Năm 2014, một tiến sĩ Sử học giảng dạy ở Trường ĐH Hạ Môn (Trung Quốc) bị cáo buộc có hành vi dụ dỗ các nữ sinh bằng tin nhắn. Trong đó, vị tiến sĩ này mời gọi nữ sinh tới khách sạn và lời hứa hẹn về điểm số.

China Daily cho biết ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, chủ nhiệm khoa Sử của trường đã chấm dứt hợp đồng làm việc với thầy giáo trên. Tiến sĩ này nghỉ việc cũng đặt dấu chấm cho vô số câu hỏi chưa được giải đáp về vấn đề bê bối tình dục học đường.

Những vụ xâm hại tới từ tin nhắn

Korea Herald cho biết cuối năm 2018, một giáo viên nữ 32 tuổi của trường trung học đã bị cảnh sát bắt giữ khi quan hệ tình dục với học sinh nam 12 tuổi. Cảnh sát Gyeongnam nhận được tin báo từ gia đình nam sinh này. Cha mẹ cậu bàng hoàng khi nhìn thấy những tấm ảnh khỏa thân của cô giáo được lưu trong điện thoại con trai.

Bê bối tình dục học đường sau những tin nhắn 'gạ tình' của thầy cô
Hình minh hoạ về hiện tượng thầy cô "gạ gẫm" học sinh

“Nữ giáo viên thừa nhận thường nhắn tin tình cảm cho học sinh nam này trước khi họ chính thức hẹn hò bí mật. Hai người đều khẳng định mối quan hệ là tự nguyện”, cảnh sát cho biết.

Ở Hàn Quốc, sex với trẻ thành niên dưới 13 tuổi là vi phạm pháp luật. Nữ giáo viên bị đuổi việc, đồng thời chịu án tù từ tòa án.

Một chuyên gia tâm lý Hàn Quốc thừa nhận áp lực quá lớn về kết quả học tập của quốc gia này là một trong những nguyên nhân tạo ra vô số giáo viên biến chất.

Ở đó, thông thường, các em học sinh sợ hãi nếu phải nói không và nhận điểm số kém. Những nạn nhân bị gạ tình, quấy rối hay xâm hại tình dục thường mất nhiều năm mới dám kể sự thật. Quốc gia thoáng như Mỹ cũng không ngoài quy luật trên.

CNN từng gây xôn xao khi đăng tin một giáo viên nữ dâm ô, tấn công tình dục đồng tính học trò.

Vụ việc chỉ bị phanh phui khi Jamie, một nạn nhân, lên tiếng tố cáo.

Tôi 28 tuổi và đã chờ 16 năm để có thể nói những gì tôi che giấu. Tôi bị quấy rối, lạm dụng tình dục trong nhiều năm bởi chính cô giáo của mình. Dù quá muộn, tôi vẫn muốn lên tiếng để không còn ai giống như tôi nữa”, Jamie nói.

Jamie đưa ra bằng chứng là đoạn video trò chuyện với cô giáo cũ qua điện thoại.

- Cô còn nhớ đã tấn công tôi như thế nào và khiến tôi đau khổ ra sao hay không?

- Tôi nhớ và tôi rất tiếc vì những điều đó.

- Cô nên xấu hổ, tự chỉ trích mình vì những gì đã xảy ra.

- Tôi đã, đang làm như thế.

Chỉ vài tiếng sau bài báo, nữ giáo viên đã bị đuổi việc. Cảnh sát California (Mỹ) mở cuộc điều tra.

Tháng 3/2018, nước Mỹ tiếp tục tranh cãi với vụ việc giáo viên Brtitany Zamora nhắn tin sex và quan hệ tình ái với học sinh 14 tuổi. Nhà chức trách mỹ bắt Zamora chờ điều tra. Trong lúc đó, chồng và con cô đều hy vọng tất cả chỉ là sự hiểu nhầm.

Từ những tin nhắn mời gọi ban đầu đến tội ác tình dục dường như là chỉ cách nhau gang tấc. Khi phụ huynh phát hiện, mọi chuyện thường đi quá xa.

Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á, các trường học đang cố xây dựng những quy định nghiêm ngặt để tránh các mối quan hệ vượt rào.

Kiến nghị cấm chuyện tình cảm giáo viên và trò dưới mọi hình thức

Theo China Youth Daily, giáo sư Viện Công nghệ Bắc Kinh Nghiêm Di Minh trong buổi tọa đàm về tình cảm học đường tỏ ra rất gay gắt.

Ông nói: “Trong những năm gần đây, chúng ta nói quá nhiều về bê bối tình dục giữa giáo viên và học sinh ở các trường trung học, đại học Trung Quốc. Những bê bối phơi bày hết lần này tới lần khác sau khi phát sinh mâu thuẫn hoặc một trong hai phía cảm thấy bị lừa dối tình cảm hay chăng là gia đình tố giác”.

Ông Nghiêm Di Minh miêu tả đây là hành vi “vô đạo đức và cần cấm triệt để”.

Tân Hoa Xã cho biết tại Trung Quốc thời gian qua xuất hiện nhiều vụ việc thầy giáo hoặc cô giáo chủ động nhắn tin gạ tình, tán tỉnh học trò. Với cương vị nhà giáo, lại nhận được sự tôn trọng từ học trò, họ dễ dàng tiếp cận các cô cậu còn chưa đủ tuổi thành niên.

Phần lớn trường hợp, người nhắn tin che giấu cuộc hôn nhân của mình hoặc miêu tả về cuộc sống gia đình như địa ngục.

Câu chuyện qua lại của hai bên ban đầu là những lời hỏi han động viên trước khi trở nên trầm trọng.

“Chúng ta nên cấm tuyệt đối việc tồn tại tình yêu giữa giáo viên và học sinh, dưới mọi hình thức. Bao gồm những lời nhắn tin gạ gẫm hay hành vi quấy rối, xâm hại”, ông Nghiêm Di Minh nhấn mạnh.

Ông tin rằng đề xuất này nên được xem xét kỹ lưỡng với những lý do khách quan. Đầu tiên, giáo sư Viện Công nghệ Bắc Kinh nhận xét trẻ dưới 18 tuổi chưa trưởng thành về tinh thần và thể chất.

Thêm vào đó, chuyện tình cảm trong nhà trường ảnh hưởng tới yếu tố cạnh tranh công bằng. Công bằng lại là tôn chỉ đạo đức hàng đầu của giáo dục.

Nói một cách đơn giản hơn, các giáo viên này đang vi phạm các quy tắc tiêu chuẩn của đạo đức nghề nghiệp”, ông nói.

Mydaily cho hay vì “cấm ngầm” nên ở Hàn Quốc, giáo viên thường bị ép thôi việc nếu quan hệ tình cảm với học sinh.