Thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk sáng nay cho biết, đến thời điểm hiện tại thống kê có 35 trường hợp nghi nhiễm bạch hầu đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện.
Theo đó, có 10 trường hợp điều trị tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên; 21 trường hợp được điều trị tại BV Đa khoa huyện Cư M’gar.
Đoàn công tác Cục Y tế dự phòng thăm hỏi những bệnh nhân nghi nhiễm bạch hầu đang điều trị tại BV Đa khoa huyện Cư M'gar |
Đặc biệt, có 4 trường hợp được xác định dương tính với bạch hầu, trong đó 1 trường hợp đã tử vong là cháu H’Si Yan (6 tuổi, trú xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar).
Theo báo cáo của ngành y tế Đắk Lắk, trong số 4 trường hợp dương tính bạch hầu, 3 trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, 1 trường hợp đã tử vong chỉ tiêm 1 mũi.
Đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng do Cục trưởng Trần Đắc Phu dẫn đầu cũng đã làm việc với ngành y tế Đắk Lắk để nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó với dịch.
Đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng dịch tại buôn H’Ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar (nơi khởi phát dịch); tại 2 BV Đa khoa huyện Cư M’gar và BV Đa khoa vùng Tây Nguyên (có bệnh nhân điều trị).
Một bé gái đang được cách ly điều trị do nghi nhiễm bạch hầu |
Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước.
Từ khi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh chỉ xuất hiện lác đác vài trường hợp với những người chưa được tiêm văc xin phòng bệnh hoặc tiêm nhưng không đủ liều.
Theo ông Trần Đắc Phu, hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Theo thống kê, có 35 trường hợp nghi nhiễm bạch hầu đang được cách ly điều trị tại bệnh viện |
“Các bệnh được dự phòng bởi vắc xin 6 trong 1 hay 5 trong 1 được khuyến cáo tiêm cho trẻ nhỏ, bao gồm 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não do Hib, viêm gan B, sốt bại liệt (với loại 5 trong 1 sẽ có 1 trong 2 vắc xin ngừa viêm gan B hoặc sốt bại liệt tùy chủng loại).
Nếu tiêm đúng và đủ vắc xin này, phụ huynh có thể yên tâm trẻ sẽ có miễn dịch suốt đời với bạch hầu. Đối với người lớn, nếu trước đây đã tiêm đủ mũi 3 trong 1 thì cũng được miễn dịch suốt đời” – ông Trần Đắc Phu cho biết.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thăm hỏi người dân đang điều trị tại bệnh viện |
Như VietNamNet đã thông tin, ngày 29/8, bệnh nhân H’Si Yan (6 tuổi) được đưa vào BV Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu cứu trong tình trạng thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu.
Bệnh nhân sau đó chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Đến rạng sáng hôm sau, bệnh nhân tử vong.
Ngay khi phát hiện dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar tiến hành điều tra tại khu vực phát hiện ổ dịch để xác định các ca bệnh, đồng thời nhanh chóng tiến hành việc cách ly, sát trùng và cấp dự phòng thuốc kháng sinh cho người dân.
Đoàn công tác Cục Y tế dự phòng kiểm tra tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên |
Ngành Y tế Đắk Lắk đã nhập 10.000 cơ số thuốc đặc trị phòng bệnh bạch hầu để phát cho người dân trong vùng và phục vụ công tác phòng chống lâu dài.
Đến thời điểm hiện tại, có gần 1000 người tại khu vực khởi phát dịch được cho uống kháng sinh phòng bạch hầu với số lượng hơn 15 nghìn viên.
Mời xem video:
Bé gái tử vong nghi mắc bạch hầu, 11 người đi đám tang nhập viện điều trị
Bé gái 6 tuổi ở Đắk Lắk tử vong nghi do mắc bạch hầu, 11 người đến dự đám tang cũng xuất hiện sốt phải nhập viện điều trị.
Trùng Dương