Qua hội nghị tại St Petersburg lần này, rõ ràng hình ảnh một diễn đàn kinh tế của G20 đang bị lu mờ dần khi bị những bế tắc chính trị bao phủ lên.
>> Khi quyền lực chính trị nhường chỗ cho quyền lực quân sự
>> Syria: Can thiệp nhân đạo hay học thuyết trách nhiệm?
>> Can thiệp quân sự vào Syria: Cơ sở pháp lý nào?
Tuần qua, Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Nga trong bối cảnh vấn đề Syria vẫn còn "nóng hổi".
Thông thường, nội dung bàn thảo chủ yếu của Hội nghị G20 là về các
vấn đề kinh tế thế giới và đưa ra giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, tại St
Petersburg năm nay, vấn đề Syria cùng với căng thẳng trong quan hệ Mỹ -
Nga đi kèm theo đó đã bao trùm. Và người ta tự hỏi, liệu G20 có còn là
một diễn đàn về kinh tế, hay đã trở thành nơi phơi bày những bế tắc
chính trị giữa các quốc gia thành viên?
Mất vai trò trong các vấn đề kinh tế
Một thời lượng quan trọng của Hội nghị vẫn được dành cho việc tìm các giải pháp giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển cân bằng và bền vững. Lãnh đạo của 20 nước thành viên đã cùng nhau bàn thảo việc giải quyết cácg gói kích cầu liên quan đến kinh tế Mỹ, đồng thời cải thiện những quy định và kiểm soát thuế của các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh đó, mặc dù vấn đề Syria mang hơi hướng chính trị nhiều hơn,
các nhà lãnh đạo đã cố gắng tìm ra giải pháp để tránh những hệ quả xấu
có thể tác động đến kinh tế và tài chính thế giới, trong đó có việc giá
dầu tăng.
Hiệu quả của những giải pháp trên vẫn còn để ngỏ khi
Hội nghị đã kết thúc. Nhưng một thực tế khó phủ nhận, G20 đã không còn
uy tín trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu như 4-5 năm về
trước.
Các vấn đề chính trị bao phủ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại St Petersburg. Ảnh: RIA Novosti |
Khi mới ra đời vào năm 2008, diễn đàn G20 đã đóng vai trò lớn trong việc ổn định tình hình kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng bấy giờ. Năm 2009, cuộc gặp tại Anh vẫn đem lại hiệu quả tốt. Song kể từ đó đến nay, các cuộc gặp G20 không còn mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tham vọng ban đầu của G20 là thay thế khối G8 để thành một khối thống nhất hơn, nhằm lãnh đạo kinh tế thế giới tốt hơn. Nhưng trước tình hình hiện tại, tham vọng đó dường như đã phá sản.
Các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Nhật Bản đang có dấu hiệu hồi phục dần so với năm 2008, còn khu vực Eurozone đã chính thức thoát khỏi suy thoái. Trong khi đó, những nền kinh tế mới nổi của G20 lại đang có chiều hướng tăng trưởng chậm lại và vai trò vẫn còn hạn chế.
Các nước G20 đóng góp tới 90% sản lượng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, do cách điều hành chưa tốt, các mục đích vẫn chưa rõ ràng và cấp thiết, những năm vừa qua, khối này chưa có đóng góp đáng kể nào trong việc giải quyết các vấn đề lớn của kinh tế thế giới. Và vì vậy, người ta khó lòng mong chờ một kết quả quan trọng nào cho kinh tế toàn cầu từ hội nghị năm nay.
Bị lấn át bởi những bế tắc trong quan hệ chính trị
Điều khiến dư luận thế giới quan tâm nhiều hơn ở Hội nghị G20 năm nay là cách giải quyết của các nước trong vấn đề Syria với quan hệ Nga - Mỹ là trọng tâm. Không quá ngạc nhiên khi nó bế tắc bởi sự chia rẽ giữa các nước thành viên, với 10 nước ủng hộ Mỹ trừng phạt Syria, còn lại đứng về phía Nga phản đối.
Rõ ràng đối với cả Nga và Mỹ, không ai thắng trong cuộc đối đầu này. Trong khi đó, quan hệ hai nước, vốn đã căng thẳng do vụ Snowden và việc ông Obama từ chối gặp người đồng nhiệm Putin tại Nga, lại bị khoét sâu hơn do vấn đề Syria. Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã có cuộc tiếp xúc chớp nhoáng bên lề Hội nghị, song không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất, cuộc gặp của Tổng thống Putin và Tổng thống Obama ít nhất đem lại một dấu hiệu tích cực cho vấn đề Syria. Việc Syria chấp thuận yêu cầu chuyển giao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học cho Liên hợp quốc dường như đã giúp lấy "khúc xương Syria" trong cổ họng Mỹ. Tổng thống Obama nhanh chóng đề nghị Quốc hội Mỹ hoãn bỏ phiếu về vấn đề Syria.
Việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp ngoại giao có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm này. Nó vừa góp phần tích cực giải quyết hiệu quả vấn đề Syria, vừa làm "hạ nhiệt" phần nào căng thẳng quan hệ Mỹ - Nga.
Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc gặp cấp cao giữa ông Abe và Tổng thống Putin cũng gây chú ý không kém.
Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Trung - Nhật gặp nhau sau khi nhậm chức trong bối cảnh quan hệ hai nước gặp nhiều bất đồng do mâu thuẫn chủ quyền trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau cái bắt tay, những bất đồng giữa hai bên vẫn còn nguyên vẹn. Âu điều đó cũng dễ hiểu, khi mà tại cuộc gặp, phía Trung Quốc luôn nhấn mạnh lập trường yêu cầu Nhật "tôn trọng lịch sử" trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với nước này.
Điểm sáng hiếm hoi của Hội nghị G20 năm nay là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Abe. Hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán về quần đảo tranh chấp Kuril, đồng thời khởi động cơ chế đối thoại mới về quốc phòng và ngoại giao trong tháng tới.
Qua hội nghị tại St Petersburg lần này, rõ ràng hình ảnh một diễn đàn kinh tế của G20 đang bị lu mờ dần khi bị những bế tắc chính trị bao phủ lên. Không thể phủ nhận rằng G20 ngày càng mất vai trò trong bối cảnh các nước phát triển đang dần hồi phục kinh tế.
Vì vậy, đã đến lúc các nhà lãnh đạo G20 phải nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế tài chính quốc tế của khối. Và quan trọng hơn cả là, G20 cần khẳng định vai trò một diễn đàn kinh tế chủ đạo của thế giới, thay vì để các vấn đề chính trị lấn át, cản trở sự hợp tác của các quốc gia thành viên trong tương lai.