Tròn 20 năm trước, bầu Đức cùng HAGL trình làng bóng đá Việt Nam tại giải hạng Nhất. Và sau 2 thập niên, khi nhiều ông bầu cựu trào chia tay thì ông chủ đội bóng phố Núi vẫn ở lại.

Trong cột mốc lịch sử này của bầu Đức hay HAGL, VietNamNet điểm lại và trò chuyện cùng ông chủ đội bóng phố Núi với thăng trầm, niềm vui sau 20 năm bén duyên cùng môn thể thao Vua...

Hai mươi năm với đời người đã đáng kể, thì với một ông bầu hay đội bóng chuyên nghiệp quãng thời gian ấy là rất dài. Quãng thời gian ấy bầu Đức, HAGL đặt nhiều dấu ấn cũng như vô vàn tranh cãi.

Dấu ấn

Năm 2001 doanh nhân Đoàn Nguyên Đức tiếp nhận CLB Gia Lai và chuyển tên mang thương hiệu của tập đoàn của mình là HAGL đá giải hạng Nhất mùa 2001-2002.

Sau khi tiếp nhận, một trong số những ông bầu đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thực hiện hàng loạt những tăng cường về lực lượng: chiêu mộ Hữu Đang (Khánh Hoà), Nguyễn Mạnh Dũng (Thể Công), Quang Trãi (Đồng Tháp), Văn Sỹ Linh (SLNA) về phố Núi, bên cạnh những cầu thủ địa phương như Văn Đàn...

Để thực hiện giấc mơ thăng hạng, bầu Đức lập tức khiến cả bóng đá Đông Nam Á choáng váng khi đưa  tiền đạo nổi tiếng nhất lúc đó ở khu vực là Kiatisuk (bên cạnh Chukiat) về phố Núi vào đầu năm 2002. Đây cũng là năm HAGL thăng hạng lên chơi ở V-League mùa 2003.

{keywords}
Dấu ấn đầu tiên của bầu Đức những ngày đầu bước vào bóng đá không có gì lớn hơn bằng việc chiêu mộ thành công Kiatisuk

Năm 2003-2004: Những năm hoàng kim nhất của HAGL về mặt thành tích khi được mệnh danh “Dream team” với việc sở hữu hàng loạt cái tên xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam thời điểm ấy.

Có trong tay bộ tứ người Thái Lan là Kiatisuk, Sakda, Chukiat, Dusit và HLV Arjihan cùng Mạnh Dũng, Trung Tuấn, Hải Lâm, Phi Hùng, Hữu Đang, Văn Sỹ Hùng, Quang Trường, Quốc Vượng... HAGL dễ dàng làm ông chủ của bóng đá Việt Nam 2 năm liên tiếp.

{keywords}
Với đội hình gồm nhiều tuyển thủ Việt Nam lẫn Thái Lan, HAGL thống trị V-League ngay ở những mùa đầu tiên thăng hạng. Ảnh: Bạch Nguyễn

Năm 2005-2006: Sau thành công rực rỡ, HAGL đi xuống một cách chậm rãi dù giai đoạn này bầu Đức vẫn mang về sân Pleiku những bản hợp đồng bom tấn như Kesley, Agostinho, Thonglao.

Đối với cá nhân Chủ tịch CLB HAGL ở thời điểm này là việc bầu Đức suýt dính vòng lao lý sau khi vụ án hối lộ trọng tại tại V-League bị bung ra. Rất may ông bầu phố Núi chứng minh được sự trong sáng, nhờ vậy có cơ hội toả sáng và cống hiến bóng đá Việt Nam.

Năm 2007-2009: Hai sự kiện ghi nhiều dấu ấn nhất mà bầu Đức tạo ra ở giai đoạn này không gì khác là việc xây dựng học viện bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời đưa ngôi sao triệu USD Lee Nguyễn về sân Pleiku ngôi sao Lee Nguyễn.

Nếu Lee Nguyễn mang đến cho người hâm mộ phố Núi niềm vui bằng kỹ năng chơi bóng tuyệt đỉnh thì học viện bóng đá HAGL.JMG.Arsenal là dấu ấn đậm nét thực sự của bầu Đức đối với bóng đá Việt Nam.

Học viện bóng đá được coi mô hình cho nhiều lò đào tạo sau này xuất phát từ một sự tự ái nữa (sau lần chiêu mộ Kiatisuk) bởi ông bầu HAGL bị HLV lẫn CLB nổi tiếng Arsenal “coi thường” trong lần gặp gỡ đầu tiên.

{keywords}
Cuộc gặp gỡ lịch sử vơi HLV nổi tiếng Wenger được coi làm thay đổi toàn bộ tư duy làm bóng đá của bầu Đức, đồng thời đặt nền móng cho những thành công sau này của bóng đá Việt Nam

Do bầu Đức "tự ái", Học viện HAGL.JMG.Arsenal ra đời, sân Pleiku được xây mới, còn Premier League chứng kiến bảng quảng cáo về tập đoàn HAGL những mùa kế tiếp.

Năm 2009-2013: HAGL không còn là thế lực của bóng đá Việt Nam dù mua sắm chẳng ít. Đây cũng là những mùa giải “nhạt” mà đội bóng phố Núi thể hiện tại V-League.

Năm 2014-2015: Trải qua một giai đoạn chìm lắng, HAGL bất ngờ trở lại một cách khó tin trên các phương tiện truyền thông và bằng lứa cầu thủ khoá 1 học viện HAGL.JMG.Arsenal.

Lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Hoàng Thanh Tùng... khiến Việt Nam lẫn khu vực ngất ngây bằng một lối chơi hoa mỹ, đồng thời tạo ra một hiệu ứng khủng khiếp đối với người hâm mộ sau khi trình làng tại giải U19 Đông Nam Á.

{keywords}
Năm 2014, một lần nữa bầu Đức lại đặt dấu ấn cho bóng đá Việt Nam bằng việc trình làng lứa U19 tài năng

Các giải đấu trong giai đoạn này của U19 Việt Nam -  mà phần lớn là các cầu thủ đến từ lò đào tạo nhà bầu Đức luôn ở tình trạng cháy vé, vỡ sân từ Thống Nhất ra Mỹ Đình hay xuôi về Cần Thơ...

Một lần nữa, bầu Đức lại ghi vào lịch sử bóng đá Việt Nam bằng dấu ấn mang tên U19. Cũng sau thành công này, bầu Đức khiến tất cả ngỡ ngàng khi đôn toàn bộ các cầu thủ 18-19 tuổi lên đá V-League mùa 2015.

Năm 2015-2020: Giai đoạn khó khăn trong công việc làm ăn, nhưng bầu Đức vẫn gây tiếng vang bằng việc đưa các cầu thủ tốt nhất như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan thử sức.

{keywords}
Nối tiếp tiếng vang U19, bầu Đức quyết định mở đường cho các cầu thủ của mình ra nước ngoài thi đấu. Dù không quá thành công về mặt chuyên môn, nhưng vẫn đủ làm ông chủ HAGL hài lòng.

Dù không thành công quá nhiều về mặt chuyên môn, nhưng dấu ấn và thương hiệu HAGL vẫn cao vút trong lòng người hâm mộ bất chấp đội bóng của bầu Đức thua nhiều hơn thắng.

Danh tiếng bầu Đức ở giai đoạn này vang dội không kém bởi thời điểm cuối cùng giữ ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF, ông đưa về cho bóng đá Việt Nam một HLV xuất sắc nhất trong lịch sử: HLV Park Hang Seo.

{keywords}
Dấu ấn khác trong suốt 20 năm làm bóng đá của bầu Đức là việc đưa về và trả lương cho HLV Park Hang Seo để góp phần vào những năm tháng lịch sử khó quên BĐVN

Ghi dấu ấn lớn là vì toàn bộ lương của HLV người Hàn Quốc trong bản hợp đồng 2 năm đầu tiên đều được bầu Đức chi trả, bất chấp giai đoạn này ông chủ HAGL vô cùng khó khăn trong công việc làm ăn.

Năm 2021: Bầu Đức trở lại với bóng đá bằng việc đưa Kiatisuk về sân Pleiku lần thứ 2 với vai trò HLV trưởng, mở màn cho thời điểm tròn 20 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam.

đến những tranh cãi

Hai thập niên đi cùng bóng đá Việt Nam, bầu Đức cũng là một trong số rất ít những người gây tranh cãi trong vai trò Chủ tịch CLB HAGL đến Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF.

Không tính những phát ngôn trước đó, chỉ riêng chuyện bầu Đức tuyên bố: “Với đội hình này, HAGL có tới 98% vô địch V-League 2009” hoặc “Tôi còn mua được Arsenal thì Lee Nguyễn có là gì" khi đưa ngôi sao người Mỹ gốc Việt về phố Núi đủ khiến người hâm mộ dậy sóng.

{keywords}
Suốt 20 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, bầu Đức cũng không ít lần gây tranh cãi với những phát ngôn gây sốc.

Chưa dừng ở đó, với lứa Công Phượng bầu Đức cũng nhiều lần cao hứng tuyên bố vô địch, hay đỉnh điểm là câu nói: “Đội tôi thua rồi xuống hạng cũng được, nhưng phải đẹp mắt” hoặc “sau 2 mùa nữa bọn nhỏ đá không ai chịu nổi”...

Trong ngày đưa Công Phượng sang Bỉ chơi bóng, bầu Đức cũng làm tất cả sửng sốt thậm chí dè bỉu khi tuyên bố xanh rờn “HAGL đá cho vui chứ làm sao đua tranh được ở V-League”, đồng thời ám chỉ: “CLB TPHCM không thể vô địch, vì 5 thằng gày đánh một thằng béo”.

Phát ngôn sốc về đội nhà là bình thường, bầu Đức khi còn ngồi ghế Phó Chủ tịch VFF từng đòi “đuổi thẳng cổ” Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi hay ông Dương Văn Hiền.

Chưa dừng ở đó, ông chủ đội bóng phố Núi từng đưa ra quan điểm tương tự với HLV Miura khi ông thầy người Nhật Bản dẫn dắt tuyển Việt Nam, U23 không mấy thành công trước khi mất ghế.

Sốc nhất trong những phát ngôn của ông chủ HAGL vẫn là vào năm 2014 khi tuyên bố lứa U19 của mình không giành HCV hãy gọi mình là Đức “nổ” chẳng hạn.

Quá nhiều dấu ấn lịch sử lẫn những tranh cãi với các phát ngôn thẳng suốt 2 thập niên làm bóng đá của bầu Đức.

Và ông chủ HAGL nhìn lại thành công, thất bại, xài tiền tỷ như thế nào kể từ khi gắn duyên cùng bóng đá mời quý độc giả theo dõi bài 2: Tôi mất tiền, nhưng vẫn sướng

Duy Nguyễn