Đa dạng sinh học

Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) có diện tích 17.362 ha được thành lập từ năm 1986, năm 2004 được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Cát Bà hiện nay có vị thế quan trọng trên bản đồ bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững của thế giới – nơi ghi nhận nhiều giá trị và danh hiệu quốc gia và quốc tế

Về đa dạng sinh học, Cát Bà phong phú các loài động thực vật từ trên cạn tới dưới biển. Riêng trên cạn theo thống kê có tới 2.449 loài, trong đó có 72 loài thú, 214 loài chim, 72 loài bò sát, 33 loài ếch nhái, động vật thân mềm khoảng 150 loài.

Đối với thực vật, Cát Bà ghi nhận khoảng 1.589 loài thực vật bậc cao, 37 loài thực vật ngập mặn. Cát Bà còn phong phú với hàng trăm loài côn trùng khác nhau. 

Đối với hệ sinh cảnh dưới nước, tại đây có nhiều loài cua, cá nước ngọt. Dưới biển, Cát Bà ghi nhận khoảng 2.137 loài như rong rêu, động thực vật phù du. Khu vực Cát Bà có khoảng 247 loài san hô khác nhau, 361 loài cá biển, rùa biển, cá heo, rắn biển. 

cat ba.png
Du khách tham quan tại Vườn quốc gia Cát Bà. 

Theo ghi chép, Cát Bà có khoảng 82 loài động thực vật đặc hữu, 114 loài quý hiếm trong danh lục đỏ IUCN gồm san hô, rùa biển và 14 loài trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, voọc Cát Bà là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới trong Danh lục đỏ của IUCN từ năm 2000. Cát Bà ghi nhận khoảng 57 cá thể voọc và 20 cá thể sơn dương là loài có nguy cơ tuyệt chủng. 

3 giải pháp quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học 

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc giá Cát Bà được triển khai đan xen nhiều chương trình, giải pháp.

Về nghiên cứu và hợp tác quốc tế, đến năm 2023, theo ghi nhận đã có 15 đề tài, dự án cấp bộ, thành phố và cơ sở nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen động, thực vật. Cát Bà đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. 14 dự án được triển khai đánh giá hiệu quả rất lớn. Đáng chú ý, dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà của Hội Động vật về Bảo tồn loài và quần thể và Vườn thú Muenster - Đức; Bảo tồn và phát triển Cát Bà của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế FFI, trồng rừng ven biển.

Về tuần tra giám sát rừng, công tác tuần tra bảo vệ đa dạng sinh học và rừng tại Cát Bà luôn được ban quản lý Vườn ưu tiên. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở, núi đá vôi dốc và diện tích mặt biển lớn nên công tác tuần tra, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn thường xuyên tuyên truyền cho người dân, khách du lịch nắm bắt được thông tin bảo vệ đa dạng sinh học, không tác động tới tài nguyên rừng. 

Hiện Vườn quốc gia Cát Bà có 12 trạm kiểm lâm với 60 cán bộ, 4 trạm trên biển. Để tăng cường công tác bảo tồn, phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm tại đây thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu Vườn quốc gia Cát Bà tới các du khách trong nước và quốc tế.

Về thúc đẩy kiểm soát cháy rừng, xâm hại rừng, năm 2023, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà đã ký hợp tác với Chi cục Kiểm lâm Vùng 1 quy chế phối hợp hoạt động trong việc nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các bên trong tuần tra, nắm tình hình công tác bảo vệ rừng, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phát hiện sớm và ứng phó cháy rừng. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về lâm nghiệp cho người dân sống trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Bà. Chi cục sẽ hỗ trợ Vườn Quốc gia Cát Bà thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.

Vân Anh và nhóm PV, BTV