“Thấy cháu bị tiêu chảy nhiều ngày không dứt, bà cho ăn một mẩu nhỏ sái thuốc phiện để bé “chắc dạ”, không ngờ chỉ sau một tiếng đồng hồ, bé trở nên khó thở, tím tái, li bì…”, ThS-BS Ngô Anh Vinh kể.

Gắn bó nhiều năm ở khoa Cấp cứu- Chống độc của BV Nhi Trung ương, ThS-BS Ngô Anh Vinh cho biết: “Trường hợp trẻ nhập viện do ngộ độc thuốc tại khoa Cấp cứu là khá thường gặp. Có một số bố mẹ khi thấy con sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy… đã tự ý cho con uống thuốc thay vì đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh mà không lường hết hậu quả.

Bên cạnh đó, 1 số trường hợp trẻ uống nhầm thuốc do sự bất cẩn của người lớn cũng là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả thương tâm cho trẻ.

{keywords}
ThS - BS Ngô Anh Vinh Khoa Cấp cứu Chống độc - BV Nhi TW.

Nói về những trường hợp trẻ nhập viện do việc tự ý cho trẻ uống thuốc, bác sĩ Vinh nhớ lại: “Cách đây hơn một năm, trong ca trực, tôi và đồng nghiệp tiếp nhận trường hợp cháu 4 tháng tuổi vào viện trong tình trạng khó thở, tím tái, hạ thân nhiệt, hôn mê và có cơn ngừng thở. Sau khi thăm khám, cháu được chẩn đoán là suy hô hấp, hôn mê, hạ thân nhiệt trên tình trạng tiêu chảy kéo dài.

Bác sĩ hỏi người nhà xem ở nhà có cho trẻ ăn uống gì đặc biệt không thì ông cháu mới cho biết bé được bà cho ăn một ít sái thuốc phiện để điều trị tình trạng tiêu chảy kéo dài.

“Bé bị tím tái, ngừng thở là do thành phần thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp làm trẻ ngừng thở” - bác sĩ Vinh giải thích.

Cũng theo bác sĩ Vinh, trên thực tế việc dùng sái thuốc phiện để điều trị bệnh vẫn còn xảy ra ở các gia đình vùng nông thôn và miền núi. Người dân vẫn còn lưu truyền tập quán dùng mẹo để chữa một số bệnh, phổ biến nhất là các chứng đau bụng và tiêu chảy. 

Ngoài ra cũng có một số trường hợp trẻ suy hô hấp sau khi bú mẹ do mẹ ăn sái thuốc phiện để điều trị bệnh cho con. Đây là những quan niệm vô cùng lạc hậu và tất cả những trường hợp trên đều gây những tác hại vô cùng nguy hiểm cho trẻ. 

Thậm chí trẻ có thể tử vong. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã khuyến cáo nhiều nhưng tình trạng bệnh nhi nhập viện do bố mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc vẫn còn xảy ra.

{keywords}

ThS - BS Ngô Anh Vinh trong ca trực tại Khoa Cấp cứu Chống độc - BV Nhi TW.

Cũng kể về câu chuyện trẻ bị ngộ độc do uống nhầm thuốc, ThS-BS Ngô Anh Vinh không quên trường hợp bé 2 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi kích thích trẻ không đáp ứng do uống nhầm thuốc an thần của ông.

Khi hỏi kỹ gia đình mới biết, hôm đó bố mẹ cháu đi vắng nên để cháu ở nhà chơi với ông ngọai. Thấy lọ thuốc để ngay đầu giường chưa được đậy nắp, cháu lại tưởng hộp kẹo nên cầm lên uống mấy viên. Khoảng 1 giờ sau khi uống thuốc, cháu rơi vào trạng thái lơ mơ, li bì, vã mồ hôi, chân tay lạnh nên gia đình vội đưa cháu đến BV Nhi Trung ương.

ThS-BS Vinh cũng khuyến cáo: “Có một số loại thuốc an thần mà người lớn sử dụng để điều trị một số bệnh về thần kinh lại rất nguy hiểm khi để trẻ uống nhầm. Vì ở trẻ em hệ thống thần kinh chưa phát triển đầy đủ nên có thể bị những biến chứng nguy hiểm như hôn mê hoặc suy hô hấp khi uống nhầm những loại thuốc này.

Dấu hiệu để có thể nghĩ tới trẻ có bị ngộ độc do uống nhầm thuốc là bố mẹ phát hiện xung quanh trẻ có những vỉ thuốc dở dang, những bao đựng thuốc bột bị xé hoặc những chai đựng thuốc của người lớn bị văng tung tóe, bên cạnh đó trẻ sẽ có những biểu hiện do bị ngộ độc thuốc. 

Bác sĩ Vinh hướng dẫn, trước khi đưa cháu đến bệnh viện, bố mẹ trẻ cần xác định xem trẻ đã uống nhầm loại thuốc gì, có nhãn mác hay không, liều lượng bao nhiêu. Phụ huynh cần mang theo mẫu thuốc hoặc chai lọ đựng thuốc mà trẻ đã uống để cho bác sĩ biết. 

Điều này sẽ giúp bác sỹ xác định chính xác loại thuốc trẻ bị ngộ độc và điều trị tích cực bằng những biện pháp giải độc phù hợp. Ngoài ra với những thuốc của người lớn nên cất giữ ở tủ thuốc có khoá cẩn thận để trẻ không tiếp xúc được và tránh được những hậu quả đau lòng

Minh Anh - Minh Giang