn pháo gọi tàu thuyền vào bờ

Trước diễn biến của cơn Bão số 2, ngay từ tối 21/6, Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão; đồng thời thông báo cho tàu thuyền không được ra khơi khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Đến trưa 22/6 đã có hơn 370 phương tiện với hơn 2.500 lao động đã vào bờ tránh bão an toàn

Hà Nội ứng trực 24/24 chống bão số 2

Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 2, tổng lượng mưa khu vực Hà Nội khoảng 100-150mm. Để chủ động phòng chống úng ngập khi có mưa lớn do ảnh hưởng của bão trên địa bàn Thành phố Hà nội, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà nội yêu cầu cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở chủ động hạ mực nước hồ điều hoà Yên Sở, hạ mực nước trên các kênh dẫn, kênh bao và các con sông đến mực nước quy định.

Các đơn vị khác chủ động hạ mực nước tại các hồ điều hoà do đơn vị quản lý đến mức thấp nhất, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công.

Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước. Chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương.

N.Anh - Duy Quang- T.Hạnh