Triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã chủ động ban hành kế hoạch xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn.

Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 12/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Mỹ Yên và Thanh Phú. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025, xã Thạnh Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

chuyển đổi số long an.jpg
Trên địa bàn huyện có khoảng 85% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh.

Về xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Bến Lức đã đạt 7/9 tiêu chí; còn 2 tiêu chí chưa đạt là giao thông và môi trường. Với các tiêu chí đã đạt, huyện tiếp tục rà soát để giữ vững và phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt. 

Hiện nay, huyện phấn đấu xây dựng thị trấn Bến Lức đạt chuẩn đô thị văn minh và hoàn thiện thêm nhiều tuyến giao thông, nhất là giao thông nông thôn để thuận tiện trong đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân... Hầu hết các chỉ tiêu huyện phấn đấu đều có khả năng hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra vào cuối năm 2024.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Bến Lức đã bố trí tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình từ ngân sách do huyện quản lý hơn 107 tỷ đồng; năm 2023 là hơn 27 tỷ đồng cùng nhiều tài sản, vật kiến trúc trên đất trị giá hàng tỷ đồng. Huyện còn nhận được nguồn vốn của Trung ương thông qua đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong năm 2023 gần 70 tỷ đồng (đường giao thông, cầu, cống,...). Người dân Bến Lức xa quê và tại địa phương đóng góp tiền mặt, vật chất khác tổng trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Chất lượng môi trường sống trên địa bàn huyện Bến Lức không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở nông thôn vượt kế hoạch đề ra (năm 2023 đạt 68,11%, nghị quyết là 65,5%). Hoạt động kinh doanh buôn bán phát triển với nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích bảo đảm phục vụ người dân.

Thời gian qua, Chương trình chuyển đổi số trong nông thôn mới được huyện Bến Lức triển khai mạnh mẽ với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị và từng bước hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn thông minh.

Hạ tầng số trên địa bàn phát triển tích cực, đã lắp đặt wifi miễn phí cho khu vực trung tâm huyện và các xã, thị trấn, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng, chợ... Hạ tầng băng rộng cáp quang tốc độ cao kết nối đến tất cả hộ dân, sóng 3G, 4G đã phủ tất cả khu vực nông thôn.

Huyện đang sử dụng nhiều cơ sở dữ liệu dùng chung khác nhau như cơ sở dữ liệu đất đai, học bạ điện tử, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể... Đồng thời áp dụng hóa đơn điện tử cho 100% hộ kinh doanh, doanh nghiệp; hỗ trợ đưa 16 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng mã vạch, mã QR cho các chủ thể sản phẩm OCOP; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện trên mạng xã hội. 

Trên địa bàn huyện có khoảng 85% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh; 15/15 xã, thị trấn triển khai phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe; 100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử; 80% người dân độ tuổi lao động có tài khoản giao dịch ở ngân hàng…

Huyện thử nghiệm tuyến đường “Thanh toán không dùng tiền mặt” trên đường Nguyễn Hữu Thọ và tạo nên hiệu ứng tích cực, thúc đẩy các hộ kinh doanh và người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến. Mô hình được nhân rộng thêm nhiều tuyến đường, kết quả trên 2.700 hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn thị trấn đặt bảng mã QR và tài khoản ngân hàng để khách quét mã thanh toán.

Bên cạnh đó, huyện Bến Lức cũng chú trọng công tác tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới và thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng. Nội dung tập huấn gồm các kiến thức về chuyển đổi số; Kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến gắn với bảo vệ dữ liệu cá nhân; Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và sử dụng nền tảng số...

Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tạo sự lan tỏa, thúc đẩy, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.