Những ai đã ăn bắp rang bơ (pop corn) đều công nhận món ăn này có mùi quá ư hấp dẫn. Mấy ai biết rất có thể bắp rang đã được trộn với một hoá chất có tên diacetyl nên mới thơm bơ đến thế. Mùi bơ hấp dẫn này là kẻ tội đồ vì tác hại trầm trọng đến sức khoẻ con người!
Xưa bị nghi hại phổi
Diacetyl (DA) còn có tên butan-2,3-dion với cấu trúc thật đơn giản (CH3CO)2, là chất lỏng dễ bay hơi, khi hoá hơi thì cho mùi thơm nồng nàn hơn cả bơ thật! Diacetyl được tổng hợp bằng phản ứng khử hydro hoá chất 2,3-butandiol và trong thiên nhiên người ta tìm thấy nó khi lên men sữa, kem của sữa với một chủng vi khuẩn lên men axít lactic. Do cung cấp mùi bơ đặc trưng mà DA được dùng cho vào margarin, bánh snack, kẹo, bắp rang, kể cả bia, rượu vang. Cho DA vào bia, vào rượu vang sẽ khiến các loại thức uống này có mùi vị hấp dẫn hơn nhiều (bia English pale ales hay vang Chardonay nổi tiếng chính nhờ thêm DA).
Nhưng cũng do tính chất dễ bay hơi cho mùi thơm mà DA trở thành mối hoạ của con người. Cách nay gần chục năm, viện Quốc gia sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp của Mỹ bắt đầu lưu ý về sự không an toàn khi hít phải hơi DA trong thời gian dài, bởi nhiều công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất thực phẩm dùng phụ gia DA tạo mùi bơ như sản xuất bắp rang bơ mắc một loại bệnh hô hấp đặc biệt, gọi là viêm tiểu phế quản co khít (constrictive bronchiolitis hay brochiolitis obliterans, viết tắt BO).
Đặc biệt, những người bị mắc BO đều là đàn ông trẻ khoẻ và không hút thuốc lá. Trong một thời gian dài người ta không tìm được nguyên nhân bệnh vì triệu chứng rất giống bệnh viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn… Sau người ta tìm được nguyên nhân gây ra BO chính là chất tạo mùi bơ DA, nên gọi đây là “bệnh phổi của công nhân làm bắp rang” (pop corn worker’s lung) hay “bệnh viêm tiểu phế quản do diacetyl” (diacetyl-induced bronchiolitis obliterans).
Nếu hít phải DA trong thời gian dài, DA sẽ gây viêm và xơ hoá các tiểu phế quản của phổi khiến các đường thở này bị chít hẹp một phần hay toàn phần. Người bị BO do diacetyl sẽ khó thở, thở khò khè, ho khan dữ dội, nếu quá nặng sẽ suy hô hấp và tử vong. Bệnh khó trị và không hồi phục, nếu nặng chỉ có thể chữa bằng cách ghép phổi.
Do có bằng chứng về nguy hại của việc hít lâu dài hơi DA nên từ năm 2007, ở Mỹ nổi rộ dư luận đòi cấm dùng DA làm chất tạo mùi bơ trong thực phẩm. Thậm chí hai nhà sản xuất Weaver Popcorn Company of Indianapolis và ConAgra Foods đã hứa không cho DA vào sản phẩm bắp rang của họ. Nhưng cho đến nay, cơ quan Quản lý thực – dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn công nhận DA là chất an toàn trong thực phẩm và chưa có văn bản chính thức của Liên bang Hoa Kỳ về DA.
Nay thêm lo cho não
Mới đây nhất, trong một nghiên cứu trong ống nghiệm (chưa thử trên người), một số nhà khoa học nhận thấy DA có cấu trúc tương tự một chất khiến các protein beta-amyloid kết lại thành khối trong não, làm tăng mức độ kết khối của beta-amyloid tạo thành mảng, đưa đến thoái hoá các tế bào thần kinh: dấu hiệu của bệnh Alzheimer!
Ta cần biết, Alzheimer là một bệnh thoái hoá não nguyên phát, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi, thường khởi phát ở người cao tuổi. Trạng thái mất trí tiến triển thường khởi đầu bằng rối loạn trí nhớ, các rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hoạt động, rối loạn trí tuệ. Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer hiện nay vẫn chưa được giải thích thật rõ ràng và được công nhận nhiều hơn cả là giả thuyết về sự tích tụ beta-amyloid trên não. Một cơ sở ủng hộ giả thuyết này là do vị trí của gen sản xuất protein là tiền chất của beta-amyloid (gen APP) nằm trên nhiễm sắc thể 21, trong khi những người mắc hội chứng Down (có ba nhiễm sắc thể 21) tức là có thêm một phiên bản của gen APP thì hầu hết đều mắc bệnh Alzheimer ở độ tuổi trên 40. Đồng thời, đột biến gen APOE4, một yếu tố nguy cơ di truyền của bệnh Alzheimer, gây ra việc tích tụ quá nhiều beta-amyloid trong não trước khi các biểu hiện của bệnh xuất hiện. Qua hình ảnh hiển vi của não bệnh nhân Alzheimer, có thể thấy các mảng amyloid (amyloid plaque). Mặc dù ở nhiều người già có hình thành các mảng amyloid do quá trình lão hoá, não của bệnh nhân Alzheimer thường có số lượng các mảng nhiều hơn ở những vùng não nhất định, ví dụ như thuỳ thái dương. Người ta cũng chứng minh sự tích tụ các mảng beta-amyloid sẽ gây thoái hoá các tế bào thần kinh.
Nay một số nhà khoa học nhận thấy mùi thơm bơ DA có cấu trúc tương tự một chất khiến các protein beta-amyloid kết lại thành khối trong não tạo thành mảng, thì rõ ràng việc dùng DA trong thực phẩm là rất đáng lo ngại, bởi có thể rước vào thân căn bệnh chưa thể chữa khỏi và tiêu tốn nhiều tiền của ở các nước tiên tiến.
Nếu được ăn bắp được rang bơ thật sự hoặc rang chẳng cần mùi bơ để được an toàn thì hay biết mấy!
(Theo SGTT)