Quyết định cấm HAGL của bầu Đức tham dự cuộc họp trực tuyến với 13 CLB do VPF chủ trì nhằm tìm lối thoát cho V-League mới đây đã tạo nên những ý kiến tranh luận trái chiều. Lý do bầu Đức đưa ra là cả xã hội đang lo chống dịch, bàn chuyện bóng đá thời điểm này là không thích hợp. Câu chuyện này thực sự là gì?

Thông báo của VPF bị bóp méo

Hôm 25/3, VPF đã thông báo tới các CLB về việc V-League các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hoãn lại tới ngày 15/4 do dịch cúm Covid-19. Kèm với đó, VPF cũng gửi kế hoạch dự kiến tổ chức lượt đi V-League 2020 tập trung tại các sân cỏ miền Bắc không có khán giả với 2 phương án thời gian: 15/4-29/5 và 1/5-28/6.

Xin nhắc lại, đây là thời gian dự kiến và cùng với phiếu lấy ý kiến các CLB, VPF cũng lên lịch họp trực tuyến 14 CLB vào ngày 31/3 để trao đổi, bàn giải pháp.

{keywords}
Cuộc họp trực tuyến giữa VPF và các đội bóng dự V-League thiếu đúng HAGL, do lệnh cấm của bầu Đức

Không hiểu vì lý do gì, thông báo của VPF bị một số nơi “diễn giải” thành việc: ép các CLB đá ở miền Bắc trong khi đang có dịch. Về quyết định tổ chức ở miền Bắc, VPF đã có giải thích rất cụ thể. Miền Bắc có 7 đội bóng, trong khi miền Trung có 4 và miền Nam chỉ có 3. Điều kiện sân bãi ở miền Bắc đáp ứng tốt hơn cho việc tổ chức giải, hạn chế khâu di chuyển máy bay.

Thông báo của VPF ngoài ưu điểm cũng chỉ rõ nhược điểm của phương án này để các CLB đánh giá như thi đấu không có khán giả khiến cầu thủ giảm hưng phấn, mật độ thi đấu dày ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân. Rõ ràng trong bối cảnh V-League không thể diễn ra, khó có thể đòi hỏi phương án tối ưu.

{keywords}
V-League 2020 đang cần những đóng góp để duy trì giải đấu, phong trào

Vì sao VPF họp để bàn giải pháp tổ chức V-League, thì đây là quan điểm của đại diện CLB Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao T&T Nguyễn Quốc Hội: Cần họp bàn để có giải pháp chuẩn bị cho phương án khi hết dịch, V-League có thể sớm trở lại hoạt động bình thường. Đó cũng là tinh thần chung đối với tất cả các lĩnh vực khác trong xã hội: chống dịch và chuẩn bị cho khả năng sớm trở lại khi hết dịch.

Lợi dụng bầu Đức để "đánh" ai?

Khi còn đương chức Phó chủ tịch tài chính-tài trợ VFF, bầu Đức cũng nhiều lần xin không họp vì bận việc cá nhân. Ở đây chỉ nêu lại một số lần điển hình. Năm 2017, bầu Đức tuyên bố đòi đuổi Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi. “Không cần họp hành gì cả, cứ đuổi ông Mùi là bóng đá Việt Nam tốt lên!”. Kết quả cuộc họp BCH VFF sau đó, chỉ 3/19 thành viên ủng hộ bầu Đức, 16/19 phản đối cách chức ông Nguyễn Văn Mùi.

Năm 2018, bầu Đức gây sức ép dọa rút HAGL khỏi V-League để bầu Tú dừng tranh cử ghế Phó chủ tịch VFF. Người thắng cử sau đó là nguyên Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa. Trước đó nữa, bầu Đức gây sức ép buộc VFF sa thải HLV Toshiya Miura, đưa HLV Nguyễn Hữu Thắng lên nắm các ĐTQG.

{keywords}
Không phải tuyên bố "nặng ký" nào của bầu Đức cũng hiệu quả cho bóng đá Việt Nam

Người thay ông Nguyễn Văn Mùi hiện nay là ông Dương Văn Hiền. V-League và công tác trọng tài có tốt hơn lên, thực tế một năm qua là câu trả lời rõ rệt nhất: 77% trọng tài V-League mắc sai sót (20/26). Nhiều lỗi rất nghiêm trọng, ảnh hưởng kết quả trận đấu. Nửa năm sau khi đắc cử ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, ông Cấn Văn Nghĩa xin nghỉ với các thông tin liên quan bê bối ở đơn vị cũ.

Ai thay thế ông Nguyễn Văn Mùi hay chiếc ghế Phó chủ tịch VFF hiện ai gánh vác, đó có vẻ như không còn là trách nhiệm bầu Đức quan tâm vì mục đích của ông đã đạt được.

Một đội bóng hay cá nhân được ghi nhận khi có những đóng góp thực sự: phản biện mang tính xây dựng, đưa ra giải pháp và tạo sự đồng thuận để cùng phát triển. Không ai phủ nhận những đóng góp trước đây của bầu Đức cho bóng đá Việt Nam, nhưng điều này càng ít đi gần đây. Giới bóng đá có lý do để cho rằng, vì mối quan hệ không tốt đẹp với người đứng đầu VPF, bầu Tú, nên ông thường có những phản ứng tiêu cực.

Điều quan trọng hơn, ai đang lợi dụng những phát biểu của bầu Đức để gây chia rẽ bóng đá Việt Nam, phục vụ các mục đích riêng?

Video Viettel 3-3 HAGL:

Theo Tiền Phong