Không yên tâm để con đến trường một mình, mỗi ngày, hàng trăm hộ dân ở đây phải đưa đón các em đi học trên chuyến đò ngang chòng chành. Nhiều em học 2 buổi, người nhà phải đưa đón ngày 4 lượt cả đi lẫn về.
Cả xã Liên Trạch có 5 thôn nằm hai bên bờ sông son gồm: Phú Hữu, Phú Kinh, Tân Hội, Liên Thủy, Liên Sơn. Trong đó, trụ sở UBND xã, trường học, chợ…đều đóng tại thôn Phú Hữu, để đến được đó người dân và học sinh từ mầm non đến THCS ở các thôn Phú Kinh và Liên Sơn bắt buộc phải đi bằng cầu treo.
Học sinh THPT ở 3 thôn còn lại cũng phải qua cây cầu này để đến trường. Cũng có đường khác, nhưng phải đi vòng hàng chục km nên người dân không sử dụng.
Sau cơn bão số 10, phần thân cây cầu treo ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị trượt ra khỏi mố, lơ lửng chờ chực rơi.
Thân cầu treo bị lệch hẳn ra khỏi mố |
Bão số 10 đã làm 17 dây néo ở đoạn giữa cầu bị đứt, dây chằng gió bị dứt 3 múi hàn và trên 15 múi bị uốn cong, hệ thống dầm cầu ở phía đông (thôn Phú Kinh) bị lệch ra khỏi mố và trụ cầu hoàn toàn.
Sự cố này đã làm cây cầu treo bị hư hỏng nghiêm trọng, không đảm bảo qua lại cho người dân nên UBND xã Liên Trạch đã hàn thép B40 rào chắn lại. Vì lượng người qua sông rất đông nên xã cũng đã lập một bến đò ngang nhưng chỉ có duy nhất một con đò hoạt động chuyên chở khách.
Nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm đi qua câu cầy này, trẻ em thì được cha mẹ dẫn đi |
Để đảm bảo sinh hoạt và học tập, hằng ngày người dân và học sinh ở đây phải đi đò qua sông. Cũng có rất nhiều người bất chấp nguy hiểm vẫn đi qua cây cầu này.
Cầu treo Liên Trạch bắc qua sông Son được tổ chức ICCO tài trợ, thi công đưa vào sử dụng từ năm 1999 với tổng chiều dài 136m, rộng 2m, kết cấu bằng hệ thống dây treo, hạn sử dụng 10 năm. Mặc dù đã hết hạn sử dụng, nhưng năm 2014, câu cầu này đã được tu sửa với kinh phí trên 2 tỷ đồng và hoạt động lại từ đó đến nay.
Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm em học sinh phải đi học bằng đò |
Chỉ tính riêng học sinh, có khoảng 150 em bậc THPT, 200 học sinh bậc THCS, tiểu học và mầm non sử dụng cầu để đến trường. Với các em học sinh mầm non và tiểu học thì hiện nay “kèm” cả phụ huynh đưa qua sông đến lớp.
“Tôi có 2 đứa cháu học cấp 1 bên kia sông. Trước đây, hai cháu tự chở nhau đi bằng xe đạp. Từ khi cầu bị hỏng, ngày 4 lượt tôi đưa các cháu qua đò. Cứ bước lên đò là thấp thỏm lo lắng, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác” - bà Hoàng Thị Tuyết ở thôn Phú Kinh cho biết.
Cũng như bà Tuyết, anh Nguyễn Đức Lưu hàng ngày cũng phải đưa đón hai con, một cháu học mần non, một cháu học lớp 3, tới trường.
Có những phụ huynh phải đón con ngày 4 lượt |
Chúng tôi gặp anh khi anh đang cùng đứa con trai 5 tuổi liều mình chui qua các điểm hàn thép gai, vượt cầu treo đã bị cấm để về nhà. Anh cho biết đợi đò nhưng lâu quá, nên anh và nhiều người nữa đi liều qua cầu.
“Từ khi cây cầu bị hư hỏng, mỗi ngày tôi phải đưa đón con mấy lượt. Lớp mầm non được nghỉ sớm hơn nên đến giờ là tôi đến đưa về trước rồi mới lại quay sang đón đứa tiểu học. Cả ngày chỉ lo việc đến trường của con mà không làm được gì khác, chưa kể việc đi lại rất nguy hiểm nữa” - anh Lưu nói.
Bà Hoàng Thị Tuyết thấp thỏm chờ cháu đi học về |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hải Quân, trưởng thôn Phú Kinh cho biết: “Vì cây cầu treo bị hư hỏng nên học sinh qua đò đều được chính quyền xã hỗ trợ. Người dân trong xã thì mỗi lượt đi trả cho lái đò 2 ngàn đồng, có xe máy thì 5 ngàn đồng và 10 ngàn đồng cả xe máy mỗi lượt đi đối với người dân địa phương khác".
"Mùa mưa bão đang đến, chúng tôi chỉ mong cây cầu sớm được sữa chữa để người dân và học sinh đi lại đỡ vất vả và nguy hiểm” - ông Quân bày tỏ mong muốn.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao UBND huyện Bố Trạch trực tiếp có kế hoạch sửa chữa cây cầu treo này.
Hải Sâm