Việt Nam đang trở thành điểm đến của các hãng công nghệ, thành công xưởng smartphone của thế giới. Thế nhưng, một vấn đề mà các công ty công nghệ hoạt động tại nước ta luôn phải đối mặt là trình độ lao động. Họ giải quyết vấn đề này ra sao? Tác giả Shara Tibken của trang công nghệ Cnet vừa có dịp tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây. ICTnews xin dịch lại bài viết của Shara Tibken để độc giả có cái nhìn cận cảnh. 

- Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Tôi đến trễ so với lớp học diễn ra lúc 5h30 chiều, căn phòng với điều hòa nhiệt độ đã được đóng kín. Tôi tháo đôi sandal của mình ra - phong tục khi bạn đến thăm các gia đình hoặc nhà máy của người Việt - hòa mình vào căn phòng với hơn 20 học viên. 

Căn phòng nhỏ này cách Dinh Thống Nhất - một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Sài Gòn - 10 phút đi bộ. Công trình này được biết đến là một di tích của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, thế nhưng giờ đây hình ảnh được chiếu trên bức tường của lớp học không còn là cảnh tượng liên quan tới chiến tranh nữa. Khoảng 20 sinh viên có mặt tại đây đều vì một mục đích: học phát triển các ứng dụng cho iPhone và iPad bằng ngôn ngữ lập trình Swift của Apple.

"Những gì các bạn được học trong trường không dùng được cho thực tế" - giảng viên Phạm Khoa chia sẻ với tôi trong bữa ăn sau giờ học. Lý do? Bởi trường học tại Việt Nam tập trung nhiều vào lý thuyết hơn là thực hành. Đó là lý do vì sao một lập trình viên mới chỉ 28 tuổi và tự học lập trình giờ đây lại trở thành thầy giáo dạy cho người khác cách viết ứng dụng iOS, Android, và Windows.

Yêu cầu tự học là một trong những kỹ năng cần phải có, khi Việt Nam đang muốn thay đổi mình để trở thành một trong những nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã tốt nghiệp, trừ khi chịu làm công nhân lắp ráp, các sinh viên vẫn cần phải được đào tạo thêm để làm các công việc đòi hỏi trình độ cao hơn. Đó là chia sẻ của rất nhiều công ty và startup với tôi tại sự kiện Road Trip 2015. Trong số này, một số nhân viên cần đào tạo trong ít tháng, nhưng cũng có nhân viên phải đào tạo thêm cả năm mới có thể lành nghề.

"Chương trình đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam không phù hợp để làm việc sau khi tốt nghiệp" - Pham Dong Phong, Giám đốc nhà máy của LG tại Hải Phòng chia sẻ. "Sau khi ra trường, chỉ với các kiến thức chung thì sinh viên sẽ rất khó để có thể làm được việc". Và để giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức, một số công ty công nghệ lớn như Samsung và LG đã mở các chương trình riêng nhằm đào tạo cho công nhân Việt Nam. Những chương trình như vậy cho thấy các hãng công nghệ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng thường có các chính sách ưu đãi thuế cho các công ty nước ngoài. Giá nhân công tại Việt Nam cũng được đánh giá là rẻ, đặc biệt là so với Trung Quốc, nơi lương nhân công ngày càng tăng cùng với sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Một công nhân công nghệ ở Việt Nam thường chỉ có thu nhập bằng 1/3 so với công nhân Trung Quốc (năm 2013, một công nhân nhà máy ở Hà Nội có thu nhập 145 USD/tháng, trong khi ở Bắc Kinh là 466 USD/tháng, tuy nhiên, đến nay thì mức lương đã được tăng lên). Dân số Việt Nam cũng trẻ hơn - với độ tuổi trung bình là 29, trẻ hơn 8 tuổi so với Mỹ và Trung Quốc.

Cho tới hiện nay, dù các kỹ năng của lao động vẫn chưa đáp ứng được các công việc tay nghề cao, nhưng các tiêu chuẩn giáo dục đã tăng lên nhanh chóng. Học sinh lớp 9 ở Việt Nam đã có điểm đọc, toán, và khoa học cao hơn so với các trẻ ở nhiều quốc gia phát triển, bao gồm cả Mỹ và Anh. Thành tích này là nhờ sự đầu tư của chính phủ Việt Nam vào giáo dục 

Khi nói về ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể dùng hai từ: bùng nổ. Intel, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, đã mở một nhà máy 1 tỷ USD ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010, và nhà sản xuất hợp đồng đến từ Mỹ Jabil cũng đến đầu tư nhà máy tại đây. Mảng thiết bị của Nokia (nay thuộc Microsoft) cũng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Hà Nội. Wintek, nhà cung cấp màn hình LCD cho Apple đang hoạt động tại Việt Nam, còn LG sản xuất mọi sản phẩm, từ thiết bị di động đến TV, ở nhà máy của mình tại Hải Phòng. Với Samsung, năm ngoái, gần 1/3 smartphone của công ty Hàn Quốc được lắp ráp tại Việt Nam.

Sản xuất công nghệ cũng đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong nửa đầu 2015 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước - theo Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố. Sức tăng trưởng này là nhờ 14,7 tỷ giá trị từ xuất khẩu điện thoại và phụ tùng. Xuất khẩu điện thoại và phụ tùng cũng chiếm khoảng 19% tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệu ứng Samsung

Samsung có thể nói là nước đi đầu trong việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Năm 2012, khoảng 2 năm sau khi Samsung mở nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên ở phía bắc, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu lần đầu tiên trong 20 năm. Sau khi hãng mở nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai tại miền bắc Việt Nam hồi năm ngoái, 17% trong tổng số xuất khẩu của Việt Nam là từ Samsung.

Samsung vẫn tiếp tục chú trọng đầu tư vào Việt Nam. Trong vòng 7 năm qua, công ty Hàn Quốc đã dành gần 9 tỷ USD để xây dựng và phát triển các nhà máy tại Việt Nam. Đó là chưa kể hàng tỷ USD đầu tư từ các bộ phận và nhà cung cấp khác của Samsung, như công ty sản xuất màn hình tablet và smartphone trị giá 1 tỷ USD mới đây ở Bắc Ninh (vừa được chính phủ Việt Nam đồng ý cấp phép hoạt động).

Lượng nhân công của Samsung tại các quốc gia Đông Nam Á - đặc biệt là Việt Nam - hiện lớn hơn số nhân công của hãng này tại Trung Quốc. Thậm chí, hồi năm ngoái, thống kê cho thấy nhân viên của Samsung ở Việt Nam nhiều hơn cả nhân viên tại Hàn Quốc - quê nhà của hãng này. Samsung thuê khoảng 110.000 công nhân tại Việt Nam, phần lớn làm việc tại hai nhà máy sản xuất smartphone của hãng ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Khi cho đi vào hoạt động nhà máy mới trị giá 1,4 tỷ USD ở Thành phố Hồ Chí Minh vào nửa đầu năm sau, Samsung sẽ thuê thêm khoảng 5.000 công nhân nữa.

"Việt Nam đang là quốc gia phát triển, do đó, chúng tôi có cơ hội không chỉ cả về mặt kinh doanh mà còn là lực lượng lao động" - Nguyen Van Dao, Phó Chủ tịch mảng marketing doanh nghiệp cho các hoạt động tại Việt Nam của Samsung, cho biết.

Khi thuê tới hàng nghìn nhân công ở một quốc gia đang phát triển, thì việc tìm kiếm được các nhân viên có kiến thức nền tốt về công nghệ là cực kỳ khó. Samsung nói rằng họ phải đào tạo cho tất cả các công nhân. Đồng thời, khi tuyển mới, công ty sẽ đánh giá kiến thức chung và kiến thức nền của ứng viên để tuyển dụng.

"Giáo dục ở Việt Nam chủ yếu là về lý thuyết, thiếu thực hành. Chúng tôi vẫn cần rất nhiều kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm để làm việc không chỉ cho công ty mà còn cho các văn phòng bán hàng cũng như các việc khác" - Nguyen Van Dao cho biết.

Samsung ký các thỏa thuận với các trường đại học để các nhân viên của mình có thể tham gia các khóa học miễn phí vào ban đêm ngay trong nhà máy. Họ có thể học tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, cũng như học kế toán và điện tử kỹ thuật. Công ty cũng số hóa các cuốn sách và tài trợ 50 thư viện thông minh ở các thành phố lớn, các vùng nông thôn tại Việt Nam. Samsung cũng phối hợp với chính phủ Việt Nam để số hóa sách giáo khoa, các tài liệu hướng dẫn tham khảo cao cấp, và nhiều cuốn sách khác. Sản phẩm cuối cùng sẽ được tích hợp trong 1 ứng dụng Android có tên Classbook trên các máy chạy Android của Samsung.

Nhiều năm đào tạo

Samsung không phải là công ty duy nhất bỏ nguồn lực ra đào tạo cho nhân công. LG - công ty vừa mở một nhà máy 800.000 m2 ở Hải Phòng hồi tháng 3/2015 - cũng có xu hướng thuê công nhân sau đó mở các lớp đào tạo cho họ.

Hiện tại chúng tôi chỉ tập trung đào tạo ngay trên công việc mà các nhân công đang làm" - Phong, giám đốc nhà máy của LG cho biết. Tuy nhiên chúng tôi đang tính tới những phương án cho tương lai 3 năm tới là phải làm thế nào để có đội ngũ quản lý và điều hành có kinh nghiệm".

Hải Phòng, thành phố lớn thứ ba ở Việt Nam, là một cảng cửa ngõ quan trọng cách Hà Nội khoảng 3 giờ chạy ô tô. LG có 1000 nhân viên ở đây và hãng dự định tăng gấp đôi con số này trong năm sau. Mặc dù có rất nhiều lao động trẻ, có năng lực ở Việt Nam, LG đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các nhân viên có kinh nghiệm cho các công việc đòi hỏi trình độ chuyên sâu hơn như giám sát các công nhân tại các dây chuyền lắp ráp hay tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Đại diện LG cũng tiết lộ rằng công ty đang tăng cường cho hoạt động R&D trong các lĩnh vực phần mềm, hệ thống thông tin giải trí trên xe hơi, tại Việt Nam. Mục đích của sự đẩy mạnh này là để giúp LG dễ dàng hơn trong việc khắc phục các vấn đề về sản xuất, cũng như phát triển các sản phẩm cho chính thị trường địa phương.

Tính trung bình, LG phải mất 3 năm để đào tạo cho các nhân viên của các trung tâm R&D này. Sau 3 năm, các nhân viên này mới có thể tự triển khai các dự án của mình mà không phải huấn luyện thêm. LG cũng có các chương trình học bổng và học việc dành cho các sinh viên. Hãng cũng cân nhắc tới việc hợp tác với các trường đại học nhằm mở các khóa đào tạo đặc biệt.

Jabil - tập đoàn đa quốc gia chuyên cung cấp giải pháp cho ngành công nghiệp điện tử đến từ Mỹ - mở một nhà máy ở TPHCM, để sản xuất sản phẩm cho các khách hàng như Ingenico và Sierra Wireless ở Công viên Công nghệ cao Sài Gòn. Công viên này trông giống Thung lũng Silicon hơn bất kỳ nơi nào khác ở Việt Nam mà tôi từng biết đến. Con đường phía trước nhà máy của Jabil đầy bụi bẩn khoảng 1 tháng trước khi tôi đến. Các mương đất vẫn đang bao quanh nhà máy.

Với các công ty Mỹ như Jabil, vấn đề lớn nhất họ gặp phải với các ứng viên là trình độ tiếng Anh. Theo mô tả của hãng này, những gì mà nhiều sinh viên học "khá lạc hậu so với những gì chúng tôi cần" - phát biểu của Patrick Tan, quản lý các hoạt động của nhà máy Jabil tại Việt Nam. "Thật khó để các sinh viên vừa ra trường có thể làm được việc ngay, và điều này thường không xảy ra ở các nước khác".

Jabil mở một chương trình đào tạo kéo dài hàng năm cho nhân viên mới mà họ nhận thấy có năng lực. Cuối chương trình, các học viên sẽ viết một báo cáo những gì họ đã học được, và họ muốn làm ở vị trí nào tại Jabil - trong trường hợp vẫn muốn gắn bó với công ty. Học viên sau đó sẽ được giao vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao hơn.

Các công ty khác cũng có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc đào tạo nhân công trình độ cao. Năm 2006, FPT – tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu Việt Nam, thành lập Đại học FPT - đại học dân lập trực thuộc FPT tại Hà Nội. Trong một bức thư chiêu sinh, ông Dam Quang Minh, hiệu trưởng trường này nói rằng mô hình Đại học FPT là mô hình "Đại học bên trong doanh nghiệp" và nhiệm vụ của FPT là "cung cấp lợi thế cạnh tranh toàn cầu cho sinh viên, từ đó mở rộng chân trời trí tuệ của dân tộc".

Tăng tốc

Một trong những công ty lớn nhất của Mỹ đầu tư vào Việt Nam là Intel. Công ty sản xuất chip máy tính này từng mở một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp ở Thành phố Hồ Chí Minh vào 2010, và Intel cũng gặp phải những khó khăn mà các công ty công nghệ khác khi hoạt động tại Việt Nam. Họ nhờ trường đại học bang Arizona chỉ cách làm như thế nào để các sinh viên ngành kỹ sư có thể phát huy hết khả năng. Phương án cuối cùng được đưa ra là huấn luyện các giáo sư của 8 trường đại học của Việt Nam về cách dạy sinh viên bằng phương pháp hiện đại. Intel phối hợp với các trường đại học để thành lập Chương trình liên kết đào tạo kỹ sư trình độ cao (Higher Engineering Education Alliance Program), hay viết tắt là HEEAP. Chương trình này cũng được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.

Các công ty công nghệ khác như Siemens, Danaher và Pearson về sau cũng tham gia.

"Ý tưởng ở đây khá đơn giản, tuy nhiên, để làm được lại không hề dễ dàng" - Le Van Khoi, Giám đốc HEEAP ở Việt Nam, cho hay.

Mô hình HEEAP hiện nay đã cho thấy hiệu quả. Kể từ khi ra mắt năm 2010, HEEAP đã đào tạo được 291 giảng viên người Việt - trong đó có 71 giảng viên nữ - trong các chương trình đào tạo hè kéo dài 6 tháng, cùng với hàng trăm giáo sư khác.

Nguyen Ba Hai, người có bằng Tiến sỹ trong lĩnh vực robot (biorobotics), là giám đốc trung tâm đào tạo kỹ thuật số tại trường đại học Công nghệ và Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Anh tham gia chương trình liên kết của Intel và cho biết nó đã làm thay đổi rất nhiều cách dạy học của mình.

"Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục không có sự linh hoạt. Nếu muốn thay đổi cái gì đó, thường sẽ phải mất rất nhiều thời gian" - Nguyen Ba Hai chia sẻ. 

Sau chương trình HEEAP, trường Đại học Công nghệ và Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở các khóa học như Kỹ sư cơ khí 101 - những khóa học chưa từng có ở Việt Nam trước đây. Các sinh viên giờ đây sẽ dành nhiều thời gian hơn để học cách xác định và giải quyết vấn đề. Họ cũng được yêu cầu phải có một sản phẩm hoàn thiện có thể sử dụng được. Năm ngoái, trường đại học này mở một trung tâm đào tạo kỹ thuật số - do Nguyen Ba Hai đứng đầu - để kết hợp tốt hơn giữa học tập trực tuyến và học tập tại trường.

"HEEAP hiện đang tìm kiếm các nguồn tài trợ để giúp các trường học mở các phòng thí nghiệm" - Jeffrey Goss, phó hiệu trưởng trường đại học bang Arizona và giám đốc chương trình HEEAP tại Việt Nam, cho biết. Ông muốn xây dựng 4 "không gian sản xuất tiên tiến" ở Việt Nam, để khuyến khích các kỹ sư, trẻ em, phát huy khả năng sáng tạo của mình.

"Chúng tôi hy vọng rằng từ những chương trình này, sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ sẵn sàng để làm việc cho các công ty, mà còn có ước mơ trở thành chủ doanh nghiệp" - Goss cho biết.

Cùng với các nhà máy đang hoạt động ở Việt Nam, Samsung cũng chiếm 3 tầng ở tòa tháp tài chính Bitexco, tòa nhà cao nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ Việt Nam cũng rất cởi mở với các phương án đào tạo nhân công mà các công ty gợi ý, theo như lời đại diện công ty mà tôi tiếp xúc. Hầu hết doanh nghiệp đều có ý định mở rộng hoạt động tại Việt Nam, bất chấp những khó khăn về trình độ nhân lực. Samsung đang chuẩn bị đầu tư 3 tỷ USD vào nhà máy mà hãng vừa xây dựng ở Thái Nguyên hồi năm ngoái. Jabil hồi tuần trước ký kết thỏa thuận với Ban quản lý Khu Công nghệ cao Tp.HCM để tăng hơn gấp đôi lực lượng lao động trong năm năm tiếp theo, cũng như xây dựng một nhà máy vào năm 2017.

Một số hình ảnh các nhà máy của Samsung, LG tại Việt Nam:

Nhà máy mới của LG được xây dựng hồi tháng 3/2015 tại Hải Phòng, thành phố Đông Bắc của Việt Nam. Đây là nhà máy sản xuất thiết bị di động, TV, và các thiết bị gia dụng.

Không chỉ sản xuất, LG cũng thực hiện một số nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam ở lĩnh vực phần mềm và hệ thống thông tin giải trí. Tuy nhiên, hãng phải mất nhiều thời gian để đào tạo nhân viên làm các công việc phức tạp, đòi hỏi trình độ cao hơn so với việc lắp ráp. Tính trung bình, LG phải mất 3 năm để đào tạo nhân viên cho bộ phận R&D trước khi họ có thể làm được việc một cách độc lập.

LG thuê rất nhiều công nhân cho nhà máy tại Hải Phòng. Hãng có kế hoạch tăng gấp đôi lực lượng lao động lên khoảng 2000 nhân viên trong năm sau khi nhà máy đi vào tăng cường sản xuất.

Trong vòng 6 năm qua, Samsung đã dành khoảng 9 tỷ USD để xây dựng các nhà máy tại Việt Nam. Trong số này bao gồm cả một nhà máy điện tử tiêu dùng mới ở Công viên Công nghệ cao Sài Gòn. Khi mở cửa nhà máy mới của mình tại thành phố Hồ Chí Minh vào nửa đầu 2016, Samsung sẽ sản xuất TV và đồ gia dụng tại nhà máy này. Công ty Hàn Quốc dự định đầu tư 1,4 tỷ USD tại đây.

Các nhân công xây dựng đang được Samsung thuê để xây dựng nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh. Samsung sẽ thuê khoảng 5000 nhân viên cho nhà máy mới vào năm sau.

Samsung là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, và họ có khoảng 110.000 nhân viên riêng tại Việt Nam, tức cao hơn cả số nhân viên tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Hầu hết công nhân sẽ làm các công việc liên quan đến lắp ráp các thiết bị di động. Khoảng 30% smartphone hồi năm ngoái của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.