- “Khả năng bé trai mắc bệnh tự kỷ mới được phát hiện bị chết đuối trong Đầm Sen có sở thích nghịch nước. Trẻ tự kỷ dễ gặp phải những tai nạn thương tâm không hề hiếm do việc nhận thức về nguy hiểm của các bé bị hạn chế.” – Ông Trương Quốc Cường, chuyên viên tâm lý của khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM đã nhận định như trên.
TIN BÀI LIÊN QUAN
HS Việt vào cuộc chơi con nhà giàu thế giới
Học yêu nước... kiểu Đức
Học ngành gì để 4 năm tới ra đắt giá?
Trẻ tự kỷ dễ bị tai nạn
Trẻ tự có biểu hiện bất thường về tâm lý cần được khám và điều trị kịp thời. Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Đó là bé trai khoảng 5 tuổi, tên Nguyễn Văn Đ., ngụ tại quận 3, TP.HCM. Bé được mẹ đưa đến khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám vì không sợ…độ cao.
Mẹ của bé kể lại với chuyên viên tâm lý – “Con tôi thường xuyên leo lên bàn, ghế rồi nhảy xuống. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là cháu hiếu động nhưng sau một lần xảy ra sự cố nghiêm trọng tôi cảm thấy ở cháu có điều bất thường. Cháu tiếp tục leo lên những vật cao hơn như…nóc tủ và thản nhiên…nhảy xuống đến mức bị sái khớp chân.”
Trường hợp thứ hai mà chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường rất ấn tượng là bé gái tên Lê Thị M., 6 tuổi. Bé được đưa đến khám tâm lý với bàn tay đầy sẹo do bị phỏng. Cha mẹ bé cho biết M. không hề cảm giác được nhiệt độ nóng, lạnh. Cô bé thường xuyên bị phỏng do đưa tay sờ bàn ủi.
Đa số trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có những biểu hiện chung như: Chỉ tập trung làm điều mình thích, không trả lời, không nhìn khi được người khác gọi tên hay hỏi chuyện. Có những bé không nói chuyện hoặc không biết nói.
Cô giáo cần hiểu rõ sở thích của học sinh
Mỗi ngày, riêng bản thân ông Cường khám và điều trị cho từ 1 đến 5 trẻ có biểu hiện mắc bệnh tự kỷ. Đa số các trường hợp này ở độ tuổi dưới 5, có những bé sau 18 tháng mới phát bệnh.
Nguyên nhân gây nên chứng bệnh tự kỷ được nghi ngờ do gen. Trẻ mắc bệnh này thường có các biểu hiện rối loạn về phát triển tương đối phức tạp. Các bé gặp khó khăn đặc biệt trong 3 lĩnh vực là tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi.
Đối với những trẻ mắc bệnh tự kỷ khi đến khám sẽ được bác sĩ tâm lý cân nhắc mức độ nặng nhẹ. Có những bé bị nặng, không có khả năng giao tiếp sẽ được khuyên nên đến các trung tâm, trường học giành riêng để được chăm sóc và điều trị tốt hơn.
Còn đối với những trường hợp chỉ bị hội chứng Asperger (vẫn có khả năng giao tiếp nhưng chỉ ít nói, trí tuệ bình thường) thì chuyên gia tâm lý sẽ có cách trị liệu riêng.
Trước tiên, bác sĩ khuyên cha mẹ nên thích nghi và đừng lấy làm khó chịu đối với những thói quen mang tính nguyên tắc của trẻ, nhất là những thói quen này không gây ảnh hưởng gì lớn. Ví dụ như trẻ chỉ học bài và ăn cơm khi đến đúng giờ, kiên quyết không làm những việc đó sớm hay muộn hơn giờ bình thường…
"Phụ huynh phải hiểu và thông cảm bởi “cứng nhắc” là đặc điểm bệnh lý của các bé. Nếu muốn thay đổi thói quen của con cha mẹ cần phải giải thích trước chứ không nên làm đột ngột.” – Ông Cường nói.
Ngoài ra, để giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, dễ hòa nhập hơn với cộng đồng phụ huynh nên mua sách, truyện xã hội về kể cho con nghe, cùng trẻ chơi các trò chơi phân vai…
Theo ông Trương Quốc Cường, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trung tâm chăm sóc, dạy học cho trẻ mắc bệnh tự kỷ.
Tuy nhiên, dưới góc độ là một nhà tâm lý thường xuyên tiếp xúc và điều trị cho trẻ em mắc bệnh này ông Cường đã đúc rút ra những lời cảnh báo đối với việc chăm sóc các bé – “Cô giáo của trẻ tự kỷ phải hiểu rõ sở thích từng học trò mình, có như thế mới giúp được các bé tránh gặp phải những tai nạn đáng tiếc, nhất là trong những cuộc đi chơi ngoại khóa. Khi đã mắc bệnh này, nếu thích gì trẻ chỉ chăm chú vào việc đó, thậm chí tiến tới gần mà không biết đến nguy hiểm ngay cả khi có người cảnh báo gọi lại.”
- Thanh Huyền