Clip: Không còn người chăm sóc, ông ngoại đưa đứa cháu mồ côi theo đến công trường
Mồ côi “kép”
Tờ mờ sáng, ông Bùi Văn Chí (SN 1966, Quận 8, TP.HCM) nhẹ nhàng đánh thức đứa cháu ngoại tên Bùi Khả Hân (8 tuổi). Sáng nay, hai ông cháu phải đi làm phụ hồ mãi tận huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Cả hai phải dậy thật sớm để đi cho kịp giờ.
Vẫn đang ngái ngủ nhưng Hân không chút khó chịu. Bé ngồi dậy, đánh răng, rửa mặt rồi tự soạn sách vở vào chiếc ba lô cũ. Đúng 6h30 sáng, hai ông cháu xuất phát. Đến chợ Xóm Củi (Quận 8), ông Chí ghé vào quán quen mua một phần cơm để hai ông cháu lót dạ.
Từ ngày vợ và mẹ vợ mất vì dịch Covid-19, ông Chí phải một tay chăm sóc, nuôi nấng đứa cháu ngoại sớm chịu nhiều thiệt thòi. Mỗi khi đi làm xa, ông buộc phải chở bé Hân theo vì không còn ai trông cháu.
Ông Chí chở theo đứa cháu ngoại vượt hơn 20km đến chỗ làm việc. |
Mới đây, ông được một người quen nhận vào làm phụ hồ tại huyện Cần Giuộc. Đây là công việc vượt quá sức chịu đựng của cơ thể già cỗi, bị nhiều thứ bệnh tấn công như ông. Thế nhưng, giữa lúc thất nghiệp, bị chủ nhà trọ yêu cầu dọn đi, có người gọi đi làm, ông Chí mừng như bắt được vàng.
Bất chấp công việc cách xa phòng trọ mới đến hơn 20km, ông Chí vẫn vui vẻ đến làm. Ông cần tiền để trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng đứa cháu ngoại vừa mồ côi kép. Khi mới 2 tuổi, Khả Hân đã mất mẹ và cũng không biết cha mình là ai.
Ngày đứa con gái độc nhất của mình mang thai, ông Chí gặng hỏi tên tuổi cha đứa bé. Thế nhưng con gái ông chỉ khóc rồi giấu biệt. Thương con, vợ chồng ông không hỏi thêm, lặng lẽ chờ đợi ngày đứa bé chào đời.
Đến nơi, bé Hân ngồi một mình ở chiếc bàn do chủ nhà kê sẵn học online. |
Sinh con được 2 năm, con gái ông Chí lâm bạo bệnh rồi mất. Thương đứa cháu ngoại côi cút, vợ chồng ông Chí đưa bé lên TP.HCM làm thuê làm mướn mưu sinh. Không nghề nghiệp, ông nhận công việc bốc dỡ hàng tại một cửa hàng nội thất để nuôi cháu.
Đại dịch bùng lên, gia đình 4 người của ông Chí gồm vợ chồng ông, mẹ vợ và bé Hân đều nhiễm bệnh. Chỉ ít ngày sau khi cùng cháu ngoại nhập viện điều trị, ông nghe tin vợ và mẹ vợ qua đời.
Dù rất đau lòng nhưng ông cố gắng nuốt nước mắt vào trong, giấu không cho cháu ngoại biết. Ông tâm sự: “Tôi không dám buồn vì sợ Hân không chịu nổi. Nó đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi”.
“Từ ngày mẹ mất, bé ở với chúng tôi và xem ông bà ngoại như cha, mẹ của mình. Nếu biết một lúc mất luôn cả bà cố lẫn bà ngoại, tôi sợ cháu không chịu nổi, không có tinh thần vượt qua bệnh tật”, ông Chí nói thêm.
Trong khi đó, ông Chí nhanh chóng lao vào làm công việc phụ hồ của mình. |
Những ngày điều trị bệnh, Hân hồn nhiên trong lời nói dối “bà ngoại đang chữa bệnh nên chưa đến gặp con” của ông Chí. Sức khỏe tốt, tinh thần lạc quan, Hân vượt qua dịch bệnh trước ông ngoại của mình.
Ngày Hân được xuất viện, ông Chí vẫn phải ở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị. Không còn ai chăm cháu, ông gửi bé về quê cho người em gái của mình trông nom. Ngày chia tay, ông cháu lưu luyến chẳng nỡ rời. Ông phải nói mãi, Hân mới chịu lên xe, theo các tình nguyện viên về quê.
Dành phần đời còn lại nuôi cháu
Những ngày nằm trên giường bệnh, ông Chí nhớ cháu quay quắt. Được xuất viện, ông tìm cách về quê thăm cháu nhưng không được vì vướng lệnh giãn cách. Khi TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới, ông mừng rỡ, tức tốc chạy xe máy về quê.
Ông Chí nhất quyết đón bé Hân lên TP.HCM dù biết cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn. Nắn đôi chân ốm tong teo của đứa cháu ngoại, ông Chí xót xa: “Trước dịch, bé có cân có ký lắm vậy mà bây giờ ốm sọp đi như thế. Có lẽ bé không quen với cuộc sống ở quê và buồn vì biết tin mất thêm 2 người thân nên không chịu ăn uống”.
Ở tuổi 55, mang nhiều bệnh trong người, công việc phụ hồ dường như quá sức với ông Chí. |
Thương cháu, ông quyết đi làm để mua đồ ăn ngon, tẩm bổ cho Hân. Những ngày không có việc, dẫu phải nhịn ăn, ông Chí cũng cố gắng mua miếng thịt, khúc cá kho cho cháu. Những hôm đi làm xa, ông đành mua cơm hộp rồi nhường phần cơm canh ngon nhất cho Hân.
Suốt dọc đường đi, ông Chí cố gắng trò chuyện với Hân để bé bớt buồn, quên đi cảm giác mệt mỏi vì đường xa. Dù mới 8 tuổi, Hân đã biết thương ông ngoại. Bé không tỏ ra mệt mỏi, buồn chán mỗi khi phải theo ông đến công trường.
Ông Chí mong muốn có một công việc phù hợp với sức khỏe, tuổi tác để có tiền nuôi đứa cháu mồ côi. |
7h30 sáng, hai ông cháu Hân đến điểm làm việc. Rời xe, Hân ôm chiếc ba lô đựng chai nước, mấy cuốn vở đến cái bàn đặt ngoài sân của chủ nhà ngồi tạm. Trong khi đó, ông Chí vội vàng thay quần áo, lao vào xúc cát, bưng gạch, trộn hồ...
Biết ông ngoại phải làm việc cực nhọc, Hân ngồi lặng lẽ một mình. Đúng 9h, bé lấy chiếc điện thoại thông minh của bà ngoại để lại ra học online. Chốc chốc, bé lại nhìn ra phía con đường trải bê tông thẳng tắp xuyên qua những vạt hoa huỳnh liên nở vàng rực rỡ.
Bé muốn được đi dưới những tán hoa, chạy dọc con đường quê thơm hương lúa mới. Nhưng thấy ông ngoại lúi húi đẩy xe cát, trộn bê tông dưới tiết trời nắng nóng, Hân không còn ý định đi chơi nữa. Bé sợ ông ngoại lo lắng, bỏ việc đi tìm mình rồi bị chủ thầu la mắng.
Những lúc thấy ông Chí mệt, Hân thường chạy đến hỏi thăm và đưa nước cho ông uống. |
“Những ngày đầu theo ông ngoại, con cũng buồn lắm. Ngồi một chỗ hoài rất chán. Những lúc như thế, con lấy điện thoại ra xem hình mẹ và bà ngoại. Lâu lâu, con chạy đến chỗ ông ngoại đang làm chơi một chút rồi về lại chỗ cũ. Đến giờ học, con lấy điện thoại ra học bài”, Hân nói.
Những ngày này, ông Chí chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, Hân được đến trường trở lại. Ông sẽ đăng ký cho cháu ngoại học bán trú để yên tâm đi làm, kiếm tiền nuôi cháu ăn học.
“Hôm rồi, có một mạnh thường quân hứa sẽ xin cho tôi một công việc khác phù hợp với sức khỏe của tôi hơn. Tôi rất vui vì như thế sẽ có thêm sức kiếm tiền nuôi cháu. Hân đã không còn ai ngoài tôi nên tôi sẽ dành phần còn lại của đời mình để nuôi cháu”, ông Chí nói.
Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn
Bé gái mồ côi bịn rịn chia tay ông ở cổng bệnh viện dã chiến
Vì ông ngoại vẫn dương tính với Sars-Cov-2, bé gái 7 tuổi phải xuất viện một mình. Ngày rời bệnh viện, hai ông cháu bịn rịn, không chịu rời đi khiến nhiều người nghẹn ngào.