Nổi tiếng là một trung tâm sản xuất và thương mại dệt may, Barcelona đã phải đối mặt với tình trạng kinh tế đình trệ và nạn thất nghiệp nghiêm trọng trong những năm 1980. Thế nhưng, chỉ trong hơn 30 năm, thành phố ven biển này đã vươn mình bứt phá, trở thành hình mẫu đô thị thông minh của cả châu Âu.

Cách tiếp cận của Barcelona được định hướng bởi tầm nhìn dài hạn về việc xây dựng đô thị kết nối chặt chẽ, tốc độ cao và phát triển bền vững, với cốt lõi là dữ liệu do người dân tự nguyện chia sẻ.

Người dân là trọng tâm

Ngay từ năm 2011, hội đồng thành phố đã thông qua chiến lược mới về công nghệ thông tin để cải thiện hoạt động điều hành quản lý, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố phúc lợi xã hội cho người dân.

{keywords}
 

Điểm nhấn đầu tiên phải nhắc tới là nền tảng kỹ thuật số Decidim (tên tiếng Anh: We Decide), cho phép công dân trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, sử dụng dữ liệu của chính họ để đề xuất ý tưởng, tranh luận và biểu quyết.

“Chúng tôi sử dụng Decidim để xây dựng chương trình làm việc của chính quyền. Hơn 70% các đề xuất đến trực tiếp từ người dân. Hơn 40.000 người đã tham gia vào quá trình đề xuất các chính sách”, Franceska Bria, Trưởng ban đổi mới kỹ thuật số và công nghệ của Barcelona, cho biết.

Theo Bria, cách làm của thành phố này là đảo ngược mô hình thông thường. Thay vì bắt đầu từ công nghệ và trích xuất tất cả dữ liệu trước khi nghĩ tới việc sử dụng chúng như thế nào, Barcelona gắn công nghệ vào công việc cụ thể của thành phố.

Trước hết, thành phố xây dựng các quy định về chủ quyền dữ liệu và quyền công khai dữ liệu. Sau đó, các công cụ kỹ thuật số được phát triển và người dân có quyền kiểm soát dữ liệu họ cung cấp cũng như đích danh đối tượng được chia sẻ dữ liệu đó.

Barcelona quản lý luồng dữ liệu do người dân cung cấp bằng ứng dụng có kết hợp với Decode (dự án hệ sinh thái dữ liệu công dân phi tập trung của EU, nhằm loại bỏ các khâu trung gian có thể lợi dụng khai thác trái phép dữ liệu người dùng), đồng thời khuyến khích mọi người tự nguyện chia sẻ dữ liệu để đóng góp xây dựng thành phố.

Tất cả người dân đều được phép truy cập vào các thuật toán ảnh hưởng tới mọi người và đang được sử dụng bởi Hội đồng thành phố nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng giám sát của công dân.

Bria tin rằng Decode chính là cách thức hợp lý để thu thập thông tin người dùng: “Đã có một cuộc khủng hoảng niềm tin. Chính quyền cần định hình lại quan hệ với người dân, và các thành phố phải gần gũi với người dân hơn nữa”.

Dịch vụ công thông minh

Hệ thống điều hành thành phố (City OS) là một ví dụ về việc vận dụng tài nguyên dữ liệu để xây dựng các giải pháp thành phố thông minh, trong đó nhiều nguồn dữ liệu mở khác có thể được thêm vào và kết nối chặt chẽ với nhau.

Cùng với Sentilo, mạng lưới hơn 19.000 cảm biến thu thập thông tin thời gian thực về mức độ tiếng ồn, nhiệt độ, chất lượng không khí cũng như dòng di chuyển giao thông, Barcelona đã tạo ra hơn 47.000 việc làm, giảm 30% năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm 5% lượng nước sạch cũng như 52% chi phí đỗ xe.

Trong thời kỳ đại dịch, hệ thống cảm biến này càng cho thấy hiệu quả. Các camera nhiệt giám sát mức độ lấp đầy tại các bãi biển giúp đảm bảo tuân thủ các quy định về giới hạn công suất. Cứ mỗi 5 phút, hình ảnh lại được ghi lại trên camera và gửi về máy chủ bảo mật.

Thông qua các thuật toán AI và máy học, hình ảnh được so sánh giữa thời điểm vắng và đông khách, từ đó hệ thống phát ra cảnh báo để cơ quan chức năng quyết định đóng cửa bãi biển hay không. Bên cạnh đó, các thông tin này cũng được công khai trên website thành phố giúp mọi người xác định mức độ đông đúc của từng bãi tắm theo thời gian thực.

Thủ tục hành chính cũng được ứng dụng kỹ thuật số giảm quy trình rườm rà và dễ gây nhầm lẫn. Mario, mô đun dựa trên thuật toán máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đã được áp dụng trong phân tích biên bản mô tả sự cố, hỗ trợ người dân lựa chọn điền thủ tục thích hợp nhất, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.

Barcelona hàng năm phải giải quyết trung bình 50.000 trường hợp liên quan các dịch vụ xã hội cho nhóm đối tượng người yếu thế, với đội ngũ chuyên gia gồm hơn 700 người. Nhằm giảm tải và nâng cao khả năng ra quyết định của nhân viên, Hội đồng thành phố đã áp dụng thuật toán, dựa trên kho dữ liệu hơn 300.000 cuộc phỏng vấn trước đó, đề xuất phương án tài nguyên thích hợp cho từng trường hợp để các chuyên gia đưa ra quyết định cuối cùng.

Pal Robotics, công ty phát triển dịch vụ robot, trụ sở tại Barcelona năm ngoái đã ra mắt người máy trợ lý thông minh ARI thế hệ II, có khả năng hoạt động độc lập trong 8 tiếng đi xung quanh mọi nơi trong căn nhà, giám sát người dùng, phát hiện và tránh chướng ngại vật kèm tính năng nhận dạng khuôn mặt và giọng nói, cũng như có khả năng tương tác và tích hợp với các ứng dụng khác.

Thành phố đang triển khai thí điểm dự án sử dụng ARI II hỗ trợ người già trong cuộc sống hàng ngày. Số liệu cho thấy, Barcelona có hơn 350.000 người trên 65 tuổi đang sinh sống, với 90.000 người đơn thân, và 90% số đó khẳng định muốn ở tại nhà lâu nhất có thể thay vì phải tới viện dưỡng lão.

Điều khiến thành phố Barcelona trở nên thông minh, không chỉ nằm ở những công nghệ thông minh được ứng dụng tại đây, mà còn là cách nhìn nhận “thông minh” về cách thức giao tiếp, tương tác của người dân với chính quyền thành phố, từ đó tạo nên kho dữ liệu chung, phù hợp với lợi ích cụ thể của mọi người.

Vinh Ngô