Nỗ lực bảo tồn văn hoá

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngành Văn hóa tỉnh đã tích cực phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, các cấp trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện thành công các tiêu chí văn hóa.

W-det-tho-cam-3.jpg
Những năm gần đây, Quảng Nam đã chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc. (Ảnh: Hải Yến)

Bên cạnh đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện, sử dụng, khai thác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở đảm bảo các điều kiện sinh hoạt văn hóa, hội họp, học tập, vui chơi giải trí của trẻ em và người cao tuổi; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; xây dựng những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, cộng động, xã hội, thực hiện nếp sống văn minh; nhất là việc duy trì hoạt động thường xuyên các lễ hội truyền thống gắn với việc xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng đã và đang được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện.

Tại tỉnh Quảng Nam, hiện nay các ngôi làng của đồng bào vùng cao, cồng chiêng được các đồng bào gìn giữ và bảo tồn khá nguyên vẹn. Đây được xem là điểm sáng trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hoá của đồng bào dân tộc ở vùng cao Quảng Nam.

Atiêng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tây Giang. Từ khi xây dựng nông thôn mới, chính quyền và người dân nơi đây rất coi trọng việc bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc mình, nhất là cồng chiêng.

Đồng bào các dân tộc ít người sinh sống ở dọc dãy Trường Sơn của Quảng Nam quan niệm: Chiêng là nhạc cụ giúp con người giao tiếp với thế giới thần linh, vì thế khi đón khách, mừng lúa mới, hay ăn Tết…. sẽ được dân làng tấu chiêng. Chính vì thế, ở vùng cao Atiêng này, hầu như nhà nào cũng có 1 đội cồng chiêng, khi gia đình có khách hoặc làng có lễ hội là cồng chiêng lại được tấu lên, nhiều bài chiêng cổ đã thấm vào máu thịt của bao thế hệ.

Ngoài bảo tồn văn hoá cồng chiêng ngay tại cộng đồng làng, nhiều năm nay, chính quyền các huyện miền núi tại Quảng Nam đã đưa cồng chiêng vào trường học, mỗi lớp có 1 bộ cồng chiêng. Cuối tuần các em tập luyện và thi diễn… nhờ vậy mà hiện nay, các trường dân tộc nội trú của Quảng Nam có nhiều đội cồng chiêng đi biểu diễn, giao lưu tại nhiều địa phương trong cả nước. Hằng năm, tỉnh Quảng Nam còn tổ chức ngày hội cồng chiêng để đồng bào các dân tộc có thể giới thiệu những bài chiêng tiêu biểu nhất của đồng bào mình.

Không chỉ chú trọng bảo tồn văn hoá cồng chiêng, những năm gần đây tỉnh cũng chú trọng gìn giữ, bảo tồn các làng nghề truyền thống.  

Vào tháng 5/2023, tại xã A Xan (huyện Tây Giang) Hội LHPN huyện Tây Giang đã cho ra mắt mô hình dệt thổ cẩm cho các hội viên phụ nữ có tâm huyết và tay nghề giỏi, nhằm tập trung tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp, có sự kế thừa truyền thống và sáng tạo riêng phù hợp nhu cầu cuộc sống hiện nay. Và mới đây, tại huyện Đông Giang cũng tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu cho chị em phụ nữ các thôn trên địa bàn.

Theo bà Bríu Thị Nem, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang, việc ra mắt mô hình dệt thổ cẩm tại xã Axan nhằm tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu; đồng thời tạo việc làm cho phụ nữ trong thời gian nông nhàn, giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Đây là mô hình dệt thổ cẩm thứ 3 được thành lập và huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, mỗi xã trong huyện sẽ chọn một thôn ra mắt và phát triển mô hình này. 

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Quảng Nam vừa giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đồng thời việc duy trì hoạt động thường xuyên các lễ hội truyền thống góp phần phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

hoat dong tai lang du lich sinh thai ca ban tp tam ky quang nam.jpg
Một làng du lịch sinh thái ở TP Tam Kỳ.

Du lịch cộng đồng tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ năm 2009 và phát triển mạnh từ năm 2013, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã, thành phố: Tại Hội An có làng gốm Thanh Hà, làng Rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu, Cù Lao Chàm; tại thành phố Tam Kỳ có làng Bích Họa Tam Thanh; huyện Điện Bàn có làng du lịch cộng đồng sinh thái Triêm Tây; huyện Nam Giang có làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, làng nghề Zara; huyện Tây Giang có làng du lịch truyền thống Cơ Tu, Rừng Pơmu, ruộng bậc thang Chur... . Nếu năm 2013, chỉ có 6 điểm du lịch cộng đồng hoạt động thì đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã có 19 điểm du lịch cộng đồng được đưa vào đón khách.

Đáng ghi nhận là nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN như: Điểm du lịch cộng đồng làng Triêm Tây (thị xã Điện Bàn) năm 2017; làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (huyện Nam Giang) năm 2019; cộng đồng làng chài ven biển An Bàng (thành phố Hội An)….

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, năm 2020, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Theo đó dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Tiên Phước, Nông Sơn, Nam Trà My, Tây Giang.

Và năm 2022, tỉnh đã tiếp tục khai trương hàng loạt điểm du lịch cộng đồng như làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (xã Điện Phong); điểm du lịch cộng đồng làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên xã Tiên Cảnh….

Việc phát triển các điểm du lịch cộng đồng là nhằm huy động cộng đồng dân cư cùng tham gia làm du lịch ở địa phương, phát huy bản sắc, sản phẩm đặc trưng của địa phương và cùng xây dựng làng quê xanh, sạch. Đây cũng là điều kiện để thúc đẩy việc phát triển sản phẩm OCOP khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Theo ông Tào Viết Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nhằm giữ gìn, bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang cùng với người dân tập trung vừa tuyên truyền vừa vận động, vừa tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền xây dựng hoàn chỉnh chủ trương, chính sách để động viên, khuyến khích đồng bào bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, nhất là thực hiện thành công tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Trúc Lâm