Vùng Tây Nam Bộ có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, hiện có hơn 18 triệu dân sinh sống với 3 dân tộc thiểu số chính là Hoa, Chăm và Khmer, sở hữu một kho tàng văn học nghệ thuật dân gian phong phú, đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển lĩnh vực văn học vẫn còn bỏ ngỏ, chưa phát triển đúng tầm vì thiếu sức người sức của; các tác phẩm chưa được phổ biến rộng rãi vào đời sống đồng bào, chưa đi sâu vào tầng lớp trẻ, học sinh - sinh viên...

Hiện nay việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy, phổ biến các giá trị văn hóa này đang còn yếu do nhiều nguyên nhân như sự eo hẹp về tài chính, thiếu hụt nhân sự chuyên trách, thế hệ trẻ kế thừa chưa có sự quan tâm đúng mức…

Bên cạnh đó còn có những “điểm nghẽn” trong công tác bảo tồn và phổ biến văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số đến thế hệ trẻ. Đơn cử như việc lồng ghép học chữ dân tộc Khmer vào chương trình giáo dục phổ thông, nhằm khôi phục vị trí của tiếng mẹ đẻ gắn liền với văn học cổ truyền và chữ viết trong đời sống văn hóa. Chương trình này hiện chưa mang lại kết quả như mong muốn vì chữ Khmer khó viết, khó đọc, khi đến tiết học chữ Khmer thì các em học sinh dân tộc Khmer lại bỏ học...

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các hoạt động văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số; song song đó là sự chung tay vào cuộc của các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố cùng phối hợp với các chi hội Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại địa phương đó trong việc quảng bá tới công chúng, cũng như truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Ông Thạch Đờ Ni, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu cho biết, chi hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, hoạt động xuất bản, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật dưới dạng song ngữ hoặc đa ngữ tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Chi hội luôn nỗ lực để sưu tầm được những tác phẩm dân gian giá trị, in ấn và dịch qua nhiều thứ tiếng. Song song đó, khi có đủ điều kiện sẽ sân khấu hóa các tác phẩm, làm mới để tiếp cận được đa dạng các đối tượng hơn, đặc biệt là giới trẻ.

Ngoài khó khăn nguồn lực sáng tác, in ấn, bà Trúc Linh Lan, Chi Hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam TP Cần Thơ nêu thực trạng việc Chi hội rất khó triển khai các hoạt động sinh hoạt chuyên đề cho hội viên, tổ chức đi thực tế sáng tác, thúc đẩy hội viên trẻ sáng tác và hỗ trợ in tác phẩm… do những quy định thắt ngặt về tài chính. Bà Trúc Linh Lan mong rằng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ghi nhận những khó khăn trong thực tế hoạt động của các chi hội địa phương để đề xuất lên Trung ương, nhằm có cơ chế thoáng hơn về chính sách tài chính, khuyến khích các hoạt động của chi hội phát triển.

Hiện tỉnh Trà Vinh đã được Trung ương thông qua quy chế thành lập Khoa Ngôn ngữ, Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Đây là tiền đề thuận lợi cho con em đồng bào theo học, tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân tộc mình ở bậc cao. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Trà Vinh cũng thông qua quyết định cho phép xuất bản đặc san Văn nghệ Trà Vinh chữ Khmer, 4 số/năm. Đây là ấn phẩm chữ Khmer đầu tiên và duy nhất ở Nam Bộ, đã phát hành tới hơn 140 ngôi chùa Khmer trong tỉnh, các trường đại học, Trường Trung cấp Văn học nghệ thuật tỉnh, Trường Trung cấp Pali – Khmer tỉnh Trà Vinh, các trường phổ thông dân tộc nội trú và sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Huy Phúc và nhóm PV, BTV