- Dự án làm tuyến đường xẻ ngang vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt động thổ từ năm 2011 nhưng đến năm 2015, chính quyền địa phương mới cấp phép tận thu gỗ. Quá trình khai thác có những điểm bất thường.

Tận thu hay phá rừng?

Từ phản ánh của người dân địa phương, nhóm phóng viên đã có mặt tại dự án làm đường đang dang dở ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) và được chứng kiến hiện trường tận thu gỗ ở vùng lõi khiến người dân ‘sốt ruột’.

Được biết, tuyến đường đang thi công là dự án đường tuần tra biên giới khởi công từ năm 2011, dài 22km. Con đường này theo thiết kế đã cắt ngang qua vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Hiện tại, tuyến đường vẫn còn một quãng dài chưa hoàn thành.

{keywords}

Những gốc cây lớn vừa được đốn hạ tại vùng lõi khu bảo tồn, được cho là thuộc diện tận thu cho dự án làm đường

Theo ghi nhận, bắt đầu từ xã Hạnh Dịch, hai bên tuyến đường nhiều đống gỗ lớn nằm rải rác, trong đó có một vài điểm tập kết gỗ rất lớn với nhiều xe tải ‘khủng’ vận chuyển.

Vào sâu trong rừng già nơi tuyến đường còn thi công dở dang, chúng tôi bắt gặp đủ chủng loại gỗ quý nằm la liệt hai bên lề đường, như sến, táu, dổi đủ kích cỡ. Nhiều khu vực vẫn đang trong quá trình ‘tận thu’, vết nhựa còn mới trên những gốc cây vừa bị đốn hạ.

Theo quan sát trực tiếp, tại một số khu vực hai bên tuyến đường việc tận thu gỗ có những điểm bất thường. Như tại Km18 (theo chiều dài tuyến đường - PV), hai bên đường chất đầy gỗ quý, có cây thân to với đường kính đến khoảng 1m, nhựa cây đang rỉ ra tươi rói.

Đặc biệt lần theo vết kéo gỗ từ trong rừng ra, chúng tôi bắt gặp 4 gốc cây gỗ lớn mới bị đốn hạ, cách đường khoảng từ 50 đến 100m.

Điều lạ là những gốc cây vẫn còn tươi rói, không hề có dấu hiệu bị đất đá trong quá trình thi công đường làm ảnh hưởng, dẫn tới nguy cơ chết nhưng số cây này vẫn bị đốn hạ. Trên một số gốc không có dấu bài cây, trên những thân cây rải rác bên đường có nhiều đoạn không có dấu búa kiểm lâm.

Kiểm soát lỏng lẻo

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tuyến đường biên giới ở Quế Phong được khởi công xây dựng từ năm 2011, cắt ngang vùng rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Mặc dù thế đến tháng 3/2015, ban quản lý khu bảo tồn này mới có văn bản báo cáo tình hình và kiến nghị Sở NN&PTNT cho phép tận thu lâm sản tại đây.

Lý giải việc chậm trễ này, ông Lê Phùng Diệu, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn Pù Hoạt cho biết, đơn vị được thành lập sau khi có dự án làm đường. Với tư cách là chủ rừng, ban quản lý đã kiến nghị được tận thu những lâm sản bị hư hại trong quá trình làm đường.

Ngày 6/7/2015, Sở NN&PTNT Nghệ An có quyết định số 807/QĐ-NN.LN về việc phê duyệt hồ sơ, cấp phép tận thu, tận dụng gỗ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông từ trạm kiểm soát biên phòng Hạnh Dịch đi mốc M14 (xã Hạnh Dịch), với khối lượng khai thác gần 1.300m3 gỗ. Số gỗ khai thác nằm từ nhóm 2 đến nhóm 8.

Cụ thể, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được tận thu khai thác tại Tiểu khu 59, gồm các lô a - K10, lô a - K13, lô a - K16, lô a - K17, lô a - K21, lô a - K23, lô a - K24, lô a - K25, lô a - K27. Tiểu khu 72 gồm lô a - K1, lô a - K2 và lô a - K3, thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.

Tổng diện tích khai thác là 22,85ha; số lượng khai thác là 1.273,28m3. Đối tượng khai thác là rừng tự nhiên thuộc đất rừng đặc dụng đã được chuyển mục đích sử dụng đất; thời gian khai thác đến ngày 31/12/2015.

Sau khi được tỉnh cho phép, Ban quản lý khu bảo tồn Pù Hoạt đã hợp đồng với một công ty để khai thác gỗ hai bên tuyến đường. Theo số liệu từ ban quản lý này, trong hơn 2 tháng ‘tận thu’, đã có chừng 400m3 gỗ được ‘xuất kho’. Khoảng 200 khối gỗ khác đang nằm rải rác trong rừng chờ vận chuyển ra ngoài.

{keywords}

Gỗ nằm la liệt hai bên tuyến đường ở xã Hạnh Dịch

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Phùng Diệu cho rằng, đơn vị luôn duy trì một tổ gồm ít nhất 3 người chỉ đạo, giám sát việc khai thác gỗ. Tuy thế trong quá trình thu thập thông tin tại thực địa, chúng tôi không bắt gặp bóng dáng lực lượng kiểm soát nào. Trong khi đó, việc khai thác, tận thu vẫn được tiến hành gấp rút.

Thực tế, hiện trạng việc khai thác tận thu lâm sản có biểu hiện ‘bắn tỉa’, chọn lựa những cây gỗ có giá trị. Đặc biệt việc kiểm soát có vẻ khá sơ sài khi nhiều gốc cây vừa đốn nhưng không có dấu bài cây; nhiều đoạn thân đã cắt ra thiếu dấu búa kiểm lâm.

“Thực tế có nhiều cây nằm ở vị trí cheo leo rất khó khai thác, lực lượng chức năng gặp khó trong việc đánh dấu bài cây. Chúng tôi luôn có lực lượng kiểm tra việc tận thu để đảm bảo đúng quy định”, ông Diệu giải thích. Tuy thế trước nhiều hình ảnh mà PV đưa ra, lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn Pù Hoạt sẽ cho lực lượng vào kiểm tra, xử lý ngay.

Ông Diệu cũng cho biết thêm, việc tận thu lâm sản ở dự án làm đường chỉ là việc ‘giải quyết hậu quả để lại’, do dự án động thổ từ 2011 nhưng đến năm 2015 mới cấp phép tận thu.

“Việc này đã sai từ đầu, anh chưa có hồ sơ thiết kế tận thu lâm sản nhưng đã múc, san ủi để làm đường ảnh hưởng đến rừng là sai!”, ông Diệu cho hay.

Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Hạt kiểm lâm Quế Phong cho biết sẽ cho lực lượng vào hiện trường để làm rõ các nội dung trên.

Cao Thái