Thời gian qua, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác thuỷ sản trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra ở hầu hết các vùng biển trên địa bàn Quảng Ninh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Với 250km bờ biển, Quảng Ninh là một trong những tỉnh giàu tài nguyên biển, trong đó có thuỷ sản. Thuỷ sản Quảng Ninh phong phú, trong đó có nhiều loài quý, nổi tiếng trong và ngoài nước. 

Nhưng theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay, tại các vùng biển, các ngư trường trong tỉnh, tình trạng bà con ngư dân sử dụng các nghề thuộc danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động khai thác thuỷ sản như: Lưới xăm, te xiệp, kích điện, chất nổ, lờ dây (ngư dân gọi là lồng bát quái)... diễn ra khá nhiều và rất khó kiểm soát, xử lý. Các hình thức khai thác này làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ và ảnh hưởng đến môi trường biển. 

{keywords}
Thời gian qua, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Ảnh minh họa: VietnamNet.

Theo quan sát, phần lớn các tàu, thuyền khai thác ven bờ đều lắp các thiết bị điện để khai thác thuỷ sản. Một số tàu, thuyền khai thác ven bờ và khai thác tuyến khơi còn sử dụng hệ thống điện cực mạnh khai thác một cách tận diệt. Mỗi khi các tàu này khai thác, cá chết nổi trắng quanh tàu, nhưng họ chỉ lấy cá to, còn cá nhỏ thì chết hàng loạt.

Đáng lưu ý nữa là các bãi săm, đang được xác định là hình thức khai thác thuỷ sản mang tính tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lợi thuỷ sản. Vì theo thiết kế mỗi khẩu xăm được thiết kế như một cái lồng cực lớn. Ngư dân cắm bãi cọc xung quanh, bên dưới là hệ thống lưới sát đáy biển. Một bãi xăm dậu dài một cánh khoảng 600-1.000m. Mỗi bãi 2 cánh, chiều cao lưới khoảng 2m. Mắt lưới các khẩu xăm nhỏ hơn rất nhiều so với quy định. Khi nước lên, các loại thuỷ sản lớn, bé vào bãi xăm là không có lối thoát. Trên những vùng biển rộng lớn, các khẩu xăm vây kín, tận diệt mọi loài thuỷ sản từ lớn tới bé. 

Cần những giải pháp đồng bộ

Chúng ta đều biết, giống như các loài trên cạn, các loài thuỷ sản chỉ phát triển được khi chúng có hệ sinh thái ổn định, cân bằng. Chúng sống theo chuỗi thức ăn “cá lớn nuốt cá bé”, loài nọ sống dựa vào loài kia. Do đó, để bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản, cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là gìn giữ, bảo vệ môi trường sống cho các loài thuỷ sản. Cụ thể, quan tâm đến trồng, phát triển rừng ngập mặn - môi trường sống của hàng ngàn loài sinh vật; quản lý nguồn nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm cho biển, sông, hồ.

Bởi vậy, hàng năm, vào ngày truyền thống nghề cá (1/4),  Quảng Ninh đều tổ chức thả giống thuỷ sản xuống biển, ao, hồ. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thuỷ sản tỉnh, trong 10 năm gần đây, toàn tỉnh đã thả được gần 4,3 triệu cá, tôm giống ra nguồn nước tự nhiên, trong đó chủ yếu là các loại cá vược, song, hồng, giò, rô phi, chép, đối và tôm sú...

Một trong các mục đích của việc này là tuyên truyền đến người dân, các tổ chức, doanh nghiệp khai thác thuỷ sản ý thức bảo vệ gìn giữ nguồn lợi thuỷ sản.

Để tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, từ năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định bổ sung một số nghề cấm khai thác thuỷ sản và phân cấp công tác quản lý vùng biển ven bờ cho các địa phương; ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại và các nghề khai thác thuỷ sản bị cấm trên địa bàn tỉnh... Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đều phân công nhiệm vụ cụ thể của cấp huyện trong công tác quản lý nguồn lợi và môi trường thuỷ sản, bố trí kinh phí địa phương tổ thức thực hiện thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm khai thác thuỷ sản bằng các nghề cấm.

Hải Đăng (tổng hợp)