Theo kế hoạch, ngày 17-4 tới đây Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên thành viên sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu cùng các đồng phạm.
Nhớ lúc ông bầu Kiên bị bắt vào ngày 20-8-2012, đồng loạt nhiều ngân hàng lên tiếng phủ nhận vai trò chi phối của ông tại đơn vị mình. Tuy vậy, thị trường lại có tiếng nói riêng khi các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh, nhiều ngân hàng đã mất hàng chục ngàn tỉ đồng tài sản khi bầu Kiên vướng vòng lao lý.
Bài viết này hy vọng cung cấp cho người đọc thêm một số thông tin về chân dung một ông trùm tài chính, về cách nhân vật này thao túng thị trường ngân hàng, khi vụ án sắp được đưa ra xét xử.
Hiện thân của sở hữu chéo
Ông Nguyễn Đức Kiên đã thành lập sáu công ty (viết tắt là B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN và Thiên Nam) góp vốn lẫn nhau với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 5.811 tỉ đồng, có nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, nhưng hoạt động chủ yếu là đầu tư góp vốn và kinh doanh vàng. Với chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của ACB nhưng giữ vai trò chi phối (như lời khai của nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã được báo chí nhiều lần đăng tải), ông Kiên đã rút tiền từ ACB thông qua các công ty này và từ đó, nắm quyền chi phối nhiều ngân hàng và doanh nghiệp khác.
Phương thức rút vốn chủ yếu của ông Kiên là thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. ACB sẽ là người mua trái phiếu của các doanh nghiệp do ông Kiên làm chủ (tháng 11-2010: B&B: 1.000 tỉ đồng, ACBI: 800 tỉ đồng, ACI: 650 tỉ đồng...). Bên cạnh đó, tháng 3-2008, MHB cũng đã mua 500 tỉ đồng trái phiếu từ một công ty khác của ông Kiên là ACI; hay Ngân hàng Phương Nam mua 400 tỉ đồng trái phiếu của AFG cùng thời gian này...
Với số tiền có được, cùng với vốn góp ban đầu, ông Kiên đã dùng nó để mua cổ phiếu và chi phối ở hàng loạt doanh nghiệp và ở nhiều ngân hàng, trong đó có thể kể như VietBank, KienLong Bank, DaiABank, Eximbank,... Sau khi đã có ảnh hưởng ở nhiều ngân hàng, vòng xoáy rút tiền của ông Kiên được nhân lên khi các công ty của ông Kiên có thể vay vốn tại các ngân hàng này chứ không chỉ có ở ACB.
Các ngân hàng này có thể sử dụng tiền huy động từ dân cư và tổ chức để cho các công ty của ông Kiên vay, cũng có thể ACB là người rót vốn qua thị trường liên ngân hàng cho những ngân hàng “con” này, để các ngân hàng này thực hiện nhiệm vụ “được phân công”.
Trường hợp bầu Kiên là minh họa sống động cho mặt trái của tình hình sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ một ngân hàng ban đầu, dùng tiền của ngân hàng này để chi phối nhiều ngân hàng và doanh nghiệp (trường hợp bầu Kiên là mua cổ phiếu của khoảng 15 công ty khác) bằng nhiều cách, trong đó chủ yếu là thông qua việc đứng tên của các cá nhân, tổ chức khác (vì lẽ đó mà các ngân hàng “tự tin” khẳng định bầu Kiên không liên quan đến đơn vị mình). Vốn chạy lòng vòng trong hệ thống, và đổ vào các công ty sân sau của các ông chủ. Mình bầu Kiên đã vậy, thử nghĩ hệ thống ngân hàng có nhiều bầu Kiên thì sao?
Thua lỗ vì kinh doanh vàng
Với nguồn tài chính quá lớn như đã phân tích ở trên, bầu Kiên bước vào lĩnh vực kinh doanh vàng từ tháng 11-2009, gồm cả kinh doanh vàng trạng thái ở nước ngoài và kinh doanh vàng trong nước. Tính đến tháng 7-2010, tức thời điểm phải đóng trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bầu Kiên giao dịch thông qua Công ty Thiên Nam tổng cộng (theo cáo trạng) 462.500 ounce, trị giá 512.915.325 đô la Mỹ (tương đương 9.796 tỉ đồng) và thua lỗ tổng cộng 413,67 tỉ đồng. Số tiền này ACB cho Thiên Nam nhận nợ đến năm 2015. Bên cạnh đó, kinh doanh vàng trong nước của ông Kiên cũng góp thêm khoản lỗ 19,66 tỉ đồng, nâng tổng mức lỗ trong kinh doanh vàng của ông lên 433,33 tỉ đồng. Tuy nhiên, ở một công ty khác là B&B, thông qua ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cho ACB, B&B đã thu được hơn 100 tỉ đồng tiền lãi. Nếu chỉ có kinh doanh vàng ở hai công ty này như cáo trạng đề cập, bầu Kiên lỗ tổng cộng khoảng 333 tỉ đồng.
Cố ý làm trái và gây hậu quả nghiêm trọng
Việc Hội đồng quản trị ACB ủy thác cho 19 nhân viên của mình gửi tiền vào VietinBank dẫn đến số tiền 718 tỉ đồng chưa thể thu hồi đã được xét xử phiên sơ thẩm ở vụ án của Huỳnh Thị Huyền Như. Ở vụ xử tới đây, bầu Kiên và các cựu lãnh đạo của ACB bị truy tố về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể đó là ủy thác “trái pháp luật” theo điều 106 Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Có hai điều cần bàn liên quan đến hành vi này. Thứ nhất, về phần cố ý làm trái. Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng 2010 chỉ có một điều khoản duy nhất cho phép các ngân hàng thương mại được quyền ủy thác theo quy định của NHNN. Có thể hiểu quy định hiện hành của NHNN là Thông tư số 04/2012/TT-NHNN ngày 8-3-2012, nhưng việc ủy thác của ACB đã diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9-2011. Trước khi có Thông tư 04, NHNN chỉ ban hành quy định về ủy thác cho vay (Quyết định 742/2002/QĐ-NHNN ngày 17-7-2002).
Thứ hai, đó là “gây hậu quả nghiêm trọng”, cụ thể ở đây là việc chưa thu hồi được số tiền 718 tỉ đồng. Trong cáo trạng vụ bầu Kiên, Viện Kiểm sát đã nhận định “toàn bộ số tiền gửi đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TPHCM) sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB”. Rõ ràng có sự “thống nhất” về cách nhận định của Viện Kiểm sát trong hai vụ án khác nhau về cùng vấn đề này, và cách nhận định này được sử dụng để làm cơ sở xác định tội danh cho các lãnh đạo của ACB. Đối tượng bị thiệt hại là ACB, và Huyền Như là người chiếm đoạt chứ không phải nghĩa vụ trả nợ thuộc về VietinBank.
Tuy nhiên, vụ án Huyền Như mới chỉ xử sơ thẩm, chưa có kết quả cuối cùng thì chưa thể xác định ai có trách nhiệm hoàn trả số tiền này. Ngay cả trong trường hợp kết quả cuối cùng là Huyền Như phải hoàn trả cho ACB chứ không phải VietinBank, thì số tiền thất thoát cũng chưa thể xác định một cách chính xác là bao nhiêu.
Vậy cơ sở để truy tố các lãnh đạo ACB theo tội danh này, xem chừng rất mong manh. Thôi thì cứ xử, rồi chờ phiên phúc thẩm chăng?
(Theo TBKTSG)