Chỉ mất vài phút trên YouTube để tìm ra quảng cáo của nhãn hàng lớn nào đó đặt cạnh các video có nội dung cực đoan và phân biệt chủng tộc. Dù vấn đề đã tồn tại khá lâu, làn sóng tẩy chay trên toàn cầu mới đây gây sự chú ý. Nay đến lượt nước Úc với các hãng Telstra và Foxtel “bỏ chạy” khỏi YouTube. Theo Fairfax Media, chi nhánh của Vodafone và Nestle tại Úc cũng gia nhập làn sóng này.

Phát ngôn viên công ty truyền hình cáp Foxtel cho biết công ty đang tích cực liên hệ với Google để bảo đảm quảng cáo của họ không chạy kế bên các video xấu, tuy nhiên công ty vẫn đóng băng hoạt động quảng cáo trên nền tảng cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Trừ quảng cáo tìm kiếm, Vodafone rút quảng cáo trên mọi tài sản khác của Google. Công ty viễn thông đang làm việc với Google và các đại lý để tìm ra cách tiếp cận mới, an toàn hơn.

Đại diện Telstra xác nhận quảng cáo YouTube bị trì hoãn cho đến khi “chúng tôi thỏa mãn với mức độ bảo vệ hợp lý cho nhãn hiệu”.

Bê bối quảng cáo YouTube bắt nguồn từ Anh sau khi công ty mẹ Google xuất hiện trước các nhà lập pháp nước này để giải trình về việc các quảng cáo của BBC và công ty du lịch có mặt bên cạnh các video phân biệt chủng tộc. Chính phủ Anh đã rút quảng cáo, tiếp đó là hàng loạt nhãn hàng lớn như tờ The Guardian, L’Oreal và Honda.

Câu chuyện được quan tâm hơn sau khi tờ The Times tìm thấy các video quảng cáo Mercedes Benz và Marie Curie bên cạnh video YouTube cực đoan. Theo họ, nó đồng nghĩa với các nhãn hàng “vô tình gây quỹ cho những kẻ Hồi giáo cực đoan, người đề cao thuyết Da trắng thượng đẳng và nhiếp ảnh gia khiêu dâm”.

Google không bình luận về từng video nhưng cho biết đang tiến hành điều tra toàn diện chính sách quảng cáo. Tình huống mà Google gặp phải phần nào chỉ ra sự thất bại của phần mềm đặt quảng cáo tự động mà Google cùng Facebook hay các công ty khác đang áp dụng.