Tờ Thời báo kinh tế Ấn Độ dẫn lời cảnh báo từ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho rằng, cần có một "phản ứng mạnh mẽ" với Ấn Độ và Việt Nam nếu tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà báo này lớn tiếng gọi là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Tùyviên quân sự TQ viết về quốc phòng Trung-Việt
TQlớn tiếng biện minh về 'Tam Sa'
"Trung Quốc phải gây áp lực với cả Ấn Độ và Việt Nam, cảnh báo họ rằng, hoạt động cùng thăm dò ở Biển Đông là trái phép. Nếu họ tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, Trung Quốc nên đưa ra phản ứng mạnh mẽ", báo này nói ngày 1/8. Thời báo Hoàn cầu được biết là tờ báo thường xuyên phản ánh đường lối dân tộc chủ nghĩa cứng rắn ở Trung Quốc.
Ảnh:Zeenews
Dù có nhiều nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc luôn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu như toàn bộ vùng biển quan trọng này, kể cả những ranh giới lượn sát bờ biển nước khác. Gần đây, nước này đã tiến hành hàng loạt hành động lấn lướt, ngang nhiên ở Biển Đông như việc Tập đoàn dầu khí Trung Quốc mời thầu ở vùng biển của Việt Nam, hay lập thành phố trên hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) quyết định sẽ tiếp tục thăm dò và khai thác dầu tại lô dầu 128 ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đối tác Ấn Độ đã “phớt lờ” cảnh báo của Bắc Kinh rằng hành động đó xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc với cam kết tiếp tục hợp tác với đối tác là Tổng Công ty dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) nhằm triển khai tiếp hợp đồng thăm dò khai thác thêm một vài năm nữa.
Thời báo Hoàn cầu còn mạnh miệng khẳng định rằng, so với Ấn Độ và Việt Nam, Trung Quốc có những lợi thế về công nghệ khoan nước sâu. Tờ báo tuyên bố: "Khi điều kiện chín muồi, Trung Quốc nên mở rộng thăm dò dầu khí ở Biển Đông".
Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Ấn Độ và Indonesia hôm 27/7 đã có cuộc thảo luận về các vấn đề chiến lược song phương và khu vực, trong đó có Biển Đông giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở châu Á.
Ngoại trưởng Ấn Độ S M Krishna cho biết, Ấn Độ nhấn mạnh đến sự cần thiết của tự do hàng hải, thúc giục tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua hội đàm. Còn phía Indonesia khẳng định, mặc dù thực tế có những nước đang trỗi dậy trong khu vực nhưng sự phát triển ấy cần "có lợi" cho hòa bình và an ninh của khu vực.
Cùng ngày 27/7, một quan chức hàng đầu của Mỹ nói rằng, Mỹ ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và những nước láng giềng, đồng thời phản đối các biện pháp được coi là mối đe dọa tiềm năng với một số nước trong khu vực.
"Quan điểm của Mỹ là rõ ràng. Chúng tôi ủng hộ tiến trình hợp tác, ngoại giao của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền để giải quyết tranh chấp, và chúng tôi quan ngại về các hành động đơn phương", trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề công chúng Mike Hammer nói.
"Đó là điều chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy và vì thế, chúng tôi cần đảm bảo rằng, các vấn đề được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành và thông qua đối thoại, không có biện pháp nào được xem là có khả năng đe dọa một số nước trong khu vực", ông Hammer tuyên bố tại Trung tâm báo chí nước ngoài Washington.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ và theo đuổi chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước LHQ về Luật Biển", ông nói.
Chat về tình hình Biển Đông Quan tâm đến diễn tiến căng thẳng trên Biển Đông, muốn hiểu rõ đằng sau những động thái đó là gì và sắp tới sẽ ra sao dưới góc nhìn của các chuyên gia, giải pháp nào cho Việt Nam và các nước ASEAN, ngay bây giờ, các bạn hãy gửi câu hỏi về địa chỉ: tuanvietnam@vietnamnet.vn hoặc phản hồi dưới đây, để được giải đáp. |
Thái An tổng hợp