Đây là cuốn tiểu thuyết hoàn toàn duy cảm đầu tiên Orhan viết, thể hiện một năng lực kỳ lạ trong cong người nhà văn của mảnh đất Istanbul u buồn.
Orhan Pamuk viết Bảo tàng ngây thơ hai năm sau khi nhận giải Nobel văn học vào năm 2006.
Câu chuyện bắt đầu bằng rất bình thường, như hàng vạn mối tình khác, giữa Kemal, một chàng trai nhà giàu với Fusun, một cô gái nghèo thơ ngây. Tình yêu sét đánh ban đầu ấy, đã kéo Kemal bước vào một mối tình say mê, khao khát, tuyệt vọng, và chiếm lĩnh cả cuộc đời anh.
Anh từ bỏ Sibel, cô gái thuộc giới thượng lưu, hiện đại và quyến rũ ở Istanbul, để theo đuổi Fusun, suốt 8 năm dòng, bất chấp những ngăn cản từ gia đình và xã hội, bất chấp sự lạnh nhạt của Fusun. Anh đánh đổi mọi điều chỉ để nhìn thấy nụ cười, nhìn thấy ánh mắt của người yêu. Và từ chiếc hoa tai Fusun bỏ quên trong buổi chiều ân ái của hai người, trong căn nhà của mẹ Kemal, anh đã bắt đầu cất giữ những món đồ rất nhỏ của Fusun, tất cả những đồ vật gắn liền với Fusun đều được gìn giữ và nâng niu. Hành trình thời gian 8 năm ấy đã được chuyển hóa thành một vùng không gian kỳ diệu, không gian của bảo tàng.
Kemal trưng bày mọi thứ liên quan đến người yêu, từ chén uống trà cho đến đồ lót hay những mẩu tàn thuốc, chiếc gạt tàn đựng đầy thuốc của nàng. Anh cũng thừa nhận rằng, có những đồ vật anh đã lấy trộm từ nhà Fusun về - chỉ cần món đồ đó người yêu đã chạm tay vào. Căn phòng nơi thành phố Istanbul đầy hoang phế ấy, đã trở thành một không gian hoài cảm, xoa dịu, và đắm chìm.
Tác phẩm Bảo tàng ngây thơ của Orhan Pamuk. |
Orhan Pamuk, bằng sự tinh tế tuyệt đối, sự nhạy cảm hoàn hảo đã đi được đến tận cùng tâm trí một kẻ si tình, để thả bút mà vẽ nên từng đường nét của sự rung động đẹp đẽ. Ông rõ ràng không hề đơn thuần kể một câu chuyện tình yêu. Ông kể về những con người đắm đuối trong sự si mê của mình, sẵn sàng sống trong sự cuồng điên tưởng chừng phi lý của mình. Đó cũng là một hành trình đi, về, khám phá cái thuần khiết nhất của sự khao khát trong mỗi còn người. Từng điều nhỏ nhặt trong mỗi khúc sống đều được ghi dấu một cách đặc biệt sắc nét. Đó là bản chất của việc sống trọn vẹn. Nó khiến cho Kemal khẳng định rằng mình đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Và những xúc cảm mà Kemal trải qua, thực tình mỗi người chúng ta, đều đã từng gặp gỡ, chỉ có điều, Kemal đã ghi nhớ, đã lưu giữ, còn chúng ta, có lẽ chúng ta đã lãng quên giữa rất nhiều bụi sao của đời sống?!
Cuốn sách duy cảm quá đặc sắc và khác biệt. Ở Bảo tàng ngây thơ, Orhan giống như một nhà giải phẫu ký ức, đã đi sâu, cặm cụi, miệt mài tìm kiếm và bày biện đủ đầy những “tình trạng” mà một con người có thể trải qua. Người đọc đã mải mê nhìn ngắm, say sưa va chạm vào những đồ vật đẹp đẽ ấy, đó là tất cả những gì mà một người có thể để lại. Cái sự nâng niu ấy trở thành điều quá đỗi thơ mộng. Cả một thời trẻ dại đã qua đi, người đàn ông dựng nên cái bảo tàng ấy cũng đã phải đối diện với bao nhiêu trạng huống khổ sở, mất mát, đau đớn, nhưng rốt cuộc cái bảo tàng ấy vẫn giữ được vẻ thơ dại, về một mối tình duy nhất mà người ta chẳng thể nào gặp lần thứ hai trong đời. Bởi thế, bảo tàng không chỉ lưu giữ một quãng đời, nó là dấu vết của cả một cuộc đời.
Thêm một điều quyến rũ khiến độc giả ngây ngất trong mọi cuốn sách của Orhan, đó chính là Istanbul, thành phố bên bờ vịnh Bosphorus. Istanbul ở Bảo tàng ngây thơ vẫn đẹp buồn bã, mệt mỏi và lộng lẫy và đầy xáo trộn như trong mọi cuốn sách khác của Orhan. Nó gợi nhắc về sự si mê, về nỗi đau đớn một cách đầy đặn, và đẹp đẽ hơn. Nó cũng khiến bảo tàng ngây thơ trở thành một bảo tàng đẹp đẽ hơn bất kì bảo tàng nào trên thế giới. Chất văn chương lãng mạn, thơ dại trong cuốn sách càng khiến nó trở thành một hồi ức lung linh trong trí nhớ của mỗi kẻ mê đắm, luôn tự mình tạo nên một bảo tàng trong chính cõi lòng mình.
Vào năm 2012, nhà văn Orhan Pamuk đã cho xây dựng nên "Bảo tàng Ngây thơ" có thật, để phục vụ chính niềm đam mê của mình, cũng như giúp độc giả phần nào được sống trong không khí văn chương của tác phẩm. Ông dày công sưu tập hàng nghìn đồ vật liên quan đến các nhân vật được mô tả trong tác phẩm. Bước vào Bảo tàng ngây thơ, là bước vào thế giới nội tâm đầy si mê và đắm chìm của Kamel. Những người đã từng ngưỡng mộ Orhan vì sự cần mẫn giải phẫu ký ức của ông, và cho đến khi được tiếp xúc với bảo tàng, sẽ càng cảm động bởi những gì ông đã tìm kiếm và nâng niu. Nó là những điều tuyệt diệu nhất, là một không gian tình cảm mà độc giả có thể lưu giữ vĩnh viễn. Năm 2014, bảo tàng được nhận giải Bảo tàng châu Âu của năm.
Theo Zing