- Tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội Đảng XI sáng nay, ông Trần Lưu Hải, Phó Ban Tổ chức TƯ cho biết, trong Điều lệ Đảng khóa X chưa đề cập đến việc Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư nhưng nếu đa số đại biểu tham dự yêu cầu thì Đại hội sẽ tiến hành bầu.

>> Nghĩ về bầu Tổng Bí thư trong Đại hội XI

Ông Hải nói thêm, do chưa có quy định trong Điều lệ Đảng khóa X nên hơn một năm qua, Ban Tổ chức TƯ đã từng bước thực hiện thí điểm từ cơ sở việc bầu trực tiếp Bí thư và ban Thường vụ tại đại hội.

Họp báo trước thềm Đại hội Đảng XI. Ảnh: Hoàng Long
Trong năm 2010, đã có 10 địa phương thực hiện bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy. Theo ông Hải, kết quả bước đầu của việc thí điểm này khá tốt, được dư luận đồng tình. Ban Tổ chức TƯ đã báo cáo với Ban Chấp hành TƯ khóa X để tổng kết và nhân rộng ra trong nhiệm kỳ tới.

Phó Ban Tổ chức TƯ cũng thông báo, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, 71 tuổi, sẽ không tham gia vào Ban chấp hành nhiệm kỳ tới do đã nắm giữ vị trí Tổng Bí thư 2 nhiệm kỳ.

Số dư hợp lý để rộng đường lựa chọn

Liên quan đến vấn đề nhân sự, ông Nguyễn Bắc Son, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho hay, “Đại hội XI sẽ tiến hành bầu ra Ban Chấp hành TƯ khóa mới là những đại biểu ưu tú trong Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có uy tín trong Đảng, trong xã hội, có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh; có khả năng đoàn kết, quy tụ, có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Ban chấp hành TƯ khóa mới sẽ có ít nhất 1/3 nhân sự mới, ưu tiên hợp lý tỉ lệ người trẻ, cán bộ nữ và đội ngũ nghiên cứu khoa học bảo đảm có tính kế thừa, có 3 độ tuổi dưới 50, dưới 60 và trên 61.

Số nhân sự giới thiệu vào Ban chấp hành TƯ khóa mới sẽ có số dư ít nhất 15% để Đại hội rộng đường lựa chọn, ông Son nhấn mạnh.

Đổi mới chính trị có bước đi phù hợp

Phóng viên Financial Times hỏi: Liệu Vinashin có được thảo luận tại Đại hội lần này không? Ông Sa Nhật Hòa, Ban  Kiểm tra TƯ trả lời: Vấn đề Vinashin đã được các cơ quan chức năng xem xét xử lý nên đây không phải là chủ đề tại Đại hội lần này. Còn trong các phiên thảo luận dự thảo văn kiện, Vinashin có được nêu ra hay không là tùy thuộc vào đại biểu.

Trước những ý kiến góp ý của một số nhà lãnh đạo lão thành gần đây về yêu cầu phải đổi mới toàn diện, triệt để cả kinh tế và chính trị, ông Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ cho hay: Quan điểm và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là tiến hành công cuộc Đổi mới một cách toàn diện. Tuy nhiên, Đảng chủ trương đổi mới kinh tế đi trước một bước, đổi mới chính trị có bước đi phù hợp, với mục tiêu đảm bảo ổn định chính trị.

Định hướng đổi mới chính trị trong thời gian tới sẽ tập trung vào đổi  mới hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả họat động của hệ thống chính trị, đảm bảo dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường năng lực và hiệu năng chỉ đạo của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc…

Trả lời câu hỏi của phóng viên AFP liệu khi tiếp tục đổi mới chính trị, Việt Nam có tính tới đa nguyên, đa đảng, ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định: “Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Bởi một lẽ đơn giản, chúng tôi đã từng thử nghiệm đa nguyên đa đảng thông qua cuộc tổng tuyển cử năm 46, với nhiều đảng tham gia Quốc hội. Nhưng đến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước tôi thì chỉ có Đảng Cộng sản cùng với nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại và giành thắng lợi trước thực dân Pháp. Và nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc vào ngày 12/1 và kéo dài tới ngày 19/1. Tham dự Đại hội có 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng.

Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Việt Nam là đại hội thường kỳ 5 năm họp một lần. Tuy nhiên, đây cũng là Đại hội có vai trò và sứ mệnh lịch sử to lớn: đại hội mở đầu cho thập niên thứ 2 của thế kỷ 21. Tại đại hội này, Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở nhìn lại 80 năm ra đời và trưởng thành, căn cứ tình hình trong nước và quốc tế sẽ thảo luận, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Báo cáo chính trị của Ban chấp hành TƯ khóa X trình Đại hội XI, thảo luận, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020…

Chủ đề của Đại hội XI là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

  • Thảo Lam