Trong “Squid Game” (Trò chơi con mực), bộ phim truyền hình kinh dị ăn khách trên nền tảng trực tuyến Netflix, 456 người đang đối mặt với nợ nần chồng chất và tuyệt vọng về tài chính, đã mạo hiểm tính mạng để tham gia những trò chơi sinh tồn nhằm giành giải thưởng 38 triệu USD tiền mặt ở Hàn Quốc.

{keywords}
Trong phim Squid Game, 456 người gặp rắc rối về tài chính cạnh cùng mạo hiểm sinh mạng để tranh giành giải thưởng tiền mặt trong một sự kiện giải trí dành cho giới nhà giàu. Ảnh: Netflix

Koo Yong-hyun, một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Seoul, chưa bao giờ phải đối mặt với những kẻ sát nhân đeo mặt nạ hay những đối thủ cạnh tranh muốn cắt cổ mình như các nhân vật trong phim. Song, Koo đã thức trọn một đêm để xem hết Squid Game. Anh bày tỏ sự đồng cảm với các nhân vật và cuộc đấu tranh của họ nhằm tồn tại trong một xã hội bất bình đẳng sâu sắc.

Báo New York Times dẫn lời Koo, người đang sống nhờ các hợp đồng làm việc tự do và trợ cấp thất nghiệp của chính phủ Hàn Quốc sau khi bị mất việc làm ổn định, nói "hầu như không thể sống thoải mái với mức lương của một nhân viên bình thường” trong một thành phố có giá nhà ở cao ngất ngưởng. Giống như nhiều người trẻ ở Hàn Quốc và các nơi khác, anh đang chứng kiến cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt để giành lấy một miếng bánh đang thu nhỏ, giống như các thí sinh trong bộ phim.

Những điểm tương đồng đó đã giúp Squid Game bất ngờ trở thành bộ phim gây sốt toàn cầu. Bộ phim gồm 9 tập này hiện là chương trình đứng đầu trên Netflix ở Mỹ và đang trên đà trở thành một trong những chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử của dịch vụ truyền phát trực tuyến. Ted Sarandos, đồng giám đốc điều hành Netflix, thậm chí nhận định cơ hội để Squid Game vươn lên vị trí số 1 trong lịch sử nền tảng này là rất cao.

Lột tả bất bình đẳng xã hội

Tương tự như sách và phim "Hunger Games” (Đấu trường sinh tử), Squid Game níu giữ khán giả bằng cách kể chuyện bạo lực, kịch tính và có kèm cảnh báo cũng như việc sẵn sàng để những nhân vật được đông đảo yêu thích phải chết. Tuy nhiên, bộ phim cũng tạo ra một cảm giác quen thuộc đối với người dân ở Mỹ, Tây Âu và những nơi khác, rằng sự thịnh vượng ở các nước giàu ngày càng trở nên khó đạt được, khi chênh lệch giàu nghèo càng gia tăng và giá nhà leo thang quá mức.

{keywords}
Các lính gác đeo mặt nạ, mang súng để ngăn những người chơi dùng bạo lực tấn công nhau trong Squid Game. Ảnh: Netflix

"Những câu chuyện và rắc rối của các nhân vật được cá nhân hóa cao độ, nhưng cũng phản ánh các vấn đề và thực trạng của xã hội Hàn Quốc”, Hwang Dong-hyuk, đạo diễn Squid Game chia sẻ trong một bức thư điện tử. Ông Hwang viết kịch bản phim vào năm 2008 khi nhiều xu hướng trong số này đã trở nên rõ ràng, nhưng về sau đã chỉnh sửa kịch bản gốc để khắc họa thêm những lo lắng mới, bao gồm cả tác động của Covid-19.

Minyoung Kim, trưởng bộ phận nội dung cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Netflix tiết lộ, công ty đang đàm phán với ông Hwang về việc sản xuất phần hai của phim.

Squid Game chỉ là tác phẩm xuất khẩu văn hóa mới nhất của Hàn Quốc nhằm thu hút khán giả toàn cầu bằng cách khai thác cảm nhận sâu sắc về sự bất bình đẳng và cơ hội tan biến dần. “Parasite” (Ký sinh trùng), bộ phim năm 2019 của điện ảnh xứ sở kim chi từng đoạt giải phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar, đã ghép nối một gia đình lao động nghèo đầy tuyệt vọng với những thành viên không quen biết của một gia đình giàu có ở thủ đô Seoul. “Burning”, một tác phẩm nghệ thuật đình đám năm 2018, đã tạo ra kịch tính bằng cách để một chàng trai giao hàng trẻ tuổi đối đầu với một gã giàu có để giành trái tim người con gái họ cùng "thương thầm, nhớ trộm".

Hàn Quốc đã trỗi dậy vượt bậc trong thời kỳ hậu chiến và trở thành một trong những quốc gia giàu nhất châu Á, điều một số nhà kinh tế gọi là “kỳ tích sông Hàn”. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo ngày càng trở nên tồi tệ khi nền kinh tế phát triển chín muồi.

Theo nhà phê bình kịch Yun Suk-jin, giáo sư văn học tại Đại học quốc gia Chungnam, người Hàn Quốc từng quen với tinh thần cộng đồng. Song, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 đã làm xói mòn câu chuyện tăng trưởng tích cực của quốc gia và “khiến mọi người phải chiến đấu vì chính mình”.

Phản ánh nỗi lo của giới trẻ

Trong các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc hiện đứng thứ 11 về hệ số Gini, thước đo sự bất bình đẳng thu nhập.

Dù các gia đình Hàn Quốc đã nỗ lực kiểm soát nhưng các khoản nợ hộ gia đình tiếp tục tăng, khiến một số chuyên gia cảnh báo điều này có thể kìm hãm nền kinh tế. Giá nhà đã leo thang đến mức khả năng chi trả đã trở thành một chủ đề tranh cãi chính trị nóng hổi tại xứ sở kim chi. Giá cả ở Seoul tăng vọt hơn 50% trong những năm vừa qua.

{keywords}
Những người chơi đầy lo lắng bước vào một vòng thi của Squid Game. Ảnh: Netflix

Squid Game đã phanh phui tình huống trớ trêu giữa áp lực xã hội phải thành công và sự khó khăn để làm được điều đó ở Hàn Quốc, theo Shin Yeeun, người tốt nghiệp đại học vào tháng 1/2020, ngay trước khi đại dịch bùng phát. Giờ đây, ở tuổi 27, Shin cho biết cô đã mất hơn một năm để săn lùng công việc ổn định. Cô gái này phàn nàn, ngày nay, những người ở độ tuổi 20 thực sự rất khó kiếm được một công việc toàn thời gian.

Hàn Quốc cũng có tỷ lệ sinh giảm mạnh, một phần do giới trẻ nhận thức rằng việc nuôi dạy con cái quá tốn kém.

“Ở Hàn Quốc, tất cả các cha mẹ đều muốn cho con mình đến những trường học tốt nhất. Để làm được điều đó, bạn phải sống trong những khu dân cư tốt nhất. Việc này đòi hỏi phải tiết kiệm đủ tiền để mua một ngôi nhà, một mục tiêu viển vông đến nỗi tôi thậm chí còn chưa bao giờ bận tâm tính toán xem mình sẽ mất bao lâu để đạt được", Shin bộc bạch.

Squid Game xoay quanh Seong Gi-hun, một kẻ nghiện cờ bạc ngoài 40 tuổi, không có đủ tiền để mua cho con gái một món quà sinh nhật phù hợp hay trả chi phí y tế cho mẹ già. Một ngày nọ, ông ta được đề nghị tham gia Trò chơi con mực, một sự kiện giải trí dành riêng cho những người giàu có. Để nhận được giải thưởng 38 triệu USD, các thí sinh phải trải qua 6 vòng trò chơi truyền thống của trẻ em Hàn Quốc. Thất bại đồng nghĩa với cái chết.

Trong phim, 456 người chơi giãi bày trực tiếp nhiều lo lắng của Hàn Quốc. Một người tốt nghiệp Đại học quốc gia Seoul hàng đầu đất nước bị truy nã vì biển thủ quỹ của các khách hàng. Một người khác đào tẩu từ Triều Tiên cần chăm sóc em trai và giúp mẹ trốn khỏi đất nước. Một nhân vật khác là lao động nhập cư bị ông chủ quỵt tiền lương.

Các nhân vật này phản chiếu các lo lắng của giới trẻ Hàn Quốc, những người không nhìn thấy cơ hội thăng tiến trong xã hội. Được người dân địa phương gọi chung thế hệ “thìa bẩn”, nhiều người trong số họ bị ám ảnh bởi những cách làm giàu nhanh chóng, chẳng hạn như bằng tiền ảo và xổ số. Hàn Quốc đang là một trong những thị trường tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới.

Giống như tiền thưởng trong chương trình, tiền ảo mang đến cho “mọi người cơ hội thay đổi cuộc sống của họ trong giây lát", khán giả Koo bình luận. Ông chủ trước đây của Koo đã phải nghỉ kinh doanh vì ảnh hưởng của Covid-19. Anh cho rằng, khó khăn trong việc kiếm tiền là một nguyên nhân khiến người Hàn Quốc quá ám ảnh với việc phải có tiền nhanh chóng. Koo tự hỏi không biết sẽ có bao nhiêu người tham gia nếu Squid Game được tổ chức trong đời thực.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet 

Khát vọng cháy bỏng giúp Hàn Quốc tạo nên kỳ tích kinh tế

Khát vọng cháy bỏng giúp Hàn Quốc tạo nên kỳ tích kinh tế

Một ngày đẹp trời vào tháng 5/2009, Tổng thống Hàn Quốc khi đó Lee Myung-bak đã tổ chức một buổi lễ long trọng ở Nhà Xanh để giới thiệu chương trình “Hàn Quốc, người bạn của thế giới” (World Friends Korea).

K-pop đã giúp Hàn Quốc phát triển kinh tế 'thần kỳ' thế nào?

K-pop đã giúp Hàn Quốc phát triển kinh tế 'thần kỳ' thế nào?

Không chỉ mang lại doanh thu khổng lồ cho nền kinh tế, K-pop còn đóng góp lớn vào quảng bá du lịch và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng cho Hàn Quốc.