Yaroslav Goncharov là một lập trình viên tốt nghiệp Đại học bang St. Petersburg, Nga. Anh từng làm việc cho Microsoft và là giám đốc kỹ thuật của công ty chuyên sản xuất ứng dụng và trò chơi cho thiết bị di động SPB Software. Năm 2011, SPB được công ty Internet hàng đầu của Nga là Yandex mua lại với giá 38 triệu USD. Thế nhưng thành công lớn nhất (và gây nhiều tranh cãi nhất) của người đàn ông này đến thời điểm hiện tại lại liên quan đến FaceApp.
Thành công ngoài mong đợi…
Công ty Wireless Lab sở hữu FaceApp tuy chỉ có vỏn vẹn 12 nhân viên nhưng họ đã tạo ra một trong những ứng dụng miễn phí "hot" nhất thế giới trong thời gian gần đây. Đầu năm 2017, ứng dụng này đã thu hút đông đảo sự chú ý của người dùng khi sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để biến khuôn mặt trở nên già đi, trẻ hơn hay chuyển đổi giới tính của họ.
Tuần trước, FaceApp thậm chí còn có thời điểm đứng đầu bảng xếp hạng lượt tải về cho cả điện thoại Android và iPhone sau khi những ngôi sao nổi tiếng có hàng triệu lượt theo dõi như rapper Drake và Jonas Brothers thực hiện "Thử thách FaceApp" và đăng hình ảnh về già của mình lên mạng xã hội.
Bài đăng trên Instagram của anh em nhà Jonas có hàng triệu lượt thích.
Dù vậy, không lâu sau, FaceApp đã gây ra không ít lo ngại về bảo mật dữ liệu người dùng. Các quan chức Mỹ tỏ ra lo ngại hơn hết khi biết ứng dụng này được phát triển bởi một công ty có trụ sở chính tại Nga. Sau đó, Thượng Nghị sỹ Chuck Schumer đã kêu gọi một cuộc điều tra của FBI nhắm vào FaceApp.
Goncharov cho biết thời điểm đó, anh bị choáng ngợp khi nhận được khoảng 200 cuộc gọi trong vòng 3 giờ. Điều này khiến không chỉ Goncharov mà cả Wireless Lab không thể làm việc như bình thường.
Các điều khoản hiện tại cấp cho FaceApp quyền sở hữu gần như hoàn toàn đối với hình ảnh khuôn mặt người dùng khi sử dụng ứng dụng và công ty có quyền dùng, thay đổi và bán những hình ảnh này theo ý muốn mà không cần sự chấp thuận của họ. Theo Goncharov, Wireless Lab đang lên kế hoạch để thay đổi điều khoản và chính sách trên trong tháng tới.
Ngoài ra, Goncharov cũng không quên nhấn mạnh rằng hình ảnh không được sử dụng cho bất kỳ mục đích thương mại nào và hầu hết chúng sẽ được xóa khỏi máy chủ trong vòng 48 giờ kể từ ngày tải lên.
Về lý do tại sao công ty lưu trữ hình ảnh trong 48 giờ, CEO 40 tuổi cho biết nhiều người dùng không muốn phải tải lên lại ảnh mỗi khi áp dụng bộ lọc mới. Vì vậy, chúng sẽ được lưu trên máy chủ tạm thời.
FaceApp đang là một trong những ứng dụng "hot" nhất hiện nay.
Tại Microsoft vào đầu những năm 2000, Goncharov đã nhận ra tương lai của smartphone. Anh là nhà phát triển phần mềm trên Windows Mobile từ rất lâu trước khi iPhone và điện thoại Android trở nên phổ biến.
Bên cạnh đó, anh còn là đồng sáng lập công ty Yandex được bán lại cho Google của Nga với giá 38 triệu USD năm 2011. Nhà sáng lập FaceApp không tiết lộ số tiền kiếm được từ thương vụ này nhưng anh cho biết mình đã có đủ tiền đề lập công ty riêng và không phải quá lo lắng trong việc kêu gọi đầu tư.
Trong thời gian làm việc tại Microsoft và Yandex, Goncharov bị mê hoặc bởi loại phần cứng và phần mềm có khả năng học và xử lý thông tin như não người. Anh đặc biệt bị thu hút bởi ý tưởng rằng một thuật toán có thể tạo ra một khuôn mặt từ các thuộc tính được đưa ra nhất định như giới tính hoặc màu tóc.
Sau khi rời Yandex, Goncharov chuyển sang tạo ra các sản phẩm của riêng mình, một trong số đó là công cụ thử nghiệm Wi-Fi khách sạn gặt hái được thành công nhất định. Tuy nhiên, vì muốn tạo ra sản phẩm hình ảnh khuôn mặt sử dụng AI, anh bắt đầu FaceApp năm 2016 và ra mắt ứng dụng này năm 2017.
… nhưng cũng đầy tranh cãi
Với hàng triệu người trên khắp thế giới say mê FaceApp, Goncharov đã nhanh chóng lập kế hoạch kinh doanh. Ý tưởng là người dùng sẽ trả tiền cho một trình chỉnh sửa ảnh tự động không có watermark của FaceApp, không có quảng cáo gây khó chịu và được dùng một số tính năng cao cấp khác.
Kế hoạch của Goncharov đã thành công, nhưng theo một cách không giống bình thường. Anh cho biết FaceApp đã có lãi ngay từ khi ra mắt lần đầu cách đây hai năm, với số liệu tăng trưởng và doanh thu tốt. Tuy có thể dễ dàng nhận được đầu tư từ Thung lũng Silicon nhưng vị CEO nói rằng công ty đủ khả năng để tự phát triển, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Goncharov từ chối tiết lộ doanh thu của công ty và số lượng người dùng trả tiền cho ứng dụng. Mặc dù vậy, theo một số nguồn tin, Wireless Lab đang kiếm được ít nhất 4 triệu USD mỗi năm và có thể nói đây là một thành tích không tệ đối với một công ty có số nhân viên và quy mô khiêm tốn như vậy.