Mời quý độc giả theo dõi video:

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đồng bào dân tộc nói chung và người Khmer nói riêng luôn được đảm bảo về quyền lợi trên các lĩnh vực, nhất là các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy như các điệu múa, làng nghề, ngôn ngữ, chữ viết…

Trong đó, nghệ thuật sân khấu kịch hát dù kê là một trong những loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đặc sắc, được bà con Khmer sáng tạo ra và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.

Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Bảo tồn nghệ thuật dù kê một cách hiệu quả trong cuộc sống hiện đại hôm nay, ngay trong không gian sống của người Khmer Nam Bộ; đồng thời phát huy giá trị, quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống này gắn với phát triển du lịch tại các địa phương là hướng đi được tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh. 

Nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời xuất phát từ nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của đồng bào Khmer ở Nam Bộ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Tuồng tích biểu diễn của sân khấu dù kê thường được khai thác từ cốt truyện dân gian Khmer qua cổ tích, thần thoại.

Về sau, dù kê còn diễn cả tuồng tích của người Hoa và diễn chung một số vở diễn với sân khấu cải lương. Có những vở diễn các tích truyện tương tự truyện cổ tích Việt Nam.

Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng là một trong những đơn vị thường xuyên đưa nghệ thuật sân khấu dù kê đi biểu diễn tại các chương trình, lễ hội, sự kiện của tỉnh và các địa phương…

Chúng tôi đến thăm đoàn lúc các nghệ sĩ đang tập luyện cho chuyến lưu diễn sắp tới. Nhiệm vụ của đoàn là tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, mục đích để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. 

Hiện đoàn đầu tư xây dựng các tác phẩm ca – múa – nhạc – dù kê với chất lượng cao, tích cực bồi dưỡng nhiều tài năng nghệ thuật nhằm tiến tới chuyên nghiệp hóa, hoàn thiện đội ngũ diễn viên, nhạc công trẻ và đẩy mạnh khai thác vốn nghệ thuật dân tộc.

Đoàn triển khai nhiều vở diễn mang đề tài văn hóa, xã hội, cách mạng, ngợi ca người lao động, kêu gọi đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm... như các vở diễn: Linh thôn, Sac-kinh-ni, Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám, Tam Tạng thỉnh kinh. Dù diễn tích tuồng gì thì nội dung mỗi vở dù kê thường được phân chia thành hai phái rõ rệt là chính diện - phản diện, thiện - ác, tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu.

Thể loại sân khấu này có ảnh hưởng ít nhiều về nội dung kịch bản, âm nhạc, vũ đạo, nhạc khí… của hát bội và cải lương của người Kinh, ca kịch người Hoa hay thậm chí cả vũ đạo, cách hóa trang của sân khấu Ấn Độ, âm nhạc của Pháp. Sự kế thừa những yếu tố ngoại lai đã cho thấy tính dung hợp và thích nghi văn hóa rất cao trong nghệ thuật sân khấu của người Khmer.

Điểm đặc biệt nữa của nghệ thuật sân khấu dù kê là bộ nhạc cụ. Nhạc cụ trong sân khấu dù kê chủ yếu là bộ dây và bộ gõ.

Bộ dây gồm có đàn gáo, đàn cò, đàn đàn tam thập lục nhỏ có âm sắc cao, đàn tam thập lục lớn có âm sắc trầm. Bộ gõ gồm có trống lớn được bịt bằng da bò, trống nhỏ (có âm sắc cao), mõ, cồng chiêng, phèng la, chũm chọe, krap (cặp gõ nhịp).

Trong biên chế dàn nhạc này, nhạc cụ quan trọng nhất không thể thiếu, giữ vai trò chủ đạo xuyên suốt và là nhạc cụ duy nhất làm nhiệm vụ bắt đầu cho các bài hát, bản nhạc dù kê đó là đàn gáo. Không có nhạc cụ này thì không thể gọi là nhạc dù kê.

Có thể thấy, sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ là sản phẩm văn hóa tinh thần tiêu biểu mang tính đặc thù của vùng đất Sóc Trăng với mối quan hệ đoàn kết, giao lưu qua cuộc sống xen cư - sinh tồn của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa từ bao đời nay. 

Hằng năm, đồng bào Khmer có nhiều lễ hội đặc trưng, như Tết Chol Chnam Thmay (Tết năm mới) diễn ra vào dịp giữa tháng 4 dương lịch; lễ hội Sene Dolta (lễ cúng ông bà tổ tiên) vào dịp cuối tháng 8 âm lịch; lễ hội Ok Om Bok (lễ hội cúng trăng) tổ chức vào trung tuần tháng 10 âm lịch… với nghi lễ và hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống.

Vào dịp này, các vở dù kê đặc sắc nhất thường được biểu diễn tại ngôi chùa ở các phum, sóc và trở thành một trong những điểm nhấn, hoạt động thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng các dân tộc sinh sống tại mỗi địa phương.

Quỳnh Nga - Xuân Quý