Bé gái 2 tuổi ở Quảng Ninh được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, lơ mơ, môi chi tím tái, gồng cứng tay chân sau khi ngã vào bể nước ngọt của gia đình.
Ngày 5/1, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh thông tin vừa tiếp nhận, điều trị bé gái 2 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên thuộc tỉnh này, nhập viện cấp cứu sau khi bị ngã vào bể nước củagia đình.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, người trực tiếp tham gia cấp cứu cho bé, cho hay bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, lơ mơ, môi chi tím tái, gồng cứng tay chân; SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) 85% và tụt dần, ban xuất huyết dưới da rải rác đầu mặt.
Theo lời kể của gia đình, khi trẻ đang chơi thì bị rơi xuống bể nước ngọt tại gia đình. Sau khoảng vài phút, bé được vớt lên. Gia đình vội chuyển ngay bé đến trung tâm y tế xử trí thở oxy, ép tim, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Bác sĩ Linh cho hay bé được các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và các biện pháp điều trị tích cực.
Sau một giờ, trẻ qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn cải thiện dần, hai phổi thông khí được, môi hồng, chi ấm, SpO2 tăng lên 98%... Bé tiếp tục được chăm sóc, an thần, nuôi dưỡng qua catheter tĩnh mạch.
Được điều trị và chăm sóc tích cực, trẻ dần cai được máy, tự thở, dừng an thần. Đến ngày 5/1, các chỉ số sinh tồn, xét nghiệm của trẻ đều ổn định và được xuất viện.
Theo bác sĩ Linh, giờ vàng để sơ cứu nạn nhân đuối nước là khoảng từ 1-4 phút đầu tiên khi có cơn ngừng thở. Việc cấp cứu phải khẩn trương, đúng phương pháp, với mục đích là giải phóng đường thở và cung cấp oxy nhanh nhất cho nạn nhân.
"Nếu không kịp thời, trẻ dễ bị tổn thương não, suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim, rối loạn điện giải… thậm chí có thể tử vong hoặc rơi vào tình trạng sống thực vật", bác sĩ Linh cho hay.
Việc nên và không nên làm khi phát hiện người đuối nước
Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước (nếu được) hoặc nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước; quàng tay qua nách nạn nhân, nâng gáy và gọi thêm người hỗ trợ để đưa vào bờ.
Nếu nạn nhân ngưng tim, bất tỉnh hay lay gọi không đáp ứng, ngưng thở hoặc thở kiểu ngáp cá:
- Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc hỗ trợ từ cơ sở y tế gần nhất. Tiến hành hồi sinh tim phổi: ép tim ngoài lồng ngực (dùng hai tay chồng lên nhau đặt ở nửa dưới xương ức và ép với tần số khoảng 100-120 lần/phút) và hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt).
- Cần kiên trì sơ cứu cho nạn nhân. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim khoảng 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, giãy giụa hoặc nạn nhân vẫn còn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì cần chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế.
Nếu nạn nhân còn tỉnh và tự thở:
- Đặt nạn nhân nằm nơi khô ráo, cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp chăn hay tấm khăn khô.
- Đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu có nôn ói.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay cả khi nạn nhân trông bình thường hoặc đã hồi phục sau sơ cứu. Nguy cơ khó thở có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước, đặc biệt ở trẻ em.
Không nên xốc ngược vì biện pháp này chỉ có tác dụng khai thông vùng hầu họng và miệng nhưng làm tăng nguy cơ hít sặc và làm chậm thời gian cấp cứu.
Phòng ngừa đuối nước cho trẻ nhỏ
- Không để trẻ nhỏ ở nhà một mình và luôn quan sát các hoạt động trẻ
- Đậy kín các vật chứa nước trong nhà.
- Đảm bảo an toàn khi để trẻ chơi gần ao, hồ, sông…, nên luôn có người lớn đi theo.