Phải tới thăm khám lần thứ 4, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 mới phát hiện cháu bé 4 tuổi bị gãy đầu trên xương cánh tay. 3 lần trước đó, các y bác sĩ chẩn đoán bé bị…rạn xương, trật khớp, bong gân.

Ngày 24/8, hội đồng khoa học Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ họp kiểm thảo lại vụ việc chẩn đoán sai cho bệnh nhi Phạm Trần An Dương (4 tuổi, ngụ P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan.

{keywords}

Bé Phạm Trần An Dương bị với cánh tay bị thương. Ảnh do gia đình cung cấp.

Bé An Dương bị gãy đầu trên xương cánh tay nhưng khi chụp X-quang và thăm khám tới 3 lần, các bác sĩ chẩn đoán bé bị rạn, cong xương rồi bong gân, trật khớp…và kê thuốc không đúng cho bé khiến người nhà bức xúc.

Vào ngày 11/8, bé An Dương bị té ngã, kêu đau tay trái, cử động khó khăn nên được gia đình đưa tới BV Nhi Đồng 2.

Sau khi thăm khám, bác sĩ tên Nguyệt yêu cầu người nhà đưa bé chụp X-quang. Kết quả chẩn đoán bé bị gãy xương cẳng tay trái. Nữ bác sĩ này yêu cầu bó bột rồi kê thuốc cho An Dương.

Về tới nhà, bé trai 4 tuổi vẫn quấy khóc và kêu đau, cánh tay trái không cử động được. Ngày hôm sau, tay trái bé có dấu hiệu sưng to hơn, gia đình đã tiếp tục đưa tới BV.

{keywords}

Kết quả các bác sĩ chẩn đoán ngày 11/8 và 16/8 đều không đúng.

Các bác sĩ tại đây cho đi cưa bột và chụp X-quang cho An Dương. Kết quả chụp lần này vẫn xác định tay trái bé không bị sao, bác sĩ khám nói bé bị rạn xương và cho bó nẹp. Thời điểm này, bé không kêu đau nữa.

Tới ngày 15/8, gia đình đưa bé tới tái khám. Sau khi tháo nẹp ra, sờ nắn tay bé một lúc, bác sĩ tại đây nhận định, bé chỉ bị “trật khớp, bong gân, giãn khớp và dây chằng” và kê thuốc trị bệnh này.

Tới ngày 21/8, tay bé trai vẫn rất đau, không nhấc lên được và cứ lủng lẳng như không có…xương bả vai. Gia đình lại phải đưa tới BV tái khám và chụp X-quang lại.

Lần này, mọi người thất thần khi biết bé bị gãy đầu trên xương cánh tay. Xem lại hình ảnh trên phim chụp những lần trước, vết gãy thấy rất rõ.

“3 lần khám, cả chục y bác sĩ, từ phòng chụp X-quang tới điều trị mà lại không phát hiện ra tay con trai tôi bị gãy. Trong khi nhìn qua phim chụp, vết gãy đó rất dễ nhìn thấy bằng mắt” – anh Phạm Văn Liêm (bố bé Dương) bức xúc.

“Khoanh nhầm” vị trí chụp

Trao đổi với PV, bà Huỳnh Minh Thu, Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, khi nhận được thông tin, lãnh đạo BV đã mời gia đình bé Anh Dương tới thăm hỏi và nắm bắt sự tình.

{keywords}

Phải tới lần khám thứ 4, các bác sĩ BV Nhi đồng 2 mới chẩn đoán đúng tình trạng bệnh cho bé Dương.

Bước đầu bệnh viện nhận thấy có sự sai sót của bác sĩ khi khoanh vùng để chụp X-quang cho bé Dương – bà Thu nói và thừa nhận, do bác sĩ nhận định sai vị trí (nghĩ là khuỷu tay) nên hình ảnh chụp X-quang ở khu vực này lại không thấy tổn thương và không cho thêm chỉ định khác.

"Vị trí tổn thương là đầu trên xương cánh tay trái bị gãy nhưng khi chụp X-quang bác sĩ và nhân viên lại “khoanh vùng” vị trí chụp là…khủy tay trái của bé" – bà Thu lý giải.

Nói về chẩn đoán “nhầm” của các bác sĩ, bà Thu nói thêm, khi không phát hiện ra tổn thương để ra toa thuốc cho bé, bác sĩ đã “chọn” danh mục trật khớp, bong gân, giãn khớp và dây chằng đã được cài đặt sẵn trong máy tính. Nếu không có nội dụng trên thì bác sĩ không thể ra toa thuốc được.

"Đây là sự cố rất đáng tiếc, chúng tôi đã gửi lời xin lỗi tới gia đình bé Dương. Phía BV sẽ theo dõi quá trình phục hồi của bé để từ đó có những chỉ định phù hợp. Bệnh nhi được tái khám hàng tuần và sau 3 tuần nếu tình hình phục hồi không hiệu quả thì sẽ tiến hành mổ xếp xương cho bé" – bà Huỳnh Minh Thu thông tin.

Gia đình yêu cầu xử lý bác sĩ thiếu trách nhiệm

Tại buổi làm việc với BV Nhi đồng 2 vào ngày 22/8, anh Phạm Văn Liêm đã đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan tới việc các bác sĩ khám bệnh và chẩn đoán hình ảnh lại “phán" nhầm cho bé An Dương, từ gãy xương cẳng tay tới gãy cẳng tay phần không xác định rồi trật khớp, bong gân, giãn khớp và dây chằng, trong khi thực tế bé bị gãy đầu trên xương cánh tay.

Theo anh Liêm, sau 10 ngày không được điều trị, tại vết gãy, 2 xương đã rời ra, nặng hơn rất nhiều so với ngày đầu tiên anh đưa bé vào viện thăm khám.

Tuy nhiên, đại diện phía BV lại không giải thích rõ ràng, mà cho rằng vết gãy của bé An Dương là…“gãy kín”. Và rằng bác sĩ chỉ có người khám còn người chụp X-quang và người bó bột chỉ là kỹ thuật viện, làm việc theo yêu cầu của bác sĩ.

Các bác sĩ khám sau chỉ nhìn vào chuẩn đoán ban đầu nên…chủ quan dẫn tới sai lầm. Thêm vào đó là việc ghi chẩn đoán bệnh trong kết luận cũng do phần mềm do Bộ Y tế cung cấp và bắt buộc phải sử dụng.

Gia đình đã yêu cầu BV phải chịu trách nhiệm nếu sau này tay cháu bé có dị tật. Bên cạnh đó phải xử lý nghiêm các y bác sĩ thiếu trách nhiệm. Anh Liêm cũng yêu cầu BV bồi thường 50 triệu đồng, số tiền này theo anh, sẽ được ủng hộ cho các trẻ em mắc bệnh ung thư.

Văn Đức