Huyện Hải Hà (Quảng Ninh) có 11 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc đều mang bản sắc, văn hóa rất riêng và độc đáo. Cách trung tâm huyện chừng 20km về phía Tây Bắc là các xã vùng cao biên giới Quảng Sơn nơi có hơn 90 % là dân số là đồng bào dân tộc Dao, chủ yếu là người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán. 

Họ có nhiều nét văn hóa cộng đồng rất riêng như: lễ cấp sắc, hát giao duyên, thêu thùa, tục cưới hỏi, ma chay, kiểu vấn tóc truyền thống và những họa tiết hoa văn trên trang phục được duy trì và bảo tồn từ đời này sang đời khác. 

W-anhminhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Xã Quảng Sơn trước đây có tên gọi là xã Trúc Bài Sơn nằm ở độ cao trung bình 200-350 m so với mặt nước biển. Hồ Trúc Bài Sơn là công trình thủy lợi được xây dựng từ năm 1988 với diện tích 110ha, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa lũ cũng như phục vụ tưới tiêu cho 3.100ha đất nông nghiệp của 7 xã: Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Quảng Điền, Quảng Trung, Quảng Sơn. Hồ Trúc Bài Sơn còn là điểm đến tham quan trải nghiệm của nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Khách tham quan gọi Trúc Bài Sơn là “Hồ trên núi”. Điều đặc biệt hấp dẫn, lôi cuốn du khách ở công trình này là cảnh đẹp nên thơ, lãng mạn. Cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc với không gian thoáng đãng, yên bình kết hợp với vô số gò, đảo đất lớn, nhỏ xanh mướt nổi lên trên mặt nước rải đều khắp mặt hồ.

Ở bản Lý Quáng- nơi có dòng suối trải dài từ khu vực biên giới giáp Trung Quốc qua nhiều thôn của xã và qua nhiều xã khác trên địa bàn huyện, người dân còn giữ khá tốt các truyền thống văn hóa dân tộc. Hàng tháng, tại nhà văn hóa của bản, bà con đều tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mang bản sắc dân tộc như thổi kèn đồng dân tộc và hát các bài hát dân tộc Dao. Tất cả phụ nữ có gia đình ở Lý Quáng đều biết may thêu trang phục dân tộc, thiếu nữ từ 12 đến 18 tuổi, số biết thêu cũng đạt khoảng 70%. Hiện nay tục lệ cấp sắc ở bản vẫn còn giữ được nguyên bản sắc từ thế hệ trước truyền lại. Trong bản có 3 nghệ nhân thổi kèn đồng dân tộc vào các dịp lễ tết, lễ hội, lễ cấp sắc. 

Nằm dưới chân núi Đục, còn lại một ngôi nhà trình tường duy nhất của huyện. Căn nhà thuộc sở hữu của gia đình nghệ nhân Chìu Thị Lan, người truyền dạy nghề thêu khăn thổ cẩm dân tộc Dao Thanh Y ở bản Mố Kiệc. Ngôi nhà gần như còn nguyên vẹn thiết kế cổ xưa với tường đất 3 gian, mái ngói âm dương, cầu thang gỗ…

Ở Quảng Sơn còn có nghệ nhân Diềng Chống Sếnh- người lúc nào cũng mong sao con cháu đừng quên cái nghề mang nét văn hóa mà cha ông đã mất bao công mới có được, để khi nhìn vào những bộ quần áo là người ta biết được đây là phụ nữ Dao rồi. Do đó bà Sếnh thường xuyên tham gia giảng dạy ở các lớp dạy thêu truyền thống do huyện Hải Hà và xã Quảng Sơn tổ chức. Ngoài truyền thụ ở lớp học, hàng ngày có ai đó muốn đến học nghề thêu truyền thống là bà Sếnh sẵn sàng dạy tận tình, thêu từng nét hoa văn kỹ lưỡng. Nhờ công lao không nhỏ của bà Sếnh, mà bây giờ 100% phụ nữ người Dao ở Quảng Sơn đều biết thêu những bộ quần áo truyền thống cho mình.

Chị Chìu Thị Lan và bà Diềng Chống Sếnh chính là những hạt nhân văn hoá góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Dao cho thế hệ trẻ ở miền núi biên giới Đông Bắc.

Nhóm PV