“Một số đề xuất lấn biển có thể vi phạm Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đồng thời gây sạt lở bờ biển”, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cảnh báo.
Từ trước đến nay trên thế giới đã có nhiều công trình kiến trúc xây dựng ven biển. Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những chiến lược phát triển, chiến lược qui hoạch và đặc điểm văn hóa riêng. Cho nên các chính sách phát triển, khai thác hay qui hoạch đều phải đặt trong những điều kiện cụ thể của vùng đó.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Việt Nam đã quy định “Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển”. Ảnh minh họa: VietnamNet. |
Với một số nơi có hệ sinh thái rất mong manh không chịu đựng được sự can thiệp nhân tạo nào xung quanh thì phải hết sức nhạy cảm khi tác động. Với những nơi như thế mà cứ cố tình can thiệp sẽ tạo ra sự mất cân bằng và cuôi cùng hành động này sẽ chẳng mang lại lợi ích ngoài việc phá hủy tính tự nhiên. Và trong thực tế có rất nhiều công trình đã chứng minh sự thành công, nhưng cũng vô số công trình lại cho thấy sự thất bại do tư lợi, cách tiếp cận ngắn và không loại trì thiếu nghiên cứu thấu đáo những hệ lụy kéo theo.
Ông Nguyễn Thanh Ca được báo Tiền Phong dẫn lời cho biết, bãi và bờ biển cũng là khu vực rất nhạy cảm với các thiên tai biển. Theo các nghiên cứu trên thế giới, bãi cát ven biển có thể tiêu tán từ 80% đến 95% năng lượng sóng vỗ bờ, và do vậy bảo vệ bãi cát ven biển sẽ giúp bảo vệ bờ biển, giảm thiểu các thiệt hại do sóng lớn gây ra.
Bất cứ một công trình nào xuống biển hoặc lấn một khu vực biển nào đó thì ngoài việc phá hoại bãi cát tại vị trí lấn biển, các công trình lấn biển có khả năng làm ngăn trở dòng vận chuyển cát và do vậy làm thay đổi cán cân cát, gây xói lở bãi và bờ tại một số vị trí và bồi tụ tại một số vị trí khác.
Với các lý do trên, từ nhiều năm trước, rất nhiều nước đã quy định việc đảm bảo tính chất sở hữu công cộng và quyền tiếp cận của cộng đồng đối với bãi biển và các nguồn tài nguyên ở không gian ven biển.
Với nhận thức này, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Việt Nam đã quy định “Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển”.
Đồng thời, nghiêm cấm “xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư”.
Như vậy, “việc xây dựng các công trình như quảng trường, tổ hợp trung tâm đô thị mới, trong đó có việc lấn biển như đề xuất là hành vi vi phạm hành lang bảo vệ bờ biển, trái với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo’, ông Ca nói trên Tiền Phong.
Lấn biển hoặc xây dựng công trình dưới biển tại bất cứ vị trí nào cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm phá hoại tính cân bằng tổng thể của bãi và do vậy sẽ phá nát bãi, thậm chí mất bãi tại rất nhiều địa điểm.
Nhìn ra xung quanh cũng thấy, thông thường, các quốc gia biển luôn tìm cách qui hoạch các vùng bờ biển thành các khu dịch vụ, thương mại… hơn là cắt xẻ thành các dự án manh mún tư lợi.
Vì vậy, việc bảo vệ các bãi biển tự nhiên, bảo vệ không gian công cộng trên bờ và các bãi biển là gìn giữ một kho báu vô tận cho chúng ta và cho các thế hệ mai sau.
Hằng Tâm - Hoàng Oanh