Bệnh nhi là bé N.M.K, quê ở Lạng Sơn, vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang trong tình trạng rất nguy kịch do bị vỡ lách độ 4.
Bác sĩ Khoa Ngoại thăm khám lâm sàng, nhận thấy các chỉ số sinh tồn của trẻ không ổn định: mạch nhanh 136 lần/phút, huyết áp thấp 66/30mmHg, da niêm mạc tái. Bụng trẻ chướng, nắn đau khắp bụng, đau nhiều vùng mạn sườn trái, phản ứng thành bụng rõ.
Kết quả siêu âm ổ bụng phát hiện có nhiều dịch tự do ổ bụng và hình ảnh đường vỡ lách khá rõ. Với chẩn đoán trẻ bị vỡ lách trong chấn thương bụng kín, các bác sĩ Khoa Ngoại đã chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu, chuyển bệnh nhi lên phòng phẫu thuật và sẵn sàng truyền máu trong khi mổ.
Quá trình phẫu thuật, thầy thuốc nhận thấy có nhiều máu đỏ tươi khắp ổ bụng, kiểm tra vùng hố lách thấy máu vẫn tiếp tục chảy nhiều, kíp phẫu thuật kẹp cuống lách để cầm máu và hút ra được 500ml máu; đồng thời truyền 1 đơn vị khối hồng cầu và 1 đơn vị huyết tương cùng nhóm.
Tiếp đó, bác sĩ kiểm tra lá lách đã bị vỡ thành 2 phần, đường vỡ qua cuống lách không thể bảo tồn được nên đã quyết định cắt lách để cứu sống bệnh nhi. Sau phẫu thuật, huyết động bệnh nhi ổn định, sức khỏe tiến triển tốt. 7 ngày sau, bé được xuất viện.
Lá lách nằm ở vị trí hạ sườn trái ổ bụng, có chức năng quan trọng giúp cơ thể chống nhiễm trùng và tạo tế bào máu, lọc các tế bào máu cũ... Vỡ lách hay chấn thương lách là trường hợp có thể gặp trong các ca chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt.
Vỡ lách thường gây chảy máu trong ổ bụng, mức độ chảy máu tùy thuộc vào cơ chế chấn thương và độ vỡ nặng nhẹ.
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, khuyến cáo cha mẹ cần hết sức cẩn trọng với trường hợp trẻ gặp chấn thương vùng bụng.
"Nếu trẻ bị chấn thương vùng bụng thì cần phải sớm đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế chuyên khoa Ngoại Nhi bởi có những trường hợp chỉ là vết bầm nhẹ bên ngoài hoặc không có vết bầm, không sưng như trường hợp cháu M.K nhưng tổn thương bên trong rất nghiêm trọng", bác sĩ Đại nói.