Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trong đó dân tộc Khmer với hơn 300.000 người chiếm tỷ lệ 32% dân số cả tỉnh. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I (2021-2025) nhiều dự án, nội dung thành phần ở tỉnh Trà Vinh đã phát huy hiệu quả, tạo cơ hội cho vùng đồng bào DTTS đổi thay, khởi sắc.
Kho tàng văn hoá của người Khmer tại Trà Vinh vô cùng phong phú với hệ thống ngôn ngữ và chữ viết riêng, thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc đặc sắc, cùng với đó là hàng loạt các di tích văn hoá nổi bật. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại. Đồng bào Khmer Trà Vinh hiện có 03 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia.
Những năm gần đây ngành du lịch và nhiều doanh nghiệp đã khảo sát, khai thác những nét đặc sắc vốn có của các di sản văn hóa đồng bào Khmer, đưa vào các tour, tuyến du lịch làm thu hút ngày đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động du lịch gắn với văn hóa Khmer đã có nhiều bước phát triển đáng kể, được xem là một nét mới, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm khám phá. Nhiều công ty lữ hành đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách về Trà Vinh với nhiều điểm đến được hình thành từ những giá trị văn hóa đồng bào Khmer Trà Vinh như: Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh ở Thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành, các ngôi chùa Khmer, du lịch nông nghiệp tại Sokfarm (Mật hoa dừa SokFarm Trà Vinh) tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh,….
Tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, đồng bào Khmer nơi đây vừa có thêm thu nhập, ổn định đời sống, nhưng cũng đồng thời chính là người tuyên truyền, bảo tồn, quảng bá văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc mình đến khách du lịch.
Tuy nhiên, việc khai thác giá trị văn hóa ẩm thực người Khmer trong hoạt động phát triển du lịch ở Trà Vinh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tiềm năng của giá trị văn hóa ẩm thực Khmer Nam bộ. Do đó, việc được quan tâm hiện nay là dựa trên các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng của cộng đồng Khmer Nam Bộ để đưa vào phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long một cách hiệu quả và sáng tạo.
Hôm 13/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố, triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 ( Đề án). Đề án đã được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt tại Quyết định số 1793/QĐ-UBND, ngày 22/11/2023, với 4 lĩnh vực hoạt động dịch vụ: hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí; dịch vụ ăn uống, ẩm thực; dịch vụ mua sắm; dịch vụ du lịch.
Trong đó, Đề án với lộ trình thực hiện cụ thể, từ năm 2023 đến năm 2025 có đề cập tới kế hoạch xây dựng Khu phố ẩm thực đặc trưng đồng bào dân tộc Khmer (thành phố Trà Vinh) bên cạnh các tuyến phố mua sắm (thành phố Trà Vinh); khu tổ hợp kinh tế ban đêm thị xã Duyên Hải; tuyến phố đi bộ thị xã Duyên Hải; trung tâm kinh tế ban đêm các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long; tổ hợp kinh tế ban đêm thị trấn Châu Thành.
Tỉnh sẽ thực hiện thí điểm kêu gọi đầu tư phát triển Trung tâm kinh tế ban đêm tại thành phố Trà Vinh trong năm 2023, sau đó rút kinh nghiệm đánh giá và tiếp tục triển khai các địa phương khác.
Từ năm 2026 đến năm 2030: Mở rộng tuyến phố mua sắm ở thành phố Trà Vinh; không gian văn hóa dân tộc Khmer (huyện Trà Cú); chợ đêm và khu phố ẩm thực (huyện Cầu Ngang); tham quan trải nghiệm làng nghề Đức Mỹ tại xã Đức Mỹ (huyện Càng Long); khu trung tâm kinh tế ban đêm huyện Trà Cú; ); khu ẩm thực thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần); tổ hợp kinh tế ban đêm trung tâm xã Hòa Minh, huyện Châu Thành; khu tổ hợp ẩm thực, vui chơi giải trí thị xã Duyên Hải; chợ đêm xã Song Lộc, huyện Châu Thành; khu ẩm thực, chợ đêm huyện Duyên Hải (tuyến đường cặp kênh Quan Chánh Bố gắn với khu vực Quảng trường và tuyến Quốc lộ 53B gắn với phát triển du lịch biển xã Long Hải).
Nhóm PV