Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ
Năm 2020, thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), kinh tế toàn cầu bị ghi nhận rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm tới gần 4%; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh chung ảm đạm đó, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới, với GDP tăng so với năm trước; là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công trong năm 2020.
IMF dự báo, kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt GDP tăng 6,5 %. World Bank nhận định triển vọng của Việt Nam tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%.
Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài sáng giá. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là một nền tảng vững chắc, giúp nâng cao thu nhập cho toàn xã hội, và từng bước tạo ra xu thế tiêu dùng những mặt hàng cao cấp nhất. Báo cáo Thịnh vượng 2020 (The Wealth Report 2020) của Công ty tư vấn Knight Frank cho thấy, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam tiếp tục tăng nhanh. Cũng theo số liệu từ Knight Frank, Việt Nam đã có 458 người với giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên (tương đương khoảng 700 tỉ đồng), tăng 7% so với 1 năm trước.
Nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ ở Việt Nam tăng
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và sự xuất hiện của tầng lớp giàu có ngày càng tăng, nhu cầu tiêu dùng hàng siêu sang cũng tăng tỷ lệ thuận.
Trước kia, người Việt Nam muốn mua hàng hiệu xa xỉ như: túi xách, quần áo, giày dép, mỹ phẩm… phải sang các nước lân cận như: Thái Lan, Singapore, Hong-Kong… Thì những năm gần đây, các nhãn hàng xa xỉ đã mở các cửa hàng chính thức ở thành phố lớn. Bây giờ, không khó để người tiêu dùng sành điệu tìm mua sản phẩm tại cửa hàng chính hãng: Hermès, Louis Vuitton, Chanel, Burberry, Rolex... tại các trung tâm thương mại lớn hay ở những khách sạn 5 sao.
Ở Hà Nội, đầu năm nay, Savills ghi nhận sự quan tâm lớn của các nhãn hàng xa xỉ tới thị trường Việt Nam. Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, sự hiện diện gần đây nhất của Tập đoàn LVMH với 2 cửa hàng Louis Vuitton và Christian Dior tại khu vực Tràng Tiền là dấu hiệu đáng mừng về niềm tin các nhãn hàng dành cho thị trường Việt Nam.
Ngoài những mặt hàng tiêu dùng, may mặc xa xỉ, nhiều năm nay, tại những thành phố lớn, không quá hiếm thấy trên đường phố những dòng xe siêu sang (ultra-luxury) như: Bentleys, Rolls-Royce, Maybach, Porsche, Ferrari…
BĐS hàng hiệu - lựa chọn mới của giới siêu giàu
Ngoài xe hơi, một trong những mặt hàng nằm trong xu thế ultra-luxury được “săn đón” là BĐS. Theo số liệu của Knight Frank, trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu, BĐS đang chiếm vị trí đầu bảng với 27%, theo sau là cổ phiếu (23%), trái phiếu (17%), đồ sưu tập (5%), vàng/đá quý (3%), tiền kỹ thuật số (1%).
Ngày nay, chân dung của người mua BĐS không chỉ được phác họa bởi những căn hộ có giá trị lớn về mặt giá trị tiền bạc; mà còn nằm ở cộng đồng cư dân văn minh, là những công dân toàn cầu. Ở nhiều thành phố trên thế giới, một cộng đồng với những giá trị sống riêng biệt đã hình thành với từng dự án khác nhau, các cộng đồng này có thể là trong một khu vực hay đơn giản là một tòa nhà có thương hiệu. Tại Dubai có Palm Island Villas; Hong Kong có: The Peak, Deep Water Bay; London có One Hype Park; hay khu Sagaponack - “ngôi làng” biệt thự triệu đô tại Mỹ… đều được biết đến là nơi sinh sống của những người thành đạt, có vị trí cao trong xã hội.
Hiện tại, theo xu thế chung trên thế giới, dòng ultra-luxury của bất động sản chính là branded-residences (bất động sản hàng hiệu). Branded-residences được hiểu là 1 dự án nhà ở được thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn chất lượng của 1 thương hiệu siêu sang, thường là từ một thương hiệu khách sạn. Cư dân sống trong 1 tòa nhà branded-residences đồng nghĩa với việc họ tận hưởng mọi dịch vụ siêu sang như đang trong khách sạn từ 5 sao trở lên.
Hà Chi