Chỉ 1 năm về trước, hơn 20 cầu thủ nữ CLB Thái Nguyên có lẽ không bao giờ nghĩ mình có được điều kiện sinh hoạt, tập luyện và thi đấu như hiện tại. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi thứ thay đổi quá nhanh, và nói như các cô gái xứ chè thì chính họ cũng cảm thấy "chóng mặt".
Những căn phòng tưởng như chỉ dành cho dân lao động nghèo thiếu thốn đủ thứ, thì nay đã đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ và ngăn nắp. Vào mùa đông, các cầu thủ có nước nóng để dùng, còn mùa hè không sợ bị "tra tấn" bởi sự ngột ngạt, nóng bức vì đã được lắp máy lạnh.
Những thay đổi tưởng như chỉ có trong mơ với các nữ cầu thủ CLB Thái Nguyên |
Chỗ ăn, chỗ ngủ "đẹp như mơ", nhưng niềm vui và hạnh phúc nhất với các cầu thủ nữ Thái Nguyên là họ được đảm bảo về thu nhập, sau khi có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng nhà tài trợ.
Một cầu thủ chính của đội giờ có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền thưởng. Ở giải bóng đá nữ VĐQG 2020, lần đầu tiên các cô gái quê chè biết đến thưởng nóng. Theo đó, đội được nhận 50 triệu/trận thắng, 20 triệu đồng/trận hoà.
Với mức thu nhập tăng gấp 2-3 lần và rất ổn định, nên CLB nữ Thái Nguyên giờ không còn một cầu thủ nào phải xin nghỉ để đi làm công nhân để "canh tác" thêm.
Trung vệ, đội trưởng Trần Thị Thuý Nga – cầu thủ lớn tuổi nhất ở đội bóng, cho biết: "Trước kia mọi thứ đều khó khăn, lương thưởng rất ít nên các cầu thủ phải làm thêm công nhân để đảm bảo thu nhập. Giờ thì chúng tôi được quan tâm hơn, chị em rất phấn khởi, ai cũng hào hứng tập luyện, không còn tư tưởng hay suy nghĩ phải bỏ bóng đá...".
Cũng theo chị cả Thuý Nga, cá nhân cô giờ khi về nhà dịp lễ tết không còn lo chuyện tiền nong, mua quà mua bánh cho gia đình, bố mẹ.
Bầu không khí khác hẳn 1 năm về trước |
Vui nhất có lẽ là HLV trưởng Đoàn Việt Triều. Suốt nhiều năm, ông cùng các trợ lý đã phải gồng gánh, giật gấu vá vai để lo cho đội bóng, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, khó khăn trăm bề. Khi cuộc sống của các cầu thủ được đảm bảo, giờ thì CLB nữ Thái Nguyên chỉ còn tập trung vào chuyên môn, phấn đấu nâng cao thành tích.
"Tinh thần, thái độ và chuyên môn của các cầu thủ hơn trước rất nhiều. Mọi năm đội nữ Thái Nguyên thường ở nhóm cuối BXH, chỉ có 7-8 điểm ở mỗi mùa giải, thì năm rồi đứng hạng 5, có 16 điểm, đặc biệt có 2 trận hoà trước đối thủ mạnh Hà Nam.
Khi điều kiện sinh hoạt, thu nhập của các em tốt hơn, điều mà tôi mong mỏi là đội bóng có bước tiến mạnh về chuyên môn trong những năm tới. Khó khăn là dù có chủ trương mua sắm cầu thủ, nhưng bóng đá nữ lại không có quy định về chuyển nhượng như bóng đá nam. Mùa rồi, Thái Nguyên mới mượn một số cầu thủ từ Than KSVN, TPHCM và Hà Nội, tuy nhiên về lâu về dài thì cần có những bản hợp đồng dài hạn", HLV Đoàn Việt Triều chia sẻ.
Đội bóng từng có nhiều cầu thủ bỏ đi làm công nhân giờ hoàn toàn có thể tập trung cho tập luyện, thi đấu và mơ cao ở các giải đấu trong nước |
Trong mặt bằng chung của bóng đá nữ, những thay đổi rất tích cực ở CLB nữ Thái Nguyên không chỉ giúp đội bóng này có quyền mơ cao ở những mùa giải sắp tới, mà còn là cú hích với sự phát triển của bóng đá nước nhà. Chỉ có sự quan tâm và đầu tư mạnh, thì các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số mới có thể sống khoẻ với nghề, và đó cũng là cơ sở để bóng đá nữ Việt Nam thực hiện được giấc mơ World Cup.
Những hình ảnh thay đổi của CLB nữ Thái Nguyên:
Những căn phòng ẩm mốc, chăn màn cũ kỹ chỉ còn là quá khứ
|
Quy định đầu tiên là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp
|
Hoàng Thị Ngọc Anh là "em út" trong đội, sinh năm 2005, mới chỉ tập luyện được 4 tháng. Cầu thủ quê Thanh Hoá bất ngờ khi có điều kiện sinh hoạt và thu nhập đảm bảo
|
Các cầu thủ hoàn toàn yên tâm tập luyện, không phải đi làm thêm để có thêm thu nhập
|
Nguyễn Thị Quỳnh (19) từng phải đi làm công nhân, giờ cô và các đồng đội hào hứng tập luyện chuẩn bị cho mùa giải mới
|
Ước mong của Lê Kiều Chinh và các cầu thủ là có mặt sân đẹp để không lo tập luyện gặp chấn thương
|
Song Ngư