- Sau khi vụ việc cháu Lê Minh Đức bị rơi từ tầng 9 chung cư No21 khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hà Nội) bị tử vong tại chỗ, một loạt các diễn đàn lại dậy sóng vì nhiều người xót thương cho cháu bé xấu số và hàng trăm người đang ở chung cư bắt đầu cảm thấy lo lắng…
Mổ xẻ nguyên nhân
Hàng nghìn comment được đưa lên mạng trong 2 ngày nay đa phần đều xót thương và cầu mong cho linh hồn bé Đức sớm được siêu thoát.
Nhiều người trách mẹ cháu bé bất
cẩn, để cháu ở nhà một mình. Nhiều ông bố, bà mẹ cho rằng, với trẻ dưới 6 tuổi
thì không thể cho cháu chơi một mình chứ đừng nói đến việc cháu phải ở nhà một
mình như vậy.
Chung cư No21, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm |
Thành viên có tên jasminh của một diễn đàn cho rằng: “Nói thật là lỗi của người lớn. Dù có ở nhà trông bé hay giao cho người giúp việc thì vẫn nên có biện pháp để đề phòng, ví dụ như làm lưới chắn hoặc lan can chắn cao hơn, hay khóa hẳn cửa lại”.
Một thành viên khác có tên là hoangsuti buồn bã: “Xin chia buồn với gia đình và hi vọng không bao giờ phải đọc những tin như thế này nữa. Ở nơi công cộng thì đã đành, còn ở nhà mình thì sau nhiều vụ xảy ra, thiết nghĩ từng gia đình phải có biện pháp tự bảo vệ để tránh xảy ra những mất mát quá lớn thế này”.
Đâu đâu cũng thấy những gia đình có trẻ nhỏ ngồi nói chuyện về cháu Đức, về nguyên nhân khiến cháu bị ngã.
Chị Hoàng Oanh (phố Vĩnh Hồ, Thái Thịnh) cho rằng, chị cũng đang phải trông 2 đứa con nhỏ một lúc, con lớn 5 tuổi, con nhỏ 3 tuổi, nhà cũng chỉ có một mình chị trông con cùng với người giúp việc vì chồng đi công tác liên tục.
Thế nhưng, một nguyên tắc bất di bất dịch của gia đình là cả 2 cháu bé đều không bao giờ được phép ở một mình, kể cả khi cháu đang ngủ.
Chị Oanh tâm sự, dù nhà chị kinh tế không khá giả gì nhưng kiên quyết phải thuê một người giúp việc, để kể cả khi con ngủ, cũng phải có người ngồi trông em bé. Vì thông thường, khi tỉnh dậy, không thấy người lớn đâu, các cháu bé thường rất hoảng loạn.
Một độc giả nhà ở cạnh gia đình cháu Đức chia sẻ rằng, mẹ cháu Đức hiền và tốt, một mình nuôi hai đứa con vì chồng đi nước ngoài nhiều năm, chị chăm sóc con rất cẩn thận vì chị chỉ ở nhà và chăm sóc 2 bé thôi.
'Hành lang nhà thì xây khá cao, tầm 1,3m, nhưng là tường nên cũng rất khó xảy ra trẻ có thể trèo được, nhưng chắc do có ghế nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc như vậy" - độc giả này nói.
Lo con trẻ ở nhà một mình
Đi một vòng các chung cư mới thấy, ngay sau khi sự việc cháu Đức xảy ra, nhiều gia đình vô cùng lo lắng cho sự an toàn của con trẻ ở nhà.
Chị Lương, nhà ở chung cư F4,
Trung Yên lo lắng vì con nhỏ của chị cũng mới 5 tuổi, đang ở độ tuổi thích leo
trèo, nghịch ngợm.
Chị Trần Thị Hà (giữa) đi không vững khi biết tin mất con (Ảnh: GDVN) |
Chị cho biết, sau khi đọc báo, chị vừa thương cháu Đức, vừa lo lắng rủn cả tay chân. Nhìn lan can nhà tuy đã được làm đến 1,2m nhưng chị vẫn cảm thấy không yên tâm. Lập tức chị và chồng ngồi “làm việc” lại với bác giúp việc, quán triệt lại chuyện trông cháu nhỏ sao cho an toàn.
Và cả nhà chị đã thu dọn hết các thùng, hộp và ghế để ở quanh lan can, tránh việc con nhỏ trèo lên nghịch.
Chung tâm trạng với gia đình chị Lương, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ dân ở các chung cư trong ngày chủ nhật đã vội vàng thu dọn ban công, hành lang để cho các cháu nhỏ không có đồ vật leo trèo ngoài ban công.
Không chỉ ở chung cư, nhiều gia đình có con nhỏ ở nhà riêng đã bắt đầu tính đến phương án mua gỗ, làm nẹp tường để quây lại các cầu thang lên xuống, khóa chặt cửa ra vào ban công để giữ an toàn cho em bé.
Nhiều thành viên trên các diễn đàn đã lập riêng các topic để chia sẻ kinh nghiệm khi để trẻ ở nhà một mình: “Hãy xem xét độ tuổi, tính cách, khả năng nhận thức cũng như trưởng thành của trẻ; liệu an ninh quanh khu vực nhà bạn có tốt hay không và hàng xóm nhà bạn có phải là người đáng tin cậy để gửi gắm con?
Nếu con bạn là đứa trẻ hơi bốc đồng và nghịch ngợm, bạn không nên để trẻ ở nhà một mình cho đến khi con được 12 tuổi; Trước khi rời đi, hãy hướng dẫn trẻ cách sử dụng các vật dụng quen thuộc trong nhà để trẻ có thể xoay sở khi không có cha mẹ bên cạnh.
Cẩn thận hơn, bạn có thể viết những hướng dẫn của mình ra giấy rồi dán ở nơi trẻ dễ thấy nhất; Hãy để lại số điện thoại di động của bạn và số điện thoại của người thân để trẻ có thể liên lạc trong trường hợp cần.
Hướng dẫn trẻ cách quay hay bấm số điện thoại và cách ghi lại lời nhắn khi có người gọi đến; Đưa một số các tình huống giả định để luyện tập trước cách trả lời cũng như ứng xử của trẻ. Bạn cần biết nếu có người lạ gõ cửa trẻ làm gì? Nếu ngửi thấy khói trẻ ứng biến ra sao?… lắng nghe cách con xử lý các tình huống sẽ giúp bạn có nhận định chắc chắn hơn về việc nên hay không cho trẻ ở nhà 1 mình...
Hãy nhớ rằng dù trẻ có khôn ngoan hay cư xử chững chạc thì cũng có khi mắc sai lầm. Do đó động viên trẻ thật nhiều và hãy xem những sai sót như cách học hỏi thêm kinh nghiệm;
Thường xuyên nhắc nhở trẻ nguyên tắc: Nếu có lửa cháy con phải chạy ra khỏi nhà ngay; Bạn cũng đừng quên gọi điện về nhà để trẻ thấy rằng mình luôn được cha mẹ quan tâm và yêu thương".
Nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng chính sách phạt tiền và cả tù với những bậc phụ huynh để trẻ nhỏ ở nhà một mình, và an toàn cho cư dân sống trên các tầng cao luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển. Hơn 80% dân số Singapore gồm hơn 5 triệu người đang sinh sống tại các khu chung cư cao tầng. Do vậy, quốc gia này rất chú trọng tới đảm bảo an toàn cho người dân khỏi nguy cơ bị rơi từ cửa sổ, ban công hay lan can. Ngoài việc quy định và giám sát chặt chẽ việc xây dựng các lan can, ban công, cửa sổ theo chuẩn an toàn, nước này còn ban hành Điều luật Quản lý địa tầng và Bảo dưỡng nhà ở quy định rõ những người sống trong nhà phải có trách nhiệm kiểm tra và bảo dưỡng các cửa sổ trong nhà thường xuyên. Nếu để có người bị rơi từ cửa sổ, nhà/hộ nào vì lý do điều kiện cửa sổ thiếu an toàn thì chủ căn nhà/căn hộ đó sẽ phải chịu mức phạt 7150 đôla Singapore và một năm tù giam. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore còn đề ra “Các ngày an toàn cửa sổ” để nhắc nhở mọi người dân về nguy cơ người bị rơi từ cửa sổ, lan can, bancông. “Các ngày an toàn cửa sổ” này thường được tổ chức vào ngày 11-12.12 và vào những ngày này, mọi người dân Singapore phải đảm bảo được cửa sổ của nhà mình đạt tiêu chuẩn an toàn. Đây cũng là ngày mà Chính phủ Singapore tăng cường nhắc nhở người dân về Điều luật Quản lý địa tầng và Bảo dưỡng nhà ở và mức phạt. - Theo Luật Trẻ em và Thanh thiếu niên của Anh ban hành năm 1993, các bậc cha mẹ ở xứ sở xương mù có thể bị kết tội cố ý sao lãng bổn phận nếu để con trẻ ở tình trạng không giám sát và ở tình huống có thể gây ra những chấn thương hoặc tử vong cho trẻ. Mức phạt dành cho tội này ở mức phạt tiền cho tới bị tù giam 10 năm. Tuy nhiên luật này không quy định rõ cấm để trẻ em dưới bao nhiêu tuổi ở nhà một mình. Một luật tương tự cũng được Scotland áp dụng từ năm 1937. Tại các nước tiên tiến khác như Đức, Pháp, Italia...., các bậc cha mẹ để con nhỏ ở nhà một mình cũng sẽ bị cảnh sát bắt giữ và xử lý vi phạm. - Theo Trung tâm Thông tin chăm sóc trẻ em Quốc gia Mỹ, nước này áp dụng lệnh cấm để trẻ em dưới 12 tuổi một mình trong nhà, căn hộ khoá cửa. Người nào vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền từ 500USD trở lên hoặc bỏ tù tối thiểu 30 ngày. Trong khi đó, bang Illinos quy định chỉ có trẻ em trên 14 tuổi, có khả năng tự chăm sóc bản thân mới được ở nhà một mình. Chính phủ Mỹ cũng thường xuyên mở những đợt chiến dịch tuyên truyền về nguy cơ người bị ngã từ cửa sổ, bancông và lan can. Theo đó, những nhân viên tham gia chiến dịch sẽ tuyên truyền thông tin và cách phòng tránh cho người dân bằng cách gửi thư điện tử hàng tuần, đăng tải thông tin trên website của các tổ chức an toàn, trên trang xã hội facebook và in tờ rơi phân phát tới tận các nhà dân. Người dân có thể gọi điện tới đường dây nóng để tham khảo cách lắp đặt cửa sổ, xây dựng bancông và lan can sao cho an toàn (Theo Lao Động) |
Thu Lý