"Chúng tôi hay đùa, thế hệ Mỹ Tâm, Quang Dũng hay Hồng Ngọc, Hiền Thục... là lứa ca sĩ 100 (tức cát sê cho đêm diễn là vào khoảng 100.000 đồng)", nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Từng nắm trong tay "số phận" nhiều vũ trường,
phòng trà đình đám nhất nhì Sài Gòn, Nguyễn Quang nhớ lại: "Thời ấy, chúng tôi
chạy sô mỗi đêm, hăng say cống hiến, tập dượt lẫn biên tập. Chúng tôi vui vì từ
đây đã có một thế hệ giọng ca mới trưởng thành và được khán giả nồng nhiệt đón
nhận sau này như: Quang Dũng, Mỹ Tâm, Hồng Ngọc...".
15 năm đi qua, áp lực thị trường cùng những biến cố riêng tư đã khiến Nguyễn
Quang gác lại tất cả. Anh sang Mỹ học tập, tốt nghiệp đạo diễn tại trường âm
nhạc LA Music Colleges. Cái tên Nguyễn Quang chưa bao giờ thôi 'hot' qua nhiều
bản hoà âm phối khí cực chất. Đó cũng là nhận định chung của giới chuyên môn.
Hiện nay, nhạc sĩ Nguyễn Quang đảm nhận vai trò đạo diễn hai chương trình truyền
hình trực tiếp Tình khúc vượt thời gian, Sol Vàng. Chúng tôi đã có buổi
trò chuyện thú vị xung quanh chuyện đời, chuyện nghề cùng nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Bất ngờ với thái độ làm việc trịch thượng của nhiều ca sĩ
- Trở về VN, khán giả lại được dịp thấy một Nguyễn Quang rất mới khi
giữ vai trò đạo diễn của nhiều chương trình ăn khách hiện nay với nhiều ca nhạc
sĩ tên tuổi, điều gì khiến anh quyết định tham gia dự án này?
Năm 2014, tôi trở về theo lời mời danh ca Ý Lan và nhận được lời đề nghị thực
hiện chương trình với dòng nhạc trữ tình, những bài hát có lời ca giai điệu đẹp
nên tôi đồng ý. Lúc đó, tôi chỉ mong góp mặt để giới thiệu đến khán giả thêm
nhiều giọng ca trẻ qua những ca khúc mượt mà đi cùng năm tháng.
- Được đánh giá cao về chuyên môn, anh nhận thấy đâu là sự khác biệt khi làm
sô ở hải ngoại so với các sô diễn tại VN?
Ở hải ngoại, một sô diễn có thời gian dựng, tập luyện rất lâu và nghiêm túc, có
hẳn chuyên gia về âm thanh, ánh sáng. Tất cả ca sĩ gạo cội, danh ca hay những
tên tuổi mới nổi đều tuân thủ kịch bản chương trình, họ nghiêm túc và chuyên
nghiệp trong tập luyện. Trong khi đó, khi về VN làm chương trình, tôi rất bất
ngờ với thái độ làm việc không chuyên nghiệp, trịch thượng của nhiều ca sĩ. Nhất
là các ngôi sao trẻ, thậm chí họ bỏ tập. Khi chúng tôi muốn hoà âm phối khí mới
một ca khúc thì họ hoặc là năn nỉ hoặc lạnh lùng cho biết không thích bản phối
mới vì không vào nhạc được. Tranh câu hát dễ hay thậm chí tỏ vẻ cái tôi so với
đàn anh dù tuổi đời lẫn chuyên môn kém cỏi. Đó thật sự là một điểm trừ đáng quan
ngại.
- Về chuyên môn nghệ sĩ biểu diễn, anh có thấy lớp ca sĩ trẻ hiện nay nội lực
như thời Quang Dũng, Mỹ Tâm cách đây 15 năm?
(Cười) Thời điểm bạn nhắc đến đúng là một thời kì rực rỡ, nhiều năng
lượng của Vpop. Chúng tôi hay đùa, thế hệ Mỹ Tâm, Quang Dũng hay Hồng Ngọc, Hiền
Thục... là lứa ca sĩ 100 (tức cát sê cho đêm diễn là vào khoảng 100.000 đồng).
Chúng tôi xây dựng nhiều đêm nhạc có chủ đề, làm những đêm nhạc riêng để giới
thiệu những giọng hát hay, tiềm năng đến công chúng qua nhiều phòng trà nổi
tiếng Sài Gòn thời ấy như: Đồng Dao, Tiếng Tơ Đồng, M và Tôi, 2B. Nên các giọng
hát này có thời gian để tôi luyện, hiểu và giao tiếp lễ phép hơn với ban nhạc,
các đàn anh trong nghề. Còn bây giờ những ngôi sao trẻ được nhào nặng quá nhanh,
qua nhiều chương hình thực tế về ca hát khiến họ hụt chân, thiếu chuyên môn và
cọ xát thực tế khiến họ dễ dàng đỏng đảnh, thiếu khiêm tốn khi dấn thân theo
nghiệp hát.
- Giai đoạn năm 2000 được xem là thời kì rực rỡ của nhạc trẻ Việt. Nhiều bài
hit như: Biển cạn, Đường xưa, Hãy Thắp ánh sáng, Tình 2000.. góp phần giúp người
nghệ sĩ toả sáng. Với cương vị người hoà âm phối khí đình đám thời ấy, theo anh
phải chăng nhạc Việt đang thụt lùi, và đâu là nguyên nhân?
Nhạc Việt vẫn đang sôi động, có nhiều sáng tác từ chính các bạn 9x. Thế nhưng để
tìm được một gương mặt chất, ổn định và được giới chuyên môn đánh giá cao thì
vẫn rất khó khi mà áp lực thị trường cùng sự vụt sáng bất ngờ của nhiều gương
mặt trẻ, buộc các nhạc sĩ trẻ dễ thoả hiệp với đơn đặt hàng 1 ca khúc có giá cao
ngất ngưỡng với phần giai điệu, ca từ đơn giản, một màu. Nó đánh mất cái chất
vốn rất cần phải có của một người nghệ sĩ. Sự thoả hiệp cộng tính lười biếng của
các ca sĩ trẻ tiêu diệt tính sáng tạo của nghệ sĩ hoà âm, phối khí.
|
Ca sĩ Mỹ Tâm |
Học ké khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chơi đàn
- Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Quang, bên cạnh thông tin là nhạc sĩ dàn dựng chương
trình âm nhạc hải ngoại đình đám, anh còn được biết đến với tư cách con trai
trưởng của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9. Âm nhạc đã được ủ chín từ môi trường
truyền thống gia đình?
12 tuổi, tôi mới bắt đầu chơi piano chuyên nghiệp và gặt hái được nhiều giải
thưởng còn trước đó tôi toàn học ké khi nghe ba tôi chơi đàn. Âm nhạc đã ở trong
máu nên đến một lúc nào đó sẽ tự bật lại những thanh âm quen thuộc lẫn quyến rũ,
giúp tôi đi qua một chặng đường dài để vẫn tiếp tục theo đuổi mãi đến hôm nay.
- Đoạn đường dài mà anh nhắc đến, có phải là những vinh quang lẫn cay đắng
gắn liền với những lần đầu tiên như: tham gia viết nhạc phim cho hãng film TFS,
viết nhạc kịch Trở về mái nhà xưa, Nhân danh công lý. Đoạt huy chương vàng quốc
tế tại Hàn Quốc cùng ban nhạc August (Ban nhạc tháng 8 cùng Cẩm Vân- Khắc Triệu)?
Anh cũng là nghệ sĩ khởi xướng viêc chuyển nhiều loại nhạc cụ vào cây Organ,
Keyboard. Đi tiên phong trong việc mang công nghệ vào sô diễn rồi đánh đổi sự
nghiệp khi kiên định giữ chính kiến để giúp nữ ca sĩ trẻ Mỹ Tâm dự thi một ca
khúc nhạc Việt (Mãi Yêu) trên đấu trường quốc tế tại Thượng Hải và ẵm luôn huy
chương đồng?
Vâng, có lẽ đó là những quyết định khó khăn nhưng tôi hãnh diện vì tất cả những
cái đầu tiên đã qua ấy. Sự trải nghiệm thường là khởi nguồn cho nhiều chênh vênh
trong đời một nghệ sĩ. Một khi bạn vượt qua được, sự bình yên sẽ đến với bạn.
Nguyễn Quang trình diễn trong liveshow của cha mình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ảnh Đại Ngô |
- Trong liveshow của nhạc sĩ
Vinh Sử vừa diễn ra tại HN, khán giả bất ngờ bởi tiết tấu, kịch bản lẫn sự dàn
dựng sân khấu đơn giản nhưng rất truyền cảm hiệu quả. Anh đánh giá thế nào
về thị hiếu khán giả Việt hiện tại?
Tôi vẫn vui khi nhìn thấy rất đông khán giả còn tin và yêu nhiều ca khúc hay
cho dù nó đã có tuổi đời không còn trẻ. Nhiều nhạc sĩ có cuộc đời tài năng mà
sao cuộc sống vẫn rất cơ cực khiến tôi trăn trở khi có cơ hội giới thiệu họ với
công chúng yêu nhạc. Qua những đêm diễn nêm cứng người tại Nhà hát thành phố,
tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều đêm nhạc hay, ý nghĩa gửi đến khán giả mà ở đó
yếu tố âm nhạc, nghe nhạc được chú trọng và tôn vinh.
- Từng xem âm nhạc là hơi thở, là cuộc sống đầy ắp niềm riêng giúp mình
trưởng thành hơn trong nghề nghiệp, đến nay, hơi thở ấy vẫn thế giữa muôn nẻo
đường trần, hay đã gấp gáp hơn, vội vàng hơn sau chuyến trở về này?
Tôi may mắn khi được thừa hưởng gia tài đồ sộ về hoà âm, phối khí khi trở thành
thành viên đoàn kịch Kim Cương (thập niên 1980). Đứng trong hàng ngũ nhiều nhạc
sĩ danh tiếng mình từng ngưỡng mộ và họ là bạn của ba tôi như nhạc sĩ Ngọc Chánh,
Lê Văn Thiện, Cao Phi Long... giúp tôi rất nhiều trong việc nỗ lực rèn nghề để
từng bước có được trải nghiệm quí giá trong nghề.
Tôi nhớ nhất là kỉ niệm đệm đàn cho kịch của đoàn Kim Cương. Trong một đêm diễn,
lúc nghỉ giải lao, tôi thấy màn sân khấu mở hé ra. Sau đó, má Bảy Nam (thân mẫu
NSND Kim Cương) ngoắc tôi lại gần rồi bảo: "Con, hôm nay con đàn ngoại khóc
không được". Đem câu chuyện hỏi nghệ sĩ Kim Cương, được má Kim Cương phân tích:
"Để đệm đàn cho kịch được tốt thì con phải theo dõi lời thoại, nhân vật. Con
không chỉ đàn đúng, đàn cho xong mà phải trình diễn ngón đàn như là hơi thở của
nhân vật". Những đêm sau, tôi tập trung hơn và gặt được niềm vui khi ngoại Bảy
kêu lại nhận xét: "Con làm ngoại khóc được rồi". Đó cũng là bài học thú vị theo
tôi trên con đường làm nghề đến hôm nay. Sự tập trung, đam mê và học cách để
phối hợp tốt với tập thể sẽ giúp nghệ thuật thăng hoa.
Chuẩn bị tổ chức đêm nhạc Ngô
Thuỵ Miên tại Việt Nam
- Vpop đang trở nên xấu xí, với giai điệu lẫn ca từ nhạt nhẽo vẫn hoành hành
cuốn hút giới trẻ Việt trong khi thế hệ nhạc sĩ tài năng Kim Tuấn, Quốc Dũng,
Trần Tiến, Phú Quang hay các gương mặt 7X tiêu biểu như: Võ Thiện Thanh, Việt
Anh, Đức Trí, Trần Lê Quỳnh... dường như hết thiết tha với sáng tác. Anh nhận
xét thế nào về nhận định này? Và đâu là giải pháp để khắc phục?
Theo tôi, họ không có tác phẩm ngoài thị trường không phải họ không viết mà là
họ không đưa cho ai. Đã có nhiều đồng nghiệp, khiến người thân quen giật mình
bởi nhiều sáng tác hay họ không chịu công bố. Theo lẽ đơn giản nhất, họ không
chọn được gương mặt nào để gửi "đứa con tinh thần của mình". Điều này rất khác
với trước đây. Nó cũng thể hiện sự thiếu tin tưởng cả về chuyên môn, lẫn đạo đức
dành cho nghệ sĩ trẻ. Đó là hệ luỵ tất yếu của thị trường âm nhạc nghiêng hẳn về
giá trị ăn xổi, khiến nhiều nhạc sĩ có tài qui ẩn vì chán nản. Là thiệt thòi rất
lớn cho các giọng ca mới, khi mà nhiều ca khúc chất lượng giờ chỉ nằm trong tiềm
thức hay ngăn tủ của nhiều nhạc sĩ tài năng. Nên chỉ khi chúng ta dám thay đổi,
đồng lòng vì một môi trường âm nhạc sạch, văn minh thì tôi tin lúc đó, nhiều
nhạc sĩ tên tuổi sẽ lại tiếp tục sáng tác nhằm góp phần thay đổi diện mạo âm
nhạc "sáng nở tối tàn" như hiện nay.
- Anh từng cho biết muốn thực hiện liveshow riêng dành tặng nhạc sĩ Ngô Thuỵ
Miên tại VN, như một lời tri ân. Đến nay, dự án đã được khởi động?
Hiện tại, tôi đã nhận được email trả lời của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên (hiện đang
sinh sống tại Mỹ). Tôi rất vui và xúc động khi điện thoại báo có thư mới, mở hộp
thư mới biết bác gửi cho mình. Trước đó, tôi hỏi dò cả danh ca Ý Lan, Tuấn Ngọc
đều không ai liên lạc được. Cá nhân tôi, cũng đã nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ
chi tiết từ nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên để tiến hành các thủ tục xin phép cần thiết.
Do vậy, khi mọi việc suôn sẻ, chúng tôi dự định mời nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên về VN
trong một đêm nhạc riêng dành tặng khán giả yêu mến nhạc sĩ tài hoa này tại Hà
Nội và TPHCM.
- Cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Quang!
Đinh Quý Anh