Được cứu nợ xấu: ngân hàng, BĐS lại lên hương
BĐS chậm hay nhanh quá đều... chết!
Ăn trái đắng vì BĐS ngoại
BĐS vỡ mộng với nhà đầu tư ngoại
Phía bên kia cầu, trên khu đất chợ Văn Thánh cũ, sàn hầm B1 của dự án SSG Tower
cũng đã được hoàn thành sau 3 tháng khởi công. Cả 2 dự án này đều do Tập đoàn
SSG Group làm chủ đầu tư.
Hình ảnh này hoàn toàn đối lập với một dự án cách đó chưa đầy 2 km - dự án Green
Building của Công ty Đầu tư Xây dựng số 8. Dù đã xây dựng xong phần thô từ gần 1
năm nay, nhưng cho đến nay Dự án vẫn im lìm.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đã ví thị trường bất
động sản như biển đang có bão và tàu thuyền phải tìm nơi ẩn nấp. Tuy nhiên, vẫn
có không ít doanh nghiệp tiếp tục ra khơi. Và SSG Group không phải là trường hợp
duy nhất.
Bão thì mặc bão
Cách đây 6 tháng, một tập đoàn bất động sản lớn khác của Việt Nam là Bitexco đã
động thổ tòa tháp 55 tầng The One với tổng vốn đầu tư ước tính 500 triệu USD. Dự
án gồm 2 tòa tháp cao 48 và 55 tầng có hướng nhìn ra chợ Bến Thành, dự kiến hoàn
thành vào năm 2015.
Keppel Land, một doanh nghiệp bất động sản Singapore, cho biết vẫn đang tìm kiếm
cơ hội hợp tác đầu tư mới tại Việt Nam. Hiện nay, Công ty đang đầu tư vào Khu
dân cư phức hợp Nam Rạch Chiếc quy mô hơn 6.000 căn hộ tại quận 2, TP.HCM. Theo
dự kiến, Dự án sẽ chào bán giai đoạn 1 trong năm 2013.
Công ty này cũng đang xây dựng giai đoạn 2 và 3 dự án Saigon Centre trên đường
Lê Lợi, quận 1, TP.HCM. Khi hoàn thành, tòa nhà cao 45 tầng này sẽ cung cấp cho
thị trường khoảng 50.000 m2 khu thương mại, 40.000 m2 diện tích văn phòng hạng A
và khoảng 200 căn hộ dịch vụ.
Không chỉ có khu phức hợp, căn hộ cao cấp - phân khúc được cho là khó khăn nhất
của thị trường bất động sản hiện nay - vẫn có người tiếp tục cuộc chơi. Điển
hình là Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland).
Từng có thông tin cho rằng Novaland đang gặp khó khăn và có thể sẽ không hoàn
thành được dự án Sunrise City. Thế nhưng, toàn bộ 6 tòa tháp giai đoạn 1 của
Sunrise City đã được hoàn thành đúng tiến độ và đã bàn giao căn hộ từ ngày
16.7.2012. Novaland đang tiếp tục triển khai Khu Central Towers (giai đoạn 2)
của Sunrise City, đã xong tầng hầm và chuẩn bị chào bán căn hộ.
Nằm kế cận Sunrise City là dự án Thanh Bình do Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư,
vừa mở bán căn hộ vào đầu tháng 10. Dự án đã xây xong phần móng và đang xây dựng
2 tầng hầm. Theo dự kiến, chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ trong quý I/2015.
Lý lẽ của kẻ liều
Thị trường đang rất khó khăn. Do vậy, việc vẫn tiếp tục phát triển dự án được
nhiều người cho là liều lĩnh. Tuy nhiên, những chủ đầu tư nói trên lại có lý lẽ
riêng.
Khi được hỏi tại sao lại quyết định khởi công dự án giữa lúc thị trường đang
trầm lắng, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Bitexco, không trả lời thẳng mà chỉ kể lại
một câu chuyện về Bitexco cách đây hơn 10 năm.
Năm 2001, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chao đảo do bị ảnh hưởng của cơn
bão tài chính Đông Á năm 1997. Chiếc cần cẩu tại dự án cao ốc văn phòng Bitexco
Tower trên đường Nguyễn Huệ, TP.HCM gần như là cái duy nhất hoạt động. Đây là dự
án do Bitexco mua lại của một doanh nghiệp Singapore gặp khó khăn.
Theo ông Hội, quyết định mua lại lúc đó khá liều lĩnh nhưng đây lại là dự án bất
động sản làm tiền đề cho những dự án khác như The Manor và Bitexco Financial
Tower. “Tôi tin rằng đến năm 2015, khi công trình (tòa tháp The One) hoàn thành,
nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại”, ông nói.
Tầm nhìn dài hạn không phải là lý lẽ của riêng ông Hội. Ông Linson Lim, Chủ tịch
Keppel Land Việt Nam, cũng cho biết Công ty của ông vẫn tin vào tiềm năng tăng
trưởng dài hạn của thị trường địa ốc Việt Nam, vì với dân số trẻ, năng động và
tầng lớp trung lưu tăng nhanh, nhu cầu nhà ở sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, trong giai đoạn sức mua đang yếu như hiện nay, tìm đầu ra cho sản
phẩm là một dấu hỏi lớn đối với bất kỳ nhà đầu tư nào. Về vấn đề này, bà Võ Thúy
Anh, Phó Tổng Giám đốc Novaland, cho rằng việc nhiều nhà đầu tư đang rời bỏ phân
khúc căn hộ cao cấp có thể dẫn đến khan hiếm sản phẩm ở phân khúc này trong
tương lai. Nghĩa là cơ hội cho chủ đầu tư vẫn có.
Trên thực tế, theo báo cáo quý III/2012 của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ
hạng A chỉ chiếm 8% toàn thị trường, căn hộ hạng B chiếm 14%, 78% là căn hộ hạng
C. Hơn nữa, từ năm 2009 đến nay, hầu hết các chủ đầu tư đều ngại triển khai các
dự án cao cấp mới, nên nguồn cung căn hộ hạng A và B trong giai đoạn 2013-2016
sẽ giảm nhiều.
Cũng theo bà Anh, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay và nhiều dự án đã phải
tạm ngưng triển khai, thị trường Việt Nam khá giống với thị trường bất động sản
Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc năm 1997. Theo đó, sau suy thoái sẽ có một
khoảng trống rất lớn trên thị trường, vì một dự án phải xây dựng trong 3-5 năm,
thậm chí lâu hơn. Đó sẽ là cơ hội cho những chủ đầu tư có thực lực.
Vấn đề là liệu các doanh nghiệp có đủ tiền để tiếp tục duy trì dự án, chờ đến
ngày đó hay không. “Mỗi dự án đều phải được đảm bảo về mặt tài chính để thực
hiện cho đến cùng. Có thể thấy dù thời gian qua, thị trường khó khăn nhưng chúng
tôi vẫn hoàn thành đúng tiến độ giai đoạn 1 của Sunrise City. Hiện nay, chúng
tôi đã bán được toàn bộ trung tâm thương mại và gần 500 căn hộ của giai đoạn 1,
trung tâm thương mại giai đoạn 2 cũng đã bán. Lượng tiền này đang đổ về và chúng
tôi sẽ tiếp tục rót cho giai đoạn 2”, bà Anh nói.
Nếu đúng như vậy, câu chuyện của Novaland có vẻ như đang theo chiều hướng thuận
lợi. Tuy nhiên, việc xoay xở số vốn lên tới hàng trăm tỉ đồng trong tình hình
như hiện nay không phải là dễ. Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng đầu tư của một
công ty bất động sản (không muốn nêu tên) cho biết không ít chủ dự án lớn đã
phải đi vay với lãi suất cao để có thể tiếp tục triển khai. Như vậy, khi thị
trường phục hồi, họ sẽ có ngay sản phẩm để bán, hợp tác hoặc cho thuê dài hạn.