- Nếu xây bể ngầm chứa nước sinh hoạt không đảm bảo, gián, chuột xâm nhập vào và chết trong bể, người dân ăn nước đó có nguy cơ cao mắc các bệnh đường ruột, thậm chí là bệnh truyền nhiễm - các chuyên gia cảnh báo.

Bể nước ngầm... thành bẫy gián, chuột

Nước sinh hoạt thường xuyên bị thiếu, các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn phải xây bể ngầm ở dưới đất để dự trữ. Song, do bể nước ngầm được làm sơ sài, không kín nên tình trạng gián, chuột xâm nhập vào và chết đầy ở trong bể nước, nhất là bể tại những nhà hàng, quán ăn.

Về vấn đề này, GS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) từng cho biết, trường hợp gặp xương chuột dưới đáy khi vệ sinh, thau rửa bể nước không phải là hiếm ở những gia đình xây bể chứa nước ngầm hở (có nắp đậy). Bản thân TS Trần Hồng Côn đã từng chứng kiến khá nhiều bể nước hở có xương chuột dưới đáy bể mà gia chủ không biết, vẫn sử dụng nước ăn uống hàng ngày; hoặc nhiều bể chứa nước hở là nơi làm tổ cho gián, muỗi khi ông và cộng sự đi khảo sát một số bể nước ngầm ở Hà Nội.

{keywords}
Gián, chuột chết trong bể, gây ô nhiễm nguồn nước

Theo GS.TS Trần Hồng Côn, bể nước ngầm hở thường dễ trở thành chiếc bẫy chuột vì chỉ cần sa chân xuống bể, chuột có thể bị chết đuối và phân huỷ xác ngay trong bể nước. Xác chết của gián, chuột chính là nguyên nhân khiến nguồn nước trong bể bị nhiễm độc.

Một nguy cơ của bể chứa nước ngầm dưới lòng đất chính là bể nước bị thấm. Có hai dạng thấm là: thấm thuận (nước từ ngoài thấm vào) và thấm ngược (nước từ trong thấm ra). Trong đó, thấm thuận rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người sử dụng nước.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết, bể nước ngầm và bể phốt thường ngấm lẫn nhau.

Ông Thịnh giải thích, ở Hà Nội diện tích mặt bằng xây dựng rất chật hẹp, có khi bể chứa nước ngầm và bể phốt chỉ cách nhau vài gang tay. Trong khi đó, hầu hết các bể đều không thể chống thấm tuyệt đối, vì vậy, khi bể nước sinh hoạt bị thấm thuận sẽ thấm cả nước thải từ bể phốt. Do đó, nguồn nước sẽ nhiễm bẩn và nhiều chất độc hại. 

Dễ mắc bệnh đường ruột, bệnh truyền nhiễm

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, nước trong bể ngầm thường rất bẩn và có nguy cơ bị nhiễm độc cao.

{keywords}

Dùng nước bể ngầm có gián, chuột chết dễ mắc các bệnh về đường ruột, thậm chí còn mắc các bệnh truyền nhiễm. Do vậy, cần phải kiểm tra và thau rửa bể thường xuyên.

Bể chứa nước ngầm được xây dưới nền đất ẩm thấp, là nơi cư ngụ lý tưởng cho các loại chuột, gián, kiến, ký sinh trùng... Chúng bò qua còn đỡ chứ chúng lỡ rơi xuống và chết đuối như tình trạng chuột, gián chết trong bể nước thường thấy thì sẽ làm nguồn nước bị ô nhiễm.

Nói về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, PGS.TS Thịnh cho rằng, một cốc nước bình thường khi bị con ruồi rơi vào và chết còn phải đổ đi vì mất vệ sinh thì chuyện dùng nước có gián, chuột chết trong bể càng dễ mắc bệnh hơn.

“Nếu phát hiện sớm còn vớt được ra ngay, song, nhiều trường hợp không kiểm tra thường xuyên, chuột, gián chết lâu ngày rồi phân hủy, tan vào trong nước thì vô cùng nguy hiểm bởi chúng thường chứa nhiều bệnh dịch và là mầm mống phát tán những bệnh truyền nhiễm”, PGS.TS Thịnh nói.

Theo ông, nếu người dân vô tình ăn nước dưới bể ngầm có chứa gián, chuột chết đã bị phân hủy thì chuyện bị ngộ độc, bị các bệnh về đường ruột, tiêu chảy, thậm chí còn có nguy cơ cao mắc cả các bệnh truyền nhiễm.

“Nhiều khi người dân mắc bệnh mà không nghĩ tới nguyên nhân là do chính nguồn nước trong bể ngầm bị ô nhiễm gây ra nên họ cứ vô tư lấy nước đó đun làm nước uống, nước nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, bể ngầm vài năm mới được gia chủ vệ sinh, thau rửa một lần”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, người dân cần chú ý tới khâu vệ sinh, thau rửa bể theo định kỳ vài tháng một lần. Tuyệt đối không được dùng nước sát trùng. Trong trường hợp bể quá bẩn thì có thể dùng vôi bột để vệ sinh bể nước.

Riêng với trường hợp phát hiện trong bể chứa nước ngầm có tổ gián, tuyệt đối không được dùng thuốc diệt muỗi hay diệt gián phun vào thành bể vì thuốc này sẽ gây độc cho nguồn nước, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bảo Hân