Dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ tăng thêm quyền lực cho ông ta. Bởi lẽ nó làm tăng tính chính danh cho chủ tịch và hệ quả logic là tăng thêm quyền lực và hiệu quả quản lý, điều hành.
>> Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng
>> Thị trưởng: Quyền to nhưng phải dám từ chức
Chính quyền địa phương tổ chức như thế nào đang là vấn đề "rối" nhất trong việc soạn thảo Hiến pháp sửa đổi khi mà thực tiễn thực hiện quyền lực Nhà nước ở địa phương thời gian qua đang đặt ra hàng loạt vấn đề đòi hỏi giải quyết.
Nhiều người cho rằng Hiến pháp sửa đổi về chính quyền địa phương chưa đạt yêu cầu và chưa cho thấy đột phá. Nhưng dân bầu trực tiếp chủ tịch xã là bước đột phá trong việc cải cách chính quyền địa phương?
Nhìn từ lịch sử
Làng xã Việt Nam luôn đem đến cho người ta nhiều điều thú vị khi nhìn nhận nó ở tất cả các phương diện, trong đó có việc tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước. Trong nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam ngay cả thời Bắc thuộc, thì làng xã vẫn có sự độc lập tương đối với chính quyền trung ương.
Nói cách khác chính quyền phong kiến ở trung ương dù mạnh đến đâu cũng có sự "dè chừng" nhất định khi can thiệp vào công việc của làng xã.
Điều ngạc nhiên đầu tiên đó là những người đứng đầu cấp làng, xã đều do dân trực tiếp bầu và bầu trong số cư dân của làng xã đó chứ không do quan trên bổ nhiệm và từ nơi khác.
Điều này có thể lý giải bởi đặc điểm làng xã Việt Nam. Đó là đơn vị lãnh thổ có đầy đủ yếu tố để độc lập. Làng xã có cơ sở kinh tế- ruộng đất làng. Có luật lệ riêng, đó là các lệ làng hương ước mà phép vua cũng phải thua. Có ranh giới rõ ràng, đó là các lũy tre làng. Có không gian sinh hoạt văn hóa riêng là các đình làng, bến nước, chợ và chằng chịt các quan hệ về dòng họ
Nếu gạt bỏ những hạn chế mang tính lịch sử, chính trị thì việc quản lý làng xã thời phong kiến cũng như xử lý mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, có thể để lại nhiều kinh nghiệm hay cho hôm nay.
Ảnh minh họa |
Cái lợi của dân chủ trực tiếp
Có một quy luật trong việc thực hiện quyền lực. Đó là ở đâu, khi nào một chức vụ nào đó trong bộ máy công quyền do dân trực tiếp bầu, thì chức vụ đó đem đến quyền lực mạnh hơn so với bầu gián tiếp. Điều này có thể minh chứng bằng việc so sánh chế định Tổng thống Hoa Kỳ với các tổng thống không do dân bầu trực tiếp.
Chính vì vậy, dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ tăng thêm quyền lực cho ông ta. Bởi lẽ nó làm tăng tính chính danh cho chủ tịch và hệ quả logic là tăng thêm quyền lực và hiệu quả quản lý, điều hành. Khi được dân trực tiếp và tự nguyện trao gửi quyền lực thì tất nhiên việc họ tuân thủ quyền lực đó cũng tự giác hơn. Rất thuận lợi cho lãnh đạo và điều hành của chủ tịch xã
Đồng thời dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ tạo điều kiện cho dân chúng trực tiếp thể hiện ý chí trong việc lựa chọn người đứng đầu. Thường thì dân lựa chọn ít khi sai. Nếu có sai họ sẽ có cơ hội sửa sai bằng chế độ nhiệm kỳ chủ tịch xã, bằng hàng loạt các cơ chế giám sát trực tiếp cũng như gián tiếp.
Nhìn một cách trực quan, các cụ ngày xưa chỉ cần một ông lý trưởng, vài ông phó lý, chục ông trương tuần....mà quan lý một xã răm rắp theo kỷ cương. Trong khi đó, chính quyền cấp xã hiện nay tương đối nhiều người, sao dân vẫn kêu? Đó bởi số lượng hay chất lượng? Hay là cả hai?
Chúng ta thừa nhận hiệu quả của dân chủ trực tiếp và không thực hiện được dân chủ trực tiếp ở cấp cao hơn vì nhiều lý do. Nhưng trong phạm vi một xã, người dân hoàn toàn có đủ thông tin và đủ sức trực tiếp người đứng đầu hàng xã.
Còn đó những băn khoăn
Vướng mắc đầu tiên khiến nhiều người băn khoăn, đó chính là để dân bầu chủ tịch xã sẽ rất có thể vi phạm nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước. Đó là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Ý Đảng và lòng dân gặp nhau, nhưng không thể không đề phòng có độ vênh nào đó. Bởi lẽ không loại trừ trường hợp người dân bầu một ông không phải trong cấp ủy, thậm chí không phải là đảng viên làm chủ tịch thì giải quyết thế nào giữa một bên là nguyên tắc một bên là sự lựa chọn của nhân dân?
Thứ hai, đó là để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ phải minh định mối quan hệ giữa cấp xã và cấp trên xã xung quanh cái ghế của ông chủ tịch. Dân bầu thì dân có quyền miễn nhiệm hay cấp trên có quyền đó khi ông chủ tịch không xứng đáng? Giả sử có xung đột quan điểm thì giải quuyết thế thế nào? Bên cạnh đó dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ có những hạn chế của dân chủ trực tiếp nói chung đó là- số đông vẫn có thể sai.
Gợi mở những giải pháp
Lịch sử có một ông vua vì muốn tập trung quyền lực vào nhà nước trung ương đã ra sức "công phá" vào lũy tre làng. Đó là ông cua Lê Thánh Tông mà ngày nay, khi nhắc đến công cuộc này, người ta gọi là cải cách Lê Thánh Tông.
Để hạn chế quyền lực cấp xã, vua Lê Thánh Tông đã có hàng loạt cải cách mềm dẻo mà kiên quyết như: Vẫn để xã bầu trực tiếp lý trưởng nhưng phải theo tiêu chuẩn của nhà nước. Làng có thể lập hương ước hay lệ làng nhưng không trái luật của vua.....
Điều này cũng đã được thể hiện trong... đề án của Bộ Nội vụ về việc dân bầu chủ tịch xã, bằng những giải pháp cụ thể, được trình Quốc hội đã khá lâu. Ví dụ cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn ứng cử, cũng xác định mối quan hệ giữa chủ tịch xã và hội đồng nhân dân và cơ quan cấp trên....
Theo chúng tôi đây là đề án khá hay nếu chúng ta khởi động lại việc để dân bầu chủ tịch xã.
Dân chủ trực tiếp là bước tiến về sinh hoạt đời sống cộng đồng. Nhưng muốn thành công, việc thực hiện chủ trương này cần nhiều điều kiện, từ quyết tâm chính trị đến cơ chế pháp lý và tổ chức thực hiện, đặc biệt là cơ sở Hiến định. Để tránh tình trạng vi hiến mà lâu nay chúng ta vẫn mắc phải, ví như làm thí điểm những việc Hiến pháp không quy định, như thí điểm bỏ HDND cấp quận, huyện phường.
Thực hiện dân chủ trực tiếp nói chung và bầu trực tiếp chủ tịch xã nói riêng, chắc chắn sẽ thành công khi Nhà nước tin ở dân!
Đinh Thế Hưng
(Viện nhà nước và Pháp luật- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)